Hội thảo triển khai công tác phối hợp giữa Cục thi hành án dân sự và ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

13/11/2013
Ngày 01/11/2013, tại Hội trường Ngân hàng nhà nước tỉnh Đồng Nai, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo triển khai phối hợp công tác giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng Ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội thảo gồm có Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Chấp hành viên; Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài Chính tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Đồng Nai, Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai; Giám đốc các Chi nhánh tổ chức tín dụng, các tổ chức thẩm định giá, các tổ chức bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

Qua báo cáo tổng hợp của Phòng nghiệp vụ báo cáo công tác trong năm 2013 (tính đến hết tháng 9-2013) toàn tỉnh phải thi hành gần 29 ngàn việc với tổng giá trị tiền và tài sản phải thi hành hơn 2.800 tỷ đồng. Số vụ đã thi hành án đạt 76%, thu được hơn 1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu có liên quan đến thi hành án hiện có 396 việc với số tiền là 774 tỷ đồng thuộc các ngân hàng. Có nhiều việc thời gian thi hành án kéo dài, công tác bán đấu giá tài sản nhiều vụ phải đấu giá đến 15 lần nhưng vẫn chưa bán được tài sản. Phần lớn là tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, nhà, động sản, … hiện nay tình hình nhà đất đóng băng dẫn đến tình trạng kê biên, bán đấu giá không được.

Sau khi nghe ông Phạm Hoài Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh giới thiệu một số quy định của pháp luật về công tác thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng, hội thảo đã thảo luận về các vướng mắc trong xử lý nợ thi hành án.

Đại diện các tổ chức tín dụng ngân hàng đã nêu một số lý do chính khiến việc thi hành án chậm trễ như tài sản thế chấp liên quan đến nhiều tổ chức tín dụng; tài sản chưa được xác minh; tài sản đang bị tranh chấp không kê biên được; một số khó khăn đối với khách hàng như tẩu tán tài sản thế chấp, khách hàng gặp khó khăn, bỏ trốn, đi khỏi nơi cư trú, lợi dụng kẽ hở pháp luật để cố tình trì hoãn; liên quan đến đơn vị thi hành án từ khi nhận đơn yêu cầu đến khi ra quyết định thi hành án cho đến khi thực hiện việc kê biên cưỡng chế tài sản kéo dài, …. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như các văn bản hướng dẫn thi hành án còn chồng chéo, tạo điều kiện cho người phải thi hành án lợi dụng để kéo dài thời gian thi hành án, như yêu cầu thẩm định lại tài sản, không đồng ý giao tài sản đã giảm giá nhiều lần nhưng không có người mua; khiếu nại việc bán đấu giá tài sản, ….Bên cạnh đó, đại diện các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đơn vị bán đấu giá đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản, giao tài sản để phục vụ thi hành án. Qua đó, đại diện các cơ quan này đã đề xuất các kiến nghị, giải pháp để sớm khắc phục những tồn tại trên nhằm thu hồi tài sản, rút ngắn thời gian bán đấu giá

Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi thảo luận, giải đáp của các Chấp hành viên về thắc mắc của các tổ chức tín dụng, Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ghi nhận các ý kiến để tổng hợp báo cáo đến cơ quan thẩm quyền cấp trên để có hướng dẫn chỉ đạo kịp thời để xử lý vụ việc.

Đại diện Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai ông Nguyễn Hùng Mạnh Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh phát biểu: Các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ngân hàng hiện nay còn khá cao, yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án và các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh công tác thu hồi nợ xấu; báo cáo kịp thời những trường hợp khó khăn vướng mắc để có hướng chỉ đạo xử lý.

Kết thúc Hội thảo ông Ngô Văn Toàn Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh khẳng định: Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan rất quan trọng trong việc giải quyết thi hành án từ công tác phối hợp với cán bộ phường ( xã) địa phương, tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, thông báo, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản bán đấu giá, … cần chú trọng hơn nhằm tạo thuận lợi trong quá trình giải quyết thi hành án. Bên cạnh đó cần nghiên cứu sâu hơn về Luật Thi hành án, các thông tư, nghị định, các văn bản hướng dẫn và thực hiện đúng quy định. Đối với Tổ công tác thi hành án cho các tổ chức tín dụng ngân hàng duy trì việc họp định kỳ theo quý để nắm bắt thông tin, những khó khăn vướng mắc để có hướng xử lý kịp thời.

Nguyễn Thi Thanh Thúy