Các đại biểu tham dự Hội nghị đã bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Luật, cho rằng Dự thảo Luật có nhiều điểm đổi mới thiết thực, phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội nghị cũng thảo luận sôi nổi và tham gia nhiều ý kiến đóng góp về việc nên giữ cơ chế thi hành án theo đơn yêu cầu như hiện nay; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án; vấn đề miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước cần quy định chi tiết hơn…
Cụ thể nhiều ý kiến cho rằng dự thảo lần này qui định cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án (bãi bỏ các điều 30, 31, 32, 33…Luật Thi hành án dân sự năm 2008) là không phù hợp. Bởi, sau bản án các đương sự có thể tự thoả thuận với nhau nên không yêu cầu cơ quan chức năng phải thi hành án. Việc thực hiện cơ chế như trên sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án và khiến cho việc tồn đọng lượng án cần thi hành nhiều hơn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và góp ý đối với các quy định khác của dự thảo, như vấn đề xác minh điều kiện thi hành án tại Điều 44; án chưa có điều kiện thi hành tại Điều 44a; các vướng mắc trong việc thực hiện các điều 35, 36, 37, 50, 61, 114, 116, 121; vấn đề thi hành các vụ việc phá sản; vấn đề chi phí cưỡng chế thi hành án…
Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội nghị đều được Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tiếp thu và tổng hợp làm cơ sở để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới./.
Nguyễn Mạnh Toản
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sơn La