Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự

22/11/2013
Nhằm bồi dưỡng, trang bị các kỹ năng cần thiết giúp cho Chấp hành viên và công chức Thi hành án dân sự hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự toàn thành phố.

Ngày 15/11/2013, tại thị xã Sơn Tây, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi hành án dân sự, nội dung tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Triển khai Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2009/NĐ-CP của Chính Phủ; Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân Tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các chuyên đề như: Kỹ năng giao tiếp và phối hợp của Chấp hành viên với các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động thi hành án dân sự; kinh nghiệm áp dụng các biện pháp bảo đảm và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; một số tồn tại, thiếu sót thường gặp về nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự thông qua công tác kiểm tra năm 2013 và những giải pháp khắc phục; một số nội dung về công tác kế toán nghiệp vụ thi hành án và thực hiện Chế độ báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đồng chí Lê Quang Tiến, Cục trưởng chủ trì Hội nghị.

Dự Khai mạc Hội nghị có đồng chí Hà  Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, đồng chí Đào Thị Hồng Hải - Chánh án Tòa án nhân dân, đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, đồng chí Đào Hiến Chương - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây.

 

Thành phần tham dự Hội nghị gồm có các  đồng chí Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội; các đồng chí Trưởng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục; Các đồng chí Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng; Các Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán nghiệp vụ, cán bộ tổng hợp báo cáo thống kê của Cục và 29 Chi cục Thi hành án dân sự  trực thuộc thành phố Hà Nội, với tổng số học viên là 337 người.

Tại Hội nghị các Báo cáo viên đã kết hợp chặt chẽ giữa truyền đạt những quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự với vận dụng thực tiễn để đưa ra các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại ở các đơn vị. Các học viên đã chủ động và tích cực học tập, trao đổi, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đánh giá cao thành công của Hội nghi, Hội nghị đã nghiêm túc bảo đảm tốt nội dung của từng chuyên đề và toàn bộ chương trình tập huấn, đạt được mục đích và yêu cầu theo kế hoạch đã đề ra.

 

Kiểm lại kết quả công tác năm 2013, thông qua công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện công tác thi hành án dân sự tại các Chi cục Thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy Chấp hành viên, cán bộ công chức tại các đơn vị đã nỗ lực cố gắng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu công tác được giao, có rất nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác đạt chỉ tiêu công tác cao, hồ sơ giải quyết đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng các đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt trong việc giải quyết hồ sơ thi hành án, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác cũng như giảm thiểu các sai sót, tồn tại, vi phạm trong quá trình giải quyết hồ sơ thi hành án. Kết quả cụ thể công tác thi hành án dân sự của toàn thành phố Hà Nội được thể hiện 100%  bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được các cơ quan Thi hành án dân sự ra Quyết định thi hành án đúng thời hạn theo quy định. Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 23.472 việc, đạt tỷ lệ 91.42% (vượt chỉ tiêu được giao). Về tiền đã thi hành được 2.089 tỷ đồng trong số tiền có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 83.10% (vượt chỉ tiêu được giao). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả công tác nêu trên, qua công tác kiểm tra cũng phát hiện một số thiếu sót, tồn tại như: Hồ sơ thi hành án chưa được giải quyết đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, việc lập các biên bản về thi hành án, việc phân loại hồ sơ thi hành án còn sơ sài, chưa triệt để, thiếu căn cứ, có trường hợp hồ sơ chưa thi hành án xong đã báo cáo xong chuyển lưu trữ… Đối với công tác thống kê, báo cáo một số đơn vị còn gửi chậm, gửi thiếu, số liệu không chính xác phải chỉnh sửa và nhắc nhở nhiều lần. Những tồn tại, thiếu sót nêu trên đã được Hội nghị tập huấn thẳng thắn nhìn nhận, tập trung thảo luận nghiêm túc rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp khắc phục, chấm dứt tồn tại trong công tác thi hành án dân sự.

 

Năm 2014, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, dự kiến chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao năm 2014 cao hơn năm 2013, đòi hỏi mỗi đơn vị và từng công chức thi hành án dân sự thuộc thành phố Hà Nội phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2014, đồng chí Cục trưởng Lê Quang Tiến chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

- Từng đơn vị tập trung việc xây dựng và triển khai kế hoạch và nhiệm vụ công tác năm 2014 đồng thời tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá kết quả thi hành án dân sự của các Chấp hành viên thuộc đơn vị mình, đảm bảo tính chính xác của số liệu thống kê cũng như toàn bộ các mặt công tác khác. Trên cơ sở đó, tập trung chỉ đạo khắc phục những vi phạm, thiếu sót trong thi hành án dân sự, kịp thời quán triệt, chấn chỉnh trong toàn đơn vị để hạn chế những vi phạm, thiếu sót trong năm 2014 và những năm tiếp theo, phấn đấu thực hiện đúng, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và của thành phố Hà Nội giao cho.

- Chủ động triển khai công tác tự kiểm tra trong đó, tiếp tục tăng cường xiết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác; đẩy mạnh việc giải quyết thi hành án, chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; các vụ án lớn, phức tạp; các vụ việc khiếu nại tố các, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ xác minh, phân loại việc có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành, đảm bảo chính xác, đúng pháp luật, không để công tác thi hành án dân sự bị gián đoạn.

- Chủ động phổ biến các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức trong đơn vị, đặc biệt là các văn bản mới ban hành như Nghị định Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2009/NĐ-CP của Chính Phủ; Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự…v.v… Ngoài ra cần chú ý bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, vận động, kỹ năng dân vận của cán bộ công chức trong quá trình làm việc và tiếp xúc với các đương sự.

 

- Tham mưu, đề xuất và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự của địa phương. Phối hợp thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi ngành. Làm tốt công tác phối hợp kiểm sát và thực hiện nghiêm túc các kháng nghị về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, thống kê về thi hành án dân sự, bảo đảm cập nhật chính xác số liệu thống kê kết quả thi hành án, các báo cáo tài chính, kế toán nghiệp vụ, đầu tư xây dựng cơ bản và phản ánh kịp thời, đầy đủ các thông tin, tình hình, kết quả thi hành án dân sự về Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, nhất là những vụ việc phức tạp, nhạy cảm.

Toàn bộ học viên dự Hội nghị quyết tâm phát huy tốt nhất những kiến thức được học tập, những kinh nghiệm được trao đổi để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được giao năm 2014 và những năm tiếp theo.

Đàm Thị Kiều Oanh