Theo đánh giá Cục THADS tỉnh, Công an tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, qua hơn 7 năm ký kết và thực hiện Quy chế, 04 cơ quan đã phối hợp thực hiện đạt được nhiều kết quả trong công tác thi hành án dân sự, phối hợp giải quyết thành công nhiều vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS hàng năm. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được đến nay đã có một số nội dung không còn phù hợp hoặc đã được các văn bản pháp luật qui định mới cần phải sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu công tác THADS.
Quy chế gồm 03 chương, 26 điều, quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Theo đó, các cơ quan phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện trong công tác THADS; đảm bảo sự thống nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên cơ sở tuân thủ theo quy định của pháp luật; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời; đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ và hoạt động chuyên môn của các cơ quan; tôn trọng, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Các nội dung phối hợp gồm: Phối hợp trong việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự, cấp và chuyển giao bản án, quyết định; giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự và trong việc đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phối hợp trong việc gửi quyết định về thi hành án; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; phối hợp trong công tác thu tiền, tài sản; đặc xá, tha tù trước thời hạn; xuất nhập cảnh; giao, nhận, xử lý vật chứng, tài sản; phối hợp trong kiểm tra về thi hành án dân sự; phối hợp trong công tác cưỡng chế thi hành án dân sự; phối hợp kiểm sát người được thi hành án, người phải thi hành án và các cơ quan liên quan; phối hợp trong việc cung cấp số liệu về thi hành án dân sự; phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự; cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác thi hành án dân sự; phối hợp trong thống kê, đánh giá, chỉ đạo giải quyết việc thi hành các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; phối hợp trong việc kiểm sát, trả lời kiến nghị, kháng nghị trong hoạt động thi hành án dân sự; phối hợp thực hiện các yêu cầu của ngành cấp trên để xây dựng báo cáo cho Chính phủ trình Quốc hội về công tác thi hành án dân sự; phối hợp trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành và tồn đọng kéo dài.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp giải quyết việc thi hành án dân sự theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên và kết quả các cuộc họp liên ngành đã được thống nhất. Hàng quý, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, phân loại, thống kê lập danh sách các bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành, những bản án, quyết định đã được thi hành và những bản án, quyết định chưa được thi hành; phân tích rõ lý do đối với bản án, quyết định chưa được thi hành và tuỳ từng trường hợp mà xử lý. Định kỳ sáu tháng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh chủ trì cuộc họp để sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy chế và báo cáo cơ quan quản lý Thi hành án dân sự cấp trên; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh có trách nhiệm báo cáo cho ngành cấp trên về tình hình thực hiện Quy chế này.
Hoàng Việt