Nâng cao hiệu quả bền vững công tác thi hành án dân sự: Mỗi chấp hành viên là một tuyên truyền viên pháp luật.

06/10/2014
Có một hệ thống pháp luật hoàn thiện mới chỉ là cơ sở ban đầu để người dân nhận thức về pháp luật nhưng để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, Nhà nước phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.


Tuyên truyền: Theo từ điển tiếng Việt, tuyên truyền là “Giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ, làm theo”. Phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định nhằm đạt mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với đòi hòi của hệ thống pháp luật hiện hành, hay nói cách khác chính là hoạt động nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của công dân.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là cách thức tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cách tiến hành một hoạt động cụ thể để đạt được mục đích hình thành ở đối tượng tình cảm, tri thức và hành vi pháp lý phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật. Có nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng, hòa giải, phát tờ gấp, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ pháp luật...; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình...

Quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên là người trực tiếp tiếp xúc với người phải thi hành án, người được thi hành án. Để việc thi hành án đạt hiệu quả, hạn chế việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, chấp hành viên giải thích pháp luật cho đương sự, thuyết phục họ tự nguyện, thỏa thuận thi hành án. Hoạt động thuyết phục tác động vào ý thức con người, tạo cho họ sự nhận thức, tình cảm, nhu cầu xử sự theo pháp luật. Hoạt động thuyết phục, giải thích pháp luật của chấp hành viên chính là hoạt động tuyên truyền miệng có hiệu quả nhất cho đương sự đặc biệt là người phải thi hành án.

Để tổ chức thi hành một bản án, chấp hành viên không chỉ áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, mà trong nhiều trường hợp Chấp hành viên phải vận dụng toàn bộ tri thức, kinh nghiệm của mình về pháp luật, tâm lý, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương nơi người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan sinh sống để vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Bên cạnh công tác giáo dục thuyết phục thì cũng cần phải kiên quyết không để tình trạng "Khinh nhờn" pháp luật, coi thường bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đang được thực thi.

Đối với tỉnh Hưng Yên, công tác thi hành án dân sự trong những năm qua luôn đạt kết quả khá cao, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng, bảo đảm quyết định, bản án của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền được thực thi trên thực tế, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Để có được kết quả này, Cục và các Chi cục đã áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền pháp luật luôn được quan tâm thực hiện.

Thực hiện Kế hoạch số 930/KH-TCTHADS ngày 07/4/2014 của Tổng cục Thi hành án dân sự về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục làm tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự; chỉ đạo chấp hành viên trong quá trình thực hiện công tác, nhiệm vụ chuyên môn lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng là đương sự và quần chúng nhân dân, trong đó tập trung vào các ngành luật có liên quan đến công tác chuyên môn của ngành như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự...; tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và chính quyền cơ sở làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Nhờ làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người phải thi hành án đã được nâng lên rõ rệt thể hiện qua việc có nhiều người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành án; số việc phải tổ chức cưỡng chế thi hành án giảm nhiều, nếu như năm 2013 toàn tỉnh phải tổ chức cưỡng chế 48 việc thì 10 tháng đầu năm 2014 mới có 16 việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, các việc cưỡng chế thi hành án cơ bản thành công.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự chưa được ghi nhận là một trong các biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, kinh phí cho hoạt động này chưa được quan tâm thích đáng. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự được ghi nhận là một biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và có sự quan tâm, đầu tư hợp lý cho hoạt động này.

Nguyễn Tuấn Khanh

Cục THADS tỉnh Hưng Yên