Phối hợp, tăng cường giám sát hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản

23/03/2022
Sáng 22/3 tại Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM, Sở Tư pháp thành phố đã tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp, tăng cường công tác quản ký nhà nước và giám sát hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn TP.HCM giữa Cục THADS thành phố, Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM, Toà án nhân dân TP.HCM.

Tham dự buổi lễ có Ông Phạm Huy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố, Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Viện trưởng VKSND thành phố; Ông Phan Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, Bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung - Phó Chánh án Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Nhằm cụ thể hoá Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC Ngày 12/6/2018, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định việc phối hợp trong thi hành quyết định của tòa án giải quyết phá sản. Trước đó, Bộ Tư pháp đã có hướng đẫn một số nội dung cụ thể với Sở Tư pháp các tỉnh thành phố, cụ thể: “Có cơ chế phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương trong việc cơ quan thi hành án dân sự thực hiện giám sát hoạt động đối với Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định…, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản”.
Theo đó, Tại khoản 4 Điều 9 Luật Phá sản năm 2014 quy định Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản có trách nhiệm giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Điều 2 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân quy định Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó có việc kiểm sát hoạt động giải quyết phá sản doanh nghiệp của Tòa án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự và việc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; khoản 3 Điều 17 Luật Phá sản năm 2014 quy định cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; theo Điều 24 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương.
Trên thực tế, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản và giải quyết phá sản doanh nghiệp có liên quan đến nhiều cơ quan. Bên cạnh đó, qua số liệu quản lý và thực tiễn hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 104 quản tài viên đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân, 77 quản tài viên hành nghề tại 31 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đã đăng ký theo quy định. Qua báo cáo hàng năm cho thấy hoạt động của Quản Tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản còn có khó khăn, vướng mắc cần được sự quan tâm, phối hợp quản lý, cung cấp thông tin giám sát, hỗ trợ để tăng cường hiệu quả hoạt động đối với lĩnh vực này.
Theo số liệu thống kê 2 năm ( 2020,2021) Kết quả hoạt động của quản tài viên và các doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: Các doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đã tiếp nhận 108 vụ việc (tính cả các vụ những năm trước chưa hoàn thành chuyển sang), trong đó đã giải quyết xong 10 vụ việc, đạt doanh thu 1.124.282.850 đồng, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính là 186.385.993 đồng. Các quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân đã tiếp nhận 45 vụ việc (tính cả các vụ những năm trước chưa hoàn thành chuyển sang), trong đó đã giải quyết xong 07 vụ việc, đạt doanh thu 561.927.183 đồng, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính là 27.000.000 đồng (năm 2020: Số liệu tổng hợp từ 21/27 doanh nghiệp có nộp báo cáo. Số liệu tổng hợp từ 82/100 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân có nộp báo cáo; Năm 2021 là  số liệu từ 14/31 tổ chức quản  lý thanh  lý tài sản đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp báo cáo.
Việc xây dựng Quy chế phối hợp nhầm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố nhằm từng bước đưa hoạt động ở lĩnh vực này ngày một quy củ, chặt chẽ, đảm bảo được tính thống nhất cho hoạt động của các đơn vị được thuận lợi, thống nhất và đạt hiệu quả.
Cẩm Tú