Một số thông tin về các quy định cơ bản của pháp luật về thi hành án hành chính

22/03/2018
Ngày 07/03/2018, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 861/VKSTC-V11 gửi Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, hành chính, trong đó có cung cấp một số thông tin về các quy định cơ bản của pháp luật về thi hành án hành chính; danh sách các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành.


Một số thông tin về các quy định cơ bản của pháp luật về thi hành án hành chính; danh sách các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án (sau đây gọi là Nghị định 71); theo đó, trình tự và thủ tục thi hành án hành chính có nội dung cơ bản như sau:
- Người phải thi hành án hành chính có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, trừ trường hợp bản án, quyết định phải thi hành ngay (Khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015);
- Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 8 Nghị định 71);
- Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành và có yêu cầu của người được thi hành án thì Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm vụ việc ra quyết định buộc thi hành án hành chính và gửi quyết định này cho cơ quan và người có trách nhiệm (Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015); đăng tài trên các Trang thông tin điện tử (theo quy định tại Điều 30 Nghị định 71).
- cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án nhân dân đã xét xử sơ thẩm vụ việc trên cùng địa bàn có trách nhiệm theo dõi thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành (Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 14 Nghị định 71).
- Về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các Điều 380, 381 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 71. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Thứ hai, theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp (Báo cáo số 363/BC-BTP ngày 19/12/2017 của Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa thi hành xong tính đến ngày 30/11/2017):
+ Tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật và người phải thi hành án là các cơ quan nhà nước là 361 bản án, quyết định.
+ Số bản án, quyết định bị vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án và Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định buộc thi hành án là 70 vụ việc.
+ Kết quả thi hành: Đã thi hành xong 295 việc, chưa thi hành xong 66 việc (18%).
Trong tổng số 66 việc, có 28 việc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực trong năm 2017; 14 việc bản án, quyết định có hiệu lực trong năm 2016; còn lại 24 việc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực từ năm 2015 trở về trước. Cá biệt có việc bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực từ năm 2011, 2012 đến nay chưa được thi hành.
Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự đề nghị đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ kiểm sát thi hành án phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình thi hành án hành chính trên địa bàn và tình hình thực hiện công tác kiểm sát thi hành án hành chính trên địa bàn; nắm rõ nội dung vụ việc và các khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án hành chính (nếu có); áp dụng các quyền hạn pháp luật quy định để tác động tới các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, nhất là với các UBND và Chủ tịch UBND là người phải thi hành án hành chính, góp phần đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh, đúng pháp luật.