Thi hành án dân sự là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được tổ chức thi hành trên thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân. Quá trình tổ chức thi hành án, đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người được thi hành án và người phải thi hành án. Do trực tiếp tác động đến quyền, lợi ích về tài sản, các bên đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt phát sinh các khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta quan tâm, đặc biệt là giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được thực hiện theo thủ tục quy định tại Luật Thi hành án dân sự, Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2018. Luật Thi hành án dân sự đã dành Chương VI với 14 điều của Mục 1 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, 6 điều của Mục 2 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo về thi hành án dân sự. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, đồng thời hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo làm cản trở hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.
Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Điều 30 Hiến pháp 2013, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể về trình tự, thủ tục và giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự; quy định rõ hơn về tố cáo và trách nhiệm giải quyết tố cáo, do vậy có thể xác định khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự:
Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tố cáo về thi hành án dân sự là việc công dân báo cho người có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự.
Trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đã được thưc hiện và đạt kết quả đáng kể, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác này vẫn còn hạn chế như: Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số đơn vị chưa chuẩn xác, còn lòng vòng kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền còn chậm, thiếu dứt điểm, không đảm bảo đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo chưa kịp thời, nghiêm túc, để vụ việc kéo dài; trình độ và kỹ năng của công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đồng đều, một số nơi
chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Một số kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo tại đơn vị:
- Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cần xác minh, đối thoại trực tiếp với các bên đương sự. Việc đối thoại sẽ mang lại cho người dân thông tin đầy đủ và chính xác hơn, đồng thời cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất;
- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và pháp luật về Thi hành án dân sự nói riêng để người dân hiểu và chấp hành pháp luật;
- Công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thường xuyên học tập nâng cao trình độ; nắm vững nghiệp vụ thi hành án, bồi dưỡng kỹ năng thuyết phục, dân vận trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo để tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả. Đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường nghiên cứu, nắm vững quy định về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan để áp dụng đúng đắn, xử lý đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót về nghiệp vụ thi hành án có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo./.