Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng triển khai công tác quý I/2022

19/10/2021

Năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội nói chung và công tác thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng, cao điểm từ tháng 5/2021 đến nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 đã dẫn đến công tác thi hành án dân sự bị ngừng trệ, đặc biệt tháng 8 đến giữa tháng 9 thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà và công sở cử cán bộ trực không quá 10% biên chế. Cùng với đó là số việc thụ lý mới (tăng 150% về giá trị) và tính chất phức tạp của các vụ, việc ngày càng tăng, dẫn đến công tác thi hành án gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Nghị quyết 85-NQ/BCSĐ ngày 01/12/2020 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về công tác THADS.
Mặc dù, đã bám sát Kế hoạch công tác năm và kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tính đến 30/9/2021, tỷ lệ giải quyết án đạt 62% về việc và về tiền giải quyết đạt tỷ lệ 17.3%.
Nhằm kịp thời giải quyết những việc tồn đọng, ngừng trệ do thời gian giãn cách xã hội, ngay khi thành phố áp dụng một số biện pháp “ thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” từ 0h00 ngày 16/10/2021. Sáng ngày 18/10/2021 Cục trưởng, Cục Thi hành án dân sự thành phố chủ trì họp giao ban các đơn vị thi hành án dân sự trên địa bàn triển khai công tác trong quý I năm 2022.
Cục trưởng yêu cầu các đơn vị triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tập trung xử lý ngay tài sản đảm bảo, tài sản đã kê biên và giao tài sản bán đấu giá thành còn tồn đọng do thời gian giãn cách xã hội; kiểm tra và tự kiểm tra đối với vụ việc đã ra quyết định thi hành án từ 01 năm trở lên, có điều kiện thi hành án, nhưng chưa tổ chức thi hành xong, lưu ý rà soát, tách riêng những vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị 20 tỷ trở lên, đã quá 03 năm chưa tổ chức thi hành xong; chú trọng kiểm tra, giám sát việc xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm phân loại án chính xác; thường xuyên theo dõi, báo cáo quá trình tổ chức thi hành các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng, án có giá trị lớn, khó thi hành để Cục kịp thời nắm bắt, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo Tổng cục. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả thực hiện các Phần mềm, đặc biệt lưu ý tăng cường sử dụng Phần mềm quản lý văn bản trên trục liên thông và hoạt động của Trang thông tin điện tử Cục Thi hành án dân sự thành phố.
Mai Thanh Phương