Trong tất cả các việc THA, cơ quan THA đều tiến hành vận động, thuyết phục. Bằng việc phân tích cho các bên thấy được quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời chỉ rõ bản án đã có hiệu lực bắt buộc phải thi hành. Pháp luật chỉ cho họ một thời gian nhất định, nếu qua thời gian đó, họ không thi hành thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Khi cưỡng chế, người phải thi hành án còn phải chịu toàn bộ các chi phí cưỡng chế.
Trên thực tế, việc phải tổ chức cưỡng chế không nhiều, cưỡng chế chỉ tiến hành đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, đương sự chây ỳ, chống đối. Để tổ chức một việc cưỡng chế thành công là cực kỳ khó khăn, vì rất nhiều khi thi hành án gặp phải sự can thiệp thô bạo, sự từ chối hợp tác của một số cơ quan, có những vụ phải hoãn nhiều lần trong nhiều năm.
Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ vận động, thuyết phục thành khi đã phải lên phương án cưỡng chế cũng không ít, như một cán bộ của Thi hành án thành phố Bắc Giang cho biết: vụ thi hành án tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang là một vụ án ly hôn, với thời gian thi hành án kéo dài. Xuất phát từ việc Anh Nguyễn Văn H phải giao nhà cho chị Lại Thị O và hai cháu T, B sử dụng tại bản án dân sự sơ thẩm. Cơ quan Thi hành án đã tiến hành các thủ tục theo Pháp lệnh thi hành án dân sự, cho thời gian tự nguyện thi hành nhưng anh H không tự nguyện thi hành và có hành vi chống đối. Qua nhiều lần kiên trì, Cơ quan thi hành án dân sự tiến hành vận động, thuyết phục, phân tích phải trái, sự kiên trì của các cán bộ cơ quan thi hành án thị xã Bắc Giang, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương; kết quả anh H đã tình nguyện giao nhà cho chị O và hai cháu. Ngoài ra, một số vụ bồi thường theo bản án hình sự sơ thẩm, cũng được cơ quan thi hành án thuyết phục, khuyên giải kịp thời, hạn chế mức thấp nhất số án tồn đọng, như vụ bồi thường theo bản án hình sự vụ án giết người tại xã Dĩnh Kế, mẹ bị cáo (bà Nguyễn Thị T) là người giám hộ. Hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, công ăn việc làm không ổn định, ban đầu mẹ bị cáo không đồng ý thi hành nhưng với sự động viên, thuyết phục của cơ quan Thi hành án, kết quả bà T đã tự thoả thuận với người bị hại thực hiện việc thi hành từng lần khoản phải thi hành án.vv..
Vận động, thuyết phục thành lợi cho cả hai bên- người được thi hành án và người phải thi hành án. Cơ quan THA cũng thoát khỏi gánh nặng vì nhiều trường hợp số tiền thu được từ người phải thi hành án không đủ trả tiền tạm ứng cho chi phí cưỡng chế. Khi không phải cưỡng chế, cũng có nghĩa là loại trừ khả năng có chống đối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương hoặc các khiếu nại sau đó.
Vì vận động, thuyết phục đã trở thành thủ tục không thể thiếu trong thực tiễn công tác thi hành án, nên bí quyết trong lĩnh vực này được đúc kết bằng kinh nghiệm, sự kiên trì và khôn khéo. Thi hành án là lĩnh vực khó khăn, động chạm trực tiếp đến quyền lợi của các bên nên tuỳ vụ việc cán bộ thi hành án phải lựa chọn phương pháp vận động, thuyết phục khác nhau. Để thành công, bên cạnh trách nhiệm, còn là sự cảm thông, chia sẻ. Ngược lại, nếu vận động, thuyết phục không thành, phải cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, không thể mượn lý do hoà giải để kéo dài thời gian thi hành án. Nhưng, khi cưỡng chế cũng không có nghĩa là chấm dứt việc vận động, thuyết phục. Vận động, thuyết phục phải được tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi và nhiều khi nó thành công ngay trước cuộc cưỡng chế như vụ việc tiêu biểu trên./.
Hoàng Giang