Có thể nói nhiệm vụ trước mắt trong năm 2015 cũng như lâu dài của ngành Thi hành án dân sự còn rất nặng nề, số vụ việc cần giải quyết ngày càng tăng cao cả về số lượng cũng như tính phức tạp của nó đã đặt ra những áp lực không nhỏ đối với ngành Thi hành án dân sự, tuy nhiên bên cạnh đó thì năm 2015 cũng có rất nhiều điều kiện thuận lợi quan trọng, cơ bản để ngành Thi hành án dân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt mức chỉ tiêu được giao mà các cơ quan Thi hành án dân sự cần nắm vững để phát huy, triển khai có hiệu quả trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị mình trong thời gian tới. Những điều kiện thuận lợi để ngành Thi hành án dân sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2015 bao gồm:
Kỷ cương kỷ luật hành chính trong các cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng được siết chặt hơn là điều kiện thuận lợi rất quan trọng để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Có thể nói, trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2014, ngành Thi hành án dân sự đã rất quan tâm đến việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng giờ làm việc trong các cơ quan Thi hành án dân sự bởi đây là yêu cầu cơ bản, là nền tảng quan trọng, là tiền đề cần thiết và là động lực mạnh mẽ để mỗi người cán bộ, công chức không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hướng tới những chuẩn mực chung của người cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự có đức, có tài một cách toàn diện, luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa, xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
Xác định đây chính là công cụ vĩ mô nhất, mang lại hiệu quả cao nhất trong việc nâng cao chất lượng, hướng tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài, ngành Thi hành án dân sự đã triển khai sâu rộng và có hiệu quả hệ thống các giải pháp cơ bản, đồng bộ để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật như: quán triệt sâu rộng và triển khai có hiệu quả, thường xuyên, liên tục các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cơ ban, Ban, Ngành cấp trên về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, gắn liền công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị Thi hành án dân sự với phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa chỉ tiêu chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị trở thành một chỉ tiêu cơ bản, quan trọng để bình xét thi đua khen thưởng cuối năm, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của người đứng đầu các đơn vị, có biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc tại cơ quan, đơn vị, chú trọng đến công tác phòng ngừa, không ngừng nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, người lao động, thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong tư pháp đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là chú trọng công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan Thi hành án dân sự từ những việc cụ thể nhất, đơn giản nhất,…. Nhờ đó mà kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan Thi hành án dân sự ngày càng được tăng cường, siết chặt hơn, tạo điều kiện thuận lợi quan trọng và cần thiết để ngành Thi hành án dân sự không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2015.
Thể chế pháp luật về Thi hành án dân sự được hoàn thiện và tăng cường hơn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Thi hành án dân sự trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 2015 là năm thứ 3 công tác thi hành án dân sự thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Trong năm 2015, Quốc hội vẫn giữ nguyên chỉ tiêu nhiệm vụ đối với ngành Thi hành án dân sự (tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc và 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành) là áp lực rất lớn của toàn Ngành. Tuy nhiên, có một thuận lợi cơ bản là thể chế pháp luật về Thi hành án dân sự trong năm 2015 sẽ được hoàn thiện hơn rất nhiều, khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập thường gặp phải trong thực tiễn thi hành án dân sự, đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, Luật Phá sản, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sẽ hỗ trợ rất lớn đến việc thực thi nhiệm vụ của ngành Thi hành án dân sự. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự đã khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự. Sự hoàn thiện về thể chế pháp luật về thi hành án dân sự đã và đang là niềm mong mỏi rất lớn của toàn ngành thi hành án dân sự nói chung và các cán bộ, công chức của Ngành nói riêng, với thuận lợi này cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Thi hành án dân sự, các cán bộ công chức ngành Thi hành án dân sự thì chắc chắn ngành Thi hành án dân sự sẽ có nhiều bước tiến vượt bậc, ngày càng xứng tầm hơn, phát triển thực chất và bền vững hơn rất nhiều.
Năm 2015, Thừa phát lại sẽ thật sự trở thành một nghề để “Giảm tải” gánh nặng đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.
Ngày 04/12/2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36 của Quốc hội. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, có thể nhận thấy hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bổ trợ cho hoạt động tư pháp và đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội về một loại hình dịch vụ pháp lý mới. Thừa phát lại đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội và trong hoạt động bổ trợ tư pháp. Trong năm 2015, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại, tăng cường quản lý nhà nước về Thừa phát lại; tập trung quyết liệt vào việc chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại; tiếp tục thực hiện việc khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động của Thừa phát lại và những tác động của thí điểm chế định này. Có thể nhận thấy trong năm 2015, Thừa phát lại sẽ thật sự “Vào cuộc’ một cách chủ động hơn, hiệu quả hơn và chia sẻ công việc, giảm tải áp lực đối với ngành Thi hành án dân sự nhiều hơn, đây cũng sẽ là điều kiện thuận lợi rất quan trọng giúp ngành Thi hành án dân sự hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian tới.
Công tác thi đua khen thưởng sẽ phát huy tốt vai trò trong việc thúc đẩy các cơ quan Thi hành án dân sự phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.
Thi đua khen thưởng sẽ là công cụ quản lý vô cùng hiệu quả nếu chúng ta biết cách sử dụng và phát huy tốt vai trò, tác dụng của nó. Trong thời gian gần đây, công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp nói chung và ngành Thi hành án dân sự nói riêng đã có nhiều thay đổi về cách thức, tiêu chí, chỉ tiêu, tỷ lệ xét khen thưởng đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng thành tích không phân biệt cán bộ lãnh đạo quản lý hay cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đã làm cho toàn thể cán bộ, công chức của Ngành hết sức phấn khởi. Đặc biệt trong năm 2015, là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng, chính vì vậy ngày từ đầu năm, các phong trào thi đua sẽ được triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ tạo nên những dộng lực mới, khí thế mới cho các cơ quan Thi hành án dân sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu tốt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Chất lượng cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giải quyết công việc luôn được ngành Thi hành án dân sự chú trọng bởi nó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc mà còn là nền tảng cơ bản để đào tạo nên những lớp cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự vừa hồng vừa chuyên, có tài có đức, luôn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, ngày càng xây dựng, nâng cao hình ảnh người cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự trong tình hình mới. Hàng năm, Bộ Tư pháp, Tổng Cục Thi hành án dân sự đã tổ chức rất nhiều các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày, dài ngày để các cán bộ công chức có điều kiện nâng cao “tay nghề” của mình như: Đào tạo chấp hành viên sơ cấp, chấp hành viên trung cấp, Thư ký Thi hành án dân sự, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, lãnh đạo,… đặc biệt, trong năm 2014 Tổng Cục Thi hành án dân sự đã ban hành các quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên sơ cấp cho hầu hết các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương và đây cũng là điều kiện thuận lợi hết sức cơ bản để ngành Thi hành án dân sự hướng tới hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2015.
Mục tiêu cơ bản, tổng quát của công tác thi hành án dân sự là đảm bảo cho các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Và mục tiêu trọng tâm của ngành Thi hành án dân sự trong năm 2015 là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đạt và vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự, không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ được giao. Để làm được điều này đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức ngành Thi hành án dân sự cần cố gắng hơn nữa, phấn đấu tốt hơn nữa ngay từ những tháng đầu năm, áp dụng có hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc có điều kiện trong thời gian sớm nhất để ngành Thi hành án dân sự có đầy đủ “Sức mạnh nội tại” cần thiết và về đích sớm trong năm 2015.
Hạnh Nguyên