Sign In

Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 và vấn đề thẩm quyền trong hoạt động thi hành án dân sự

19/08/2015

Với việc Quốc Hội thông qua Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trong năm 2014, xét về mặt thể chế, các nội dung lớn mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra cơ bản đã được thực hiện. Trong năm 2014, Quốc Hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự chứa đựng các nội dung được thay đổi phù hợp cơ cấu tổ chức, thẩm quyền mới của hệ thống Toà án nhân dân. Tác giả đã phân tích, bình luận các quy định mới của 2 luật có giá trị thực tiễn phục vụ cho cơ quan thi hành án dân sư trong xác định thẩm quyền xét xử của hệ thống TAND các cấp khi thực hiện phối hợp và thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung mới.
1. Luật tổ chức Tòa án nhân dân được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015 nhằm tổ chức lại cơ bản, toàn diện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xét xử của hệ thống Tòa án các cấp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó “tổ chức các cơ quan tư pháp … hợp lý, khoa học và hiện đại về cơ cấu tổ chức và điều kiện, phương tiện làm việc; trong đó, xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm;...”.
 
1.1. Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) không theo 3 cấp như trước đây mà được tổ chức thành 4 cấp [1], gồm:

- TAND tối cao.
- TAND cấp cao.
- TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh).
- TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương (cấp huyện và tương đương).
 
Như vậy, hệ thống TAND có thêm cấp trung gian giữa trung ương và địa phương là TAND cấp cao, đây là điểm thay đổi lớn nhất về cơ cấu tổ chức của hệ thống TAND hiện nay so với các thời kỳ trước đây, mặt khác, đây cũng là sự khác biệt nếu so sánh với các cơ quan khác trong hệ thống nhà nước thường tổ chức kiểu truyền thống theo các cấp chính quyền (xem Sơ đồ hệ thống TAND được Tác giả sơ đồ hoá kèm theo).
1.2. Về thẩm quyền, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định thẩm quyền xét xử của hệ thống TAND như sau:
 
a) TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm các vụ việc theo thẩm quyền do luật tố tụng quy định (Điều 44 Luật tổ chức TAND năm 2014).
 
b) Các Toà chuyên trách của TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (Điều 40 Luật tổ chức TAND năm 2014) theo thẩm quyền như sau:
 
- Xét xử sơ thẩm các vụ việc theo thẩm quyền do luật tố tụng quy định.
 
- Xét xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm của TAND cấp huyện chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
 
c) TAND cấp cao xét xử phúc thẩm và giám đốc thẩm, tái thẩm theo thẩm quyền như sau:
 
- Các Toà chuyên trách của TAND cấp cao xét xử phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 33 Luật tổ chức TAND năm 2014).
 
- Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp cao giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 31 Luật tổ chức TAND năm 2014) đối với:
 
+ Bản án, quyết định của TAND cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
 
+ Bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
 
d) Hội đồng thẩm phán thuộc TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (Điều 22 Luật tổ chức TAND năm 2014).
 
1.3. So sánh với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì vấn đề thẩm quyền xét xử của tòa án các cấp đã có sự thay đổi khá rõ nét [2], cụ thể:
 
Thứ nhất, thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tuc giám đốc thẩm, tái thẩm đã được chuyển cho Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp cao. Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền này nữa mà thực hiện tổng kết kinh nghiệm xét xử, thảo luận về chương trình, kế hoạch công tác …
Thứ hai, thẩm quyền xét xử phúc thẩm của TAND tối cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được chuyển cho TAND cấp cao thực hiện.
 
Thứ ba, thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND tối cao (do các Tòa hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính thuộc TAND tối cao trước đây thực hiện) đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm cũng được chuyển cho Ủy ban thẩm phán thuộc TAND cấp cao thực hiện.
 
Thứ tư, Luật tổ chức Tòa án nhân dân không quy định cụ thể về thẩm quyền của TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm trong những trường hợp nào, tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc Hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân và pháp luật tố tụng hiện hành thì Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao bị kháng nghị hoặc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm theo thủ tục đặc biệt mà pháp luật tố tụng quy định.
 
Hiện nay, một nhiệm vụ mới của TAND tối cao chưa từng có trong tiền lệ hoạt động của ngành Tòa án được Quốc Hội giao cho Hội đồng thẩm phán thuộc TAND tối cao là lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng xét xử.
 
2. Cũng trong kỳ họp thứ 8 của Quốc Hội khóa XIII, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được thông qua ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Theo đó, một số quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn của công tác thi hành án dân sự và phù hợp với cơ cấu tổ chức, thẩm quyền của hệ thống Tòa án đã được thay đổi. Các sửa đổi, bổ sung theo quy định mới bao gồm:
 
2.1. Về thẩm quyền, theo quy định cũ thì cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện. Thẩm quyền hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đã có sự thay đổi tại điểm c khoản 1 Điều 35, cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương. Quy định được sửa đổi này phù hợp với việc chuyển giao thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm từ TAND cấp tỉnh sang cho TAND cấp cao như đã phân tích Mục 1.3 (phần “Thứ nhất”).
VD: TAND huyện A, tỉnh B đã tổ chức xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án sơ thẩm số 01, do Bản án không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, một thời gian sau Bản án sơ thẩm số 01 bị kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 thì Ủy ban thẩm phán của TAND cấp cao có thẩm quyền giám đốc thẩm Bản án sơ thẩm số 01 nói trên và ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 02. Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Quyết định giám đốc thẩm số 02 là Chi cục THADS huyện A.
 
2.2. Về thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh được bổ sung thêm thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của TAND cấp cao. Với quy định bổ sung này thì thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm:
 
- Thì hành bán án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh.
 
VD: TAND tỉnh A đã tổ chức xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án sơ thẩm số 01, do không đồng tình với nội dung của Bản án, các bên đương sự đã kháng cáo đề nghị xét xử lại vụ việc theo thủ tục phúc thẩm. Theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 thì một trong các Tòa chuyên trách của TAND cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ việc trên và ban hành Ban án phúc thẩm số 02. Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Ban án phúc thẩm số 02 là Cục THADS tỉnh A.
 
- Thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh có hiệu lực bị kháng nghị.
 
VD: TAND tỉnh A đã tổ chức xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án sơ thẩm số 01, do Bản án không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực thi hành sau đó. Tuy nhiên, một thời gian sau Bản án sơ thẩm số 01 bị kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 thì Ủy ban thẩm phán của TAND cấp cao có thẩm quyền giám đốc thẩm Bản án sơ thẩm số 01 nói trên và ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 02. Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Quyết định giám đốc thẩm số 02 là Cục THADS tỉnh A.
 
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự quy định về thẩm quyền cơ quan THADS cấp tỉnh sửa đổi tại điểm b khoản 2 Điều 35 chưa rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng, điểm b khoản 2 Điều 35 quy định:
“2. Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đâu:
a)
b)Bản án, quyết định của TAND cấp cao;
…”
 
Nếu chỉ căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 35 thì rõ ràng cơ quan THADS cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền thi hành tất cả các bản án, quyết định của TAND cấp cao. Tuy nhiên, vì cơ quan THADS cấp huyện có thẩm quyền thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện và tương đương bị kháng nghị như đã phần tích tại Mục 2.1, vì vậy, thẩm quyền của cơ quan THADS cấp tỉnh phải loại trừ trường hợp này. Thẩm quyền của cơ quan THADS cấp tỉnh chỉ bao gồm thi hành bán án, quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh và thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh có hiệu lực bị kháng nghị như đã phần tích tại Mục 2.2.
 
Ngoài các thay đổi được phân tích trên, các quy định khác về thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện và cấp tỉnh được quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được giữ nguyên. Việc phân tích các quy định mới của 2 luật có giá trị thực tiễn phục vụ cho cơ quan thi hành án dân sư trong xác định thẩm quyền xét xử của hệ thống TAND các cấp trong quá trình phối hợp và thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung mới./.
 
[1] Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014  được Quốc hội thông qua cùng ngày với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cũng được tổ chức thành 4 cấp tương ứng với Tòa án nhân dân, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
[2] Quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc Hội về việc thi hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân
 
 
           

                                                                         Đinh Phạm Văn Minh - Phòng NV&TCTHA
 

Các tin đã đưa ngày: