1- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn; xác định đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp, gắn công tác thi hành án dân sự, hành chính với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
2- Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh
2.1- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện công tác thi hành án dân sự, hành chính của cấp mình.
2.2- Chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý hành chính nhà nước; căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác thi hành án dân sự, hành chính; tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có liên quan đến ngành mình, cấp mình; thực hiện đúng các quy định, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn tránh, cản trở, chống đối việc thi hành án.
2.3- Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, hành chính.
2.4- Tăng cường, tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh.
3- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các Đảng đoàn tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự, hành chính.
4- Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh tăng cường lãnh đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Tăng cường phối hợp trong chuyển giao, kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định, số liệu kết quả xét xử vụ án hành chính bảo đảm đầy đủ, đúng thời hạn quy định.
5- Các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, hành chính tại địa phương bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ. Định kỳ (hoặc trường hợp cần thiết) nghe cơ quan Thi hành án dân sự báo cáo kết quả hoạt động, đề xuất biện pháp giải quyết đối với vụ việc phức tạp, kéo dài và cho chủ trương, ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố. Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự.
6- Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị này ở địa phương, đơn vị. Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị. Chỉ thị được phổ biến đến Chi bộ.
Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính được ban hành kịp thời, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cải cách hành chính trong tình hình mới, ./.