Một là, chú trọng công tác xác minh thi hành án dân sự trước khi tiến hành cưỡng chế
Và việc xác minh phải càng cụ thể càng chi tiết càng tốt vì nó là tiền đề, là nền tảng có tác dụng nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế thi hành án dân sự, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến việc cưỡng chế như: số lượng, đặc điểm tài sản; các bên đương sự có liên quan, khả năng manh động của từng đối tượng cụ thể; sự đồng tình, ủng hộ của những hộ dân lân cận; dự báo tình hình thời tiết,… để từ đó có thể đưa ra các phương án giải quyết hợp lý nếu có tình huống, sự kiện phát sinh, tránh tối đa trường hợp có những yếu tố phát sinh ngoài kế hoạch như thuê nhà ở tạm thời cho đương sự thì bị người khác thuê trước, tài sản phát sinh nhiều hơn so với kết quả xác minh, đương sự có yếu tố manh động, liều lĩnh, chống đối hơn hay trời mưa bất ngờ nhưng không có phương án chuẩn bị,… Do đó, xác minh chính xác, đầy đủ, chi tiết những yếu tố liên quan sẽ giúp chấp hành viên có được sự chủ động cao nhất, đây chính là điều kiện cần thiết để việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công.
Hai là, tiến hành họp bàn cưỡng chế và tổ chức họp dân trước khi cưỡng chế đầy đủ.
Việc họp bàn cưỡng chế với các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Công an, Viện Kiểm sát, Sở Xây dựng hoặc Phòng Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường hoặc Phòng Tài nguyên môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn, dân quân tự vệ,…. để thông qua kế hoạch cưỡng chế, phương án phối hợp cưỡng chế, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị giúp cho Kế hoạch cưỡng chế phù hợp hơn, hiệu quả hơn, hoàn chỉnh hơn, đồng thời trên cơ sở đó các đơn vị sẽ chủ động trong việc đưa ra kế hoạch phối hợp cưỡng chế và sắp xếp lịch công tác, tránh được trường hợp khi tiến hành cưỡng chế không nhận được sự phối hợp tích cực từ các cơ quan, lực lượng khác sẽ khiến cho việc cưỡng chế khó thành công hơn.
Bên cạnh việc họp bàn cưỡng chế, thì việc tổ chức họp dân đóng một vai trò rất quan trọng, thông qua cuộc họp này, những hộ dân xung quanh khu vực cưỡng chế sẽ hiểu đúng bản chất của cuộc cưỡng chế để từ đó có được sự phối hợp, ủng hộ cần thiết trong suốt quá trình cưỡng chế, đây sẽ là hiệu ứng tốt, là điều kiện quan trọng hỗ trợ việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công. Không những thế, thông qua cuộc họp dân, chấp hành viên sẽ nắm thêm được về đặc điểm, tình hình của người phải thi hành án cũng như các yếu tố khác nhằm giúp cho việc cưỡng chế thành công hơn do những người dân ở xung quanh sẽ rất “sâu sát” những vấn đề này.
Ba là, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng bộ phận tham gia cưỡng chế.
Nhằm tránh sự chồng chéo lẫn nhau trong quá trình cưỡng chế, mỗi bộ phận phụ trách một công việc nhất định, có Tổ trưởng bộ phận dưới sự chỉ đạo chung của chấp hành viên, có như thế mới tạo ra được sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ phận, có thể gồm các Tổ bộ phận nhỏ như: Tổ cưỡng chế; Tổ ghi biên bản; Tổ phụ trách loa đài; Tổ hậu cần; Tổ quay phim, chụp ảnh; Tổ phụ trách công cụ cưỡng chế; Tổ phối hợp với bộ phận y tế;… làm như thế khi bước vào cuộc cưỡng chế sẽ thuận lợi hơn, đạt kết quả cao hơn.
Bốn là, quán triệt một số vấn đề liên quan đến cuộc cưỡng chế, bao gồm:
Áo quần tham gia cưỡng chế phải đồng bộ, tùy theo mùa để mặc trang phục phù hợp, đội mũ ngành Thi hành án dân sự nhằm tạo ra sự uy nghiêm trong thực thi pháp luật;
Khi bước vào cuộc cưỡng chế tất cả đều phải tập trung, chú ý, cẩn thận đặc biệt đối với những đối tượng có khả năng manh động, làm liều;
Các tổ bộ phận cần thống nhất cách thức làm việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, ví dụ: bộ phận ghi biên bản cần chuẩn bị đầy đủ các loại biên bản theo các tình hướng cưỡng chế được sự liệu, mỗi loại phải dự phòng bao nhiêu bản, cần chuẩn bị bao nhiêu biên bản trống để ghi trong những tình huống phát sinh, bàn ghế để ghi biên bản, vị trí ghi biên bản,… sự chuẩn bị càng rõ ràng, cụ thể, chi tiết càng giúp cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.
Năm là, Chấp hành viên phụ trách vụ việc cần có được sự chủ động cần thiết để điều hành cưỡng chế thi hành án dân sự thành công bao gồm:
Nắm rõ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc cưỡng chế;
Nắm rõ từng bước của Kế hoạch cưỡng chế và phương án xử lý khi có tình huống mới phát sinh;
Trước khi cưỡng chế cần rà soát lại các yếu tố liên quan, công tác chuẩn bị cưỡng chế một cách cẩn thận;
Điều hành chung một cách có hiệu quả các Tổ bộ phận đã được giao nhiệm vụ;
Nắm rõ các yếu tố đã xác minh và phán đoán tình hình có thể diễn ra để chuẩn bị phương án giải quyết phù hợp nhất.
Để việc cưỡng chế thi hành án dân sự thành công, khâu chuẩn bị cưỡng chế đóng vai trò vô cùng quan trọng, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành cưỡng chế càng đầy đủ, càng cẩn thận, càng chi tiết bao nhiêu thì việc cưỡng chế thi hành án dân sự càng thành công, càng hiệu quả, tạo nên những hiệu ứng xã hội tốt bấy nhiêu. Do đó, bên cạnh việc thực hiện những yếu tố tác nghiệp khác, chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự cần nắm vững 5 điều kiện cần thiết nêu trên để việc cưỡng chế thi hành án dân sự đạt được kết quả cao nhất, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng và thi hành án dân sự nói chung.
Hạnh Nguyên