Chúng tôi, xin trích lại nội dung vụ việc của tác giả
Văn Thị Tâm Hồng để chúng ta cùng có ý kiến trao đổi rõ vấn đề hơn.
“Nội dung vụ việc, bà Trương Thị Lệ là người phải thi hành án đã chuyển nhượng tài sản của mình cho ông Đinh Văn Thành (việc chuyển nhượng được thực hiện sau khi Tòa án quận 2 xét xử sơ thẩm việc tranh chấp đòi tài sản giữa bà Thái Mộng Minh và bà Trương Thị Lệ). Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật Trương Thị Lệ không còn tiền, tài sản để thi hành án cho bà Thái Mộng Minh nên cuối tháng 10/2013, Chi cục THADS quận 2 ra Quyết định cưỡng chế kê biên căn nhà mà bà Lệ đã bán cho ông Thành. Ông Thành không đồng ý quyết định cưỡng chế này nên khởi kiện bà Lệ ra Tòa án quận2. Ngày 21/9/2016, Tòa án quận 2 đã xét xử sơ thẩm vụ kiện giữa ông Đinh Văn Thành và bà Trương Thị Lệ, Tòa án quận 2 áp dụng Điều 34 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 tuyên hủy quyết định cưỡng chế kê biên căn nhà trên của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 và công nhận căn nhà thuộc quyền sở hữu của ông Thành...”.
Sau khi đọc qua bài viết của tác giả
Văn Thị Tâm Hồng, chúng tôi rất tâm đắc và xem đây là vấn đề cần nên trao đổi để thấy được sự bất cập trong thể chế của quy định pháp luật khi áp dụng vào thực tế thi hành. Cũng như góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực thi hành án dân sự, bảo vệ an toàn trách nhiệm của chấp hành viên trong thi hành nhiệm vụ. Thẩm phán xét xử oan sai còn có đường giải thoát của Tòa án cấp trên hủy án và xét xử lại. Trong khi đó, Chấp hành viên ra quyết định sai thì chịu trách nhiệm về hậu quả pháp lý xảy ra, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hoặc có thể bị xem xét xử lý hình sự… Do đó, chúng tôi trao đổi ở một gốc độ nhìn nhận về tính chất pháp lý của một quyết định và thực tiễn của giai đoạn tố tụng mà Tòa án đã căn cứ vào Điều 34 Luật tố tụng dân sự năm 2015 để tuyên hủy quyết định cưỡng chế kê biên nhà ở thi hành án của Chi cục thi hành án dân sự, được phân tích và bình luận như sau:
Thứ nhất: Xét về thể thức văn bản và phân loại theo nội dung của các Quyết định về thi hành án dân sự được Pháp luật về thi hành án dân sự điều chỉnh và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định thì thuộc loại quyết định hành chính (Quyết định cá biệt). Như vậy, Quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự là loại quyết định cá biệt, là quyết định để điều chỉnh cho một đối tượng hoặc một số đối tượng cụ thể và áp dụng một lần . Quyền của người bị ảnh hưởng bởi các quyết định đó bị bó hẹp trong phạm vi khiếu nại mà không bị khởi kiện vụ án hành chính như các quyết định hành chính khác. Nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng hành chính.
Mặt khác, tại khoản 12 và khoản 13 Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự, gồm:
“12. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
13. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.”
và được quy định ở các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Do đó, quyết định cưỡng chế kê biên đã nêu trong tình huống nêu trên mà Tòa án xác định là đối tượng của vụ tranh chấp dân sự và tuyên hủy là không phù hợp với các quy định pháp luật và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự hiện hành.
Thứ hai:Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tài sản kê biên có tranh chấp quyền sở hữu và hậu quả pháp lý, rất đồng tình với quan điểm thứ ba của tác giả Văn Thị Tâm Hồng về áp dụng các căn cứ theo quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự “
Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền.”
Như vậy, Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết những tranh chấp có liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự khi thỏa mãn điều kiện tại khoản 12 và khoản 13 Điều 26 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Còn trong trường hợp vụ việc nêu trên thì Tòa án cần phải xác định lại đối tượng điều chỉnh để thụ lý xét xử vụ tranh chấp dân sự. Đó là quan hệ dân sự trong việc mua bán, chuyển nhượng hợp đồng nhà ở gắn liền quyền sử dụng đất giữa
bà Trương Thị Lệ, đã chuyển nhượng tài sản của mình cho ông Đinh Văn Thành (việc chuyển nhượng được thực hiện sau khi Tòa án quận 2 xét xử sơ thẩm việc tranh chấp đòi tài sản giữa bà Thái Mộng Minh và bà Trương Thị Lệ). Xem xét hợp đồng dân sự đó có phù hợp quy định pháp luật không, hoặc là hợp đồng dân sự vô hiệu.
-Nếu Bản án của Tòa án tuyên hợp đồng dân sự mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa hai bên có hiệu lực thì cơ quan thi hành án sẽ thực hiện theo quyết định của Bản án, ra Quyết định thu hồi theo một trong các căn cứ tại Điều 37 và giải tỏa tài sản kê biên theo quy định tại Điều 105 Luật thi hành án dân sự;
-Trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa người phải thi hành án và người thứ ba là vô hiệu (hoặc tuyên tài sản đó vẫn thuộc quyển sử dụng, sở hữu của người phải thi hành án) thì cơ quan thi hành án tiếp tục xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Những lập luận và phân tích ở hai quan điểm nêu trên, Tòa án nhân dân Quận 2 đã xác định sai đối tượng điều chỉnh trong vụ tranh chấp dân sự nên áp dụng Điều 34 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 để hủy quyết định kê biên của Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 là không đúng quy định pháp luật.
Chúng tôi trao đổi nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn bản án của Tòa án nhân dân Quận 2 tuyên hủy Quyết định về thi hành án dân sự theo Luật tố tụng dân sự năm 2015 là không phù hợp và thấy được sự nhận thức, áp dụng pháp luật vào thực tế thực thi còn nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến tính hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi chưa được nâng cao hơn . Đặc biệt nhân kỉ niệm ngày pháp luật việt Nam 9/11/2016, với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, cần phải áp dụng căn cứ pháp lý cho đúng và phù hợp thực tiễn, coi pháp luật là “ tối thượng” và bảo vệ “quyền con người ”là sẽ góp phần quan trọng vào vấn đề thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Theo Lê Lanh - Chi cục THADS Tp. Tuy Hòa