Báo cáo kết quả hoạt động năm 2018, đồng chí Lê Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai nêu rõ tiếp tục triển khai thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2014, Thông tư liên tịch số 05 ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án, trên cơ sở tham mưu của các cơ quan thi hành án dân sự ở tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh và 9/9 UBND cấp huyện đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án. Trong năm 2018, do đồng chí Phó trưởng ban và một số thành viên khác của Ban Chỉ đạo thi hành án tỉnh Lào Cai nghỉ hưu nên Cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án tỉnh và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp kiện toàn Ban Chỉ đạo thi hành án cấp huyện. Ngay sau khi được thành lập và kiện toàn, Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Nhìn chung, các Ban Chỉ đạo thi hành án từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được thành lập và cơ bản kịp thời được kiện toàn, đi vào hoạt động theo quy định.
Ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện đã đề nghị các cơ quan thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch công tác trình UBND cùng cấp cho ý kiến. Ban Chỉ đạo thi hành án tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố đưa ra những chỉ đạo sâu sát, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thi hành dứt điểm các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, những vụ việc tồn đọng kéo dài nhiều năm. Các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, đề xuất biện pháp chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án dân sự và biện pháp giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc chỉ đạo phối hợp thi hành án dân sự; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, đơn vị mình, có trách nhiệm chỉ đạo hoặc đề xuất chỉ đạo đối với tập thể, cá nhân thuộc ngành, đơn vị mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án. Kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất với Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án chỉ đạo phối hợp giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội đạt kết quả tốt. Trong năm qua, Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp đã tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của UBND về việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp đã chỉ đạo phối hợp tổ chức thành công 42 việc cưỡng chế thi hành án trong đó có 19 việc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành (
TP Lào Cai 14 việc, Sa Pa 5 việc).
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế, từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; đề xuất cho UBND các biện pháp chỉ đạo, giải quyết phù hợp. Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự trên địa bàn được các ngành, các cấp quan tâm, được cụ thể hóa bằng việc tiếp tục thực hiện các quy chế đã ký kết, như: Quy chế số 01 ngày 29/4/2014 giữa Cục Thi hành án dân sự, Công an, TAND, VKSND tỉnh về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Quy chế số 01 ngày 27/8/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai; Quy chế số 02 ngày 14/9/2015 giữa Cục Thi hành án dân sự với Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai.
|
|
Các cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên phối hợp với Tòa án. Năm 2018, Tòa án nhân dân hai cấp đã thực hiện chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 2.546 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án các cấp đã kịp thời ban hành văn bản đính chính bản án, quyết định làm căn cứ để cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, xét miễn thi hành án đối với 51 đối tượng với số tiền 247 triệu 429 nghìn đồng; xét giảm đối với 21 đối tượng với số tiền 99 triệu 265 nghìn đồng.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự tiếp tục được quan tâm và thực hiện ngày càng toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đảm bảo hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án. Năm 2018, VKSND các cấp đã tiến hành 11 cuộc kiểm sát ban hành 14 kiến nghị. Sau khi nhận được kiến nghị của VKSND, Lãnh đạo các đơn vị đã tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ thi hành án đồng thời yêu cầu Chấp hành viên báo cáo giải trình, nghiêm túc khắc phục, rút kinh nghiệm đối với những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đồng thời có văn bản trả lời kiến nghị theo quy định.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan Công an được thực hiện thường xuyên. Năm 2018, cơ quan Công an đã làm tốt công tác bảo vệ cưỡng chế hỗ trợ các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công 19 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng. Phối hợp tốt với Trại Tạm giam, Công an các huyện, thành phố thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án là phạm nhân theo Thông tư liên tịch số 07, đồng thời phối hợp tốt trong công tác đặc xá tạo điều kiện cho những phạm nhân đủ điều kiện được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Trong năm 2018, các cơ quan thi hành án dân sự đã phối hợp với các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể: đã thi hành xong 04/13 việc, thu cho Ngân hàng hơn 15 tỷ 447 triệu đồng. Các ngân hàng thương mại đã cung cấp kịp thời, đầy đủ các yêu cầu cung cấp thông tin, thực hiện việc phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trên tài khoản, phối hợp xử lý tài sản vừa để thu hồi vốn vay của Ngân hàng, vừa để đảm bảo thi hành án. Trên địa bàn tỉnh chưa phát sinh việc thi hành án liên quan đến thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội nên việc phối hợp giữa hai ngành chủ yếu tập trung vào cung cấp, trao đổi thông tin về thu nhập của người phải thi hành án tại cơ quan Bảo hiểm xã hội và áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ thu nhập. Cụ thể: phối hợp thi hành 08 quyết định cưỡng chế khấu trừ, thu 63 triệu 386 nghìn đồng. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự còn thường xuyên chủ động phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan có liên quan khác.
Với hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần nâng cao kết quả thi hành án dân sự năm 2018: Về việc, tổng số thụ lý 5.336, tăng 214 việc so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: số cũ chuyển sang 1.103; số mới thụ lý 4.233, tăng 324 việc (8.2%) so với cùng kỳ. Tổng số phải thi hành 5.300 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành 4.399 (chiếm 83%), tăng 173 việc (4.09%) so với cùng kỳ; số chưa có điều kiện thi hành 901 việc (chiếm 17%). Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 4.169 (tăng 179 việc so với cùng kỳ), đạt tỷ lệ 95%
(tăng 1% so với cùng kỳ và vượt 21.5% so với chỉ tiêu được giao). Số chuyển kỳ sau 1.131 việc, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 230, giảm 6 việc (-3%) so với số việc có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018. Về tiền: Tổng số tiền thụ lý 393 tỷ 171 triệu 163 nghìn đồng, tăng hơn 276 tỷ đồng (235.8%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: số cũ chuyển sang 64 tỷ 818 triệu 933 nghìn đồng; số mới thụ lý 328 tỷ 352 triệu 230 nghìn đồng, tăng 273 tỷ 875 triệu 199 nghìn đồng (503%) so với cùng kỳ. Tổng số phải thi hành 385 tỷ 349 triệu 577nghìn đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành 153 tỷ 300 triệu 551 nghìn đồng (chiếm 40%), đã thi hành xong 80 tỷ 645 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 52%
(giảm 21.5% so với cùng kỳ và vượt 18.5% so với chỉ tiêu được giao). Số tiền chuyển kỳ sau 305 tỷ 348 triệu 932 nghìn đồng, trong đó số có điều kiện nhưng chưa thi hành xong 73 tỷ 299 triệu 906 nghìn đồng, tăng 55 tỷ 459 triệu 918 nghìn đồng (311%) so với số tiền có điều kiện thi hành năm 2017 chuyển sang năm 2018
.
Tuy nhiên, công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi hành án trong chỉ đạo phối hợp và tổ chức cưỡng chế thi hành án của một số thành viên là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự còn chưa chủ động, chưa tích cực. Công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND trong thi hành án dân sự chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn có nơi triển khai thực hiện chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Kết quả thực hiện chỉ tiêu thi hành án giảm tiền chuyển kỳ sau, tỷ lệ phân loại án về tiền còn thấp; tổng số tiền có điều kiện chuyển kỳ sau tăng 311% so với số có điều kiện chuyển kỳ sau của năm 2017. Một số vụ việc có điều kiện chưa được giải quyết kịp thời. Việc tổ chức họp định kỳ Ban Chỉ đạo thi hành án chưa được thường xuyên, chủ yếu họp đột xuất theo triệu tập của Trưởng ban để chỉ đạo giải quyết một số vụ việc cụ thể. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo chưa được bảo đảm, theo tổng hợp báo cáo từ các đơn vị, năm 2018 mới có 02/10 Ban Chỉ đạo thi hành án được cấp kinh phí hoạt động (
Sa Pa, Bắc Hà) và cũng còn eo hẹp.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại có phần do Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên việc tổ chức họp đột xuất còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi thành phần dự họp không đầy đủ phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự ở một số cơ quan, xã, phường, thị trấn còn chưa đầy đủ, chưa xác định công tác thi hành án dân sự là nhiệm vụ chung do đó còn một số nơi chưa thực sự chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết các vụ việc thi hành án. Số việc, số tiền thụ lý trong năm tăng cao; điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, trình độ chuyên môn của một số công chức thi hành án dân sự còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ quan thi hành án dân sự chưa làm tốt công tác kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án cùng cấp để tham mưu giúp UBND giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; chưa kịp thời lập dự toán kính phí hoạt động của Ban Chỉ đạo gửi cơ quan tài chính tổng hợp chung vào dự toán ngân sách, báo cáo UBND để được xem xét phê duyệt.
|
|
Đánh giá chung, năm 2018 Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp ở Lào Cai tiếp tục được kiện toàn, hoạt động giúp Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo phối hợp khá chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự ở địa phương. Công tác thi hành án dân sự ở tỉnh Lào Cai tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai, Ban Chỉ đạo thi hành án; triển khai toàn diện có trọng tâm, trọng điểm các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, chương trình công tác được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự. Hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án và kết quả công tác thi hành án dân sự góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết quả thi hành án dân sự so với chỉ tiêu được giao vượt 21,5% về việc và vượt 18,5% về tiền. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự và hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án còn những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện và giải quyết trong thời gian tới.
Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 đặt ra là tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo thi hành án cấp huyện kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án.
Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế theo quy định; tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh; chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc có số tiền lớn, vụ việc tồn đọng nhiều năm, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tiếp tục tổ chức các đợt tuyên truyền, quán triệt sâu rộng để triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính,…và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân, nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tăng cường kiểm tra về công tác phối hợp cũng như việc triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong thi hành án dân sự. Tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh bảo đảm tốt hơn điều kiện làm việc, kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án và kinh phí hỗ trợ cho việc bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong thi hành án dân sự.
Giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp, trước hết các cơ quan thi hành án dân sự cần chủ động, sáng tạo nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo và UBND cùng cấp trong chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp và chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Thông tư liên tịch số 05; Các thành viên Ban Chỉ đạo nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tham gia đầy đủ các cuộc họp Ban Chỉ đạo, họp liên ngành, chỉ đạo ngành, đơn vị mình phụ trách phối hợp tốt trong công tác thi hành án dân sự. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác thi hành án dân sự. Trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo (qua Cục Thi hành án dân sự) để được chỉ đạo giải quyết. Quan tâm công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND, kiến nghị xử lý đối với đơn vị, cá nhân chậm hoặc không triển khai thực hiện. Thành lập đoàn kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra về công tác phối hợp cũng như việc triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong thi hành án dân sự. Hàng năm, các cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan tài chính lập dự toán kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án, cũng như điều kiện vật chất khác hỗ trợ công tác thi hành án dân sự trình Chủ tịch UBND cùng cấp xem xét.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan thi hành án dân sự, năm 2018 công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đạt và vượt 02 chỉ tiêu về việc, về tiền, cụ thể về việc vượt 21,5%, về tiền vượt 18,5% so với chỉ tiêu được giao; đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã chỉ đạo ngành, đơn vị mình phụ trách phối hợp tốt trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới còn rất nặng nề (dự báo số thụ lý mới ngày càng tăng cả về việc và tiền), đồng chí Trưởng ban yêu cầu ngành Thi hành án dân sự cần nỗ lực, quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kết quả thi hành án dân sự thực chất, bền vững. Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng; rà soát, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự những vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn, vụ việc có khó khăn, vướng mắc, vụ việc phức tạp, những vụ án trọng điểm, án tín dụng ngân hàng,… đề xuất Ban Chỉ đạo biện pháp chỉ đạophối hợp, tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc không để tồn đọng. Giao Cục Thi hành án dân sự tổng hợp các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018, Kế hoạch hoạt động năm 2019 và Thông báo phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh trình Trưởng ban xem xét, ban hành.