Tiền Giang khai trương Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên trên địa bàn tỉnh

24/02/2014
Ngày 18/02/2014, Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Tiền Giang” tổ chức công bố, trao Quyết định thành lập số 07/QĐ-UBND ngày 03/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Giấy đăng ký hoạt động số 01/TP-ĐKHĐ do Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cấp ngày 12/02/2014 cho Văn phòng Thừa phát lại Cai Lậy. Đến dự có ông Phạm Minh Triết, Phó Trưởng ban Ban Nội chính tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại tỉnh Tiền Giang”; các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí lãnh đạo đại diện Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Tư pháp và đại diện các cơ quan, Ban, Ngành khác ở địa phương...

Văn phòng Thừa phát lại Cai Lậy hoạt động tại trụ sở số 12/235, đường 868, khu 5, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, do Thừa Phát lại Cao Văn Rạng làm Trưởng Văn phòng.

Sự ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại đánh dấu chủ trương cải cách tư pháp, xã hội hóa công tác thi hành án dân sự của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống. Theo Đề án của tỉnh cho phép thí điểm thành lập từ 03 đến 04 Văn phòng Thừa phát lại tại các khu vực thành phố Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và thị xã Gò Công.

Tại buổi Lễ, thay mặt Ban Chỉ đạo, ông Phạm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: “Hoạt động Thừa phát lại vẫn còn xa lạ với người dân, công việc của Thừa phát lại vừa đa dạng và cũng khá phức tạp, do vậy, để thực hiện thí điểm thành công, cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền địa phương. Phải xác định tư tưởng thí điểm là phải thành công không được thất bại, phải thực hiện cho được và phải nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh và cả nước.

Văn phòng Thừa phát lại Cai Lậy, do mới thành lập có thể sẽ còn lúng túng trong tổ chức và hoạt động. Vì vậy, để đảm bảo cho hoạt động bình thường, có hiệu quả, hạn chế những rủi ro, Văn phòng phải xây dựng một hệ thống các quy định, quy trình nội bộ trong khuôn khổ quy định của pháp luật như: quy định về công tác văn thư, lưu trữ; quy trình hồ sơ công việc; quy trình nghiệp vụ từng công việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành bản án; quy định về thu phí....

Khánh Minh

Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang