Sign In

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tình hình, kết quả hoạt động thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh

07/11/2017

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát tình hình, kết quả hoạt động thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh
          Thực hiện Quyết định số 27/QĐ-HĐND ngày 29/9/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc thành lập Đoàn giám sát tình hình, kết quả hoạt động kiểm sát, xét xử, thi hành án dân sự năm 2017 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, chiều ngày 23/10/2017, Đoàn giám sát của Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tiến hành giám sát tình hình, kết quả hoạt động thi hành án dân sự  năm 2017 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.
Về phía Đoàn giám sát có các ông: ông Phạm Hùng Thái - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh–Trưởng đoàn; ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh – Phó Trưởng đoàn, cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh là thành viên. Tham dự buổi làm việc còn có ông Nguyễn Thành Tâm – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp. 
Về phía Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh có ông Lê Văn Tiễn – Cục trưởng; các Phó Cục trưởng cùng với Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tiễn – Cục trưởng, trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2017 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo báo cáo, từ 01/10/2017 đến 30/9/2017, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã giải quyết xong 16.304 việc/22.855 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 71,34% (vượt 1,34% được giao), thu được số tiền 443.422.861.000 đồng/1.233.183.635.000 đồng có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 35,96% (vượt 5,96% so với chỉ tiêu được giao); số việc và số tiền có điều kiện chuyển kỳ sau đều giảm vượt mức chỉ tiêu được giao. Các mặt công tác khác cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Bên cạnh đó, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác quản lý vật chứng, đầu tư xây dựng cơ bản và công tác phối hợp trong quá trình tổ chức thi hành án.
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong Đoàn giám sát đã phát biểu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đối với kết quả đã đạt được trong năm 2017. Đồng thời các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự như: công tác xác minh án chưa có điều kiện chưa thực hiện thường xuyên; trong nhiều hồ sơ chủ động, Chấp hành viên chưa trực tiếp làm việc với người phải thi hành án để vận động thực hiện nghĩa vụ; công tác xử lý vật chứng chưa thực hiện dứt điểm, số lượng vật chứng tồn đọng còn nhiều; việc xử lý kiến nghị, kháng nghị chưa được thực hiện nghiêm túc... Các thành viên dự họp đặt các câu hỏi và đề nghị  Cục Thi hành án dân sự bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung. Thay mặt Cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Lê Văn Tiễn và Phó Cục trưởng Thành Văn Trạc đã giải thích, trả lời các câu hỏi của thành viên Đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận, ông Phạm Hùng Thái - Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh trong năm 2017 về chất lượng công tác tổ chức thi hành án, công tác chỉ đạo điều hành và chấn chỉnh, xử lý vi phạm; chia sẻ những khó khăn của Cục Thi hành án dân sự phải giải quyết nhiều vụ việc có yếu tố lịch sử cần có thời gian dài để giải quyết; lượng việc thụ lý cao, biên chế chưa tương xứng khối lượng công việc, cơ sở vật chất chưa đáp ứng... Trưởng đoàn giám sát yêu cầu Cục Thi hành án dân sự trong thời gian tới cần thực hiện ngay một số công việc sau: (1) Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám sát, những vi phạm theo các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân và những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Cục Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, đánh giá đúng thực trạng, thực chất để có giải pháp khắc phục hiệu quả; (2) Quan tâm, tích cực và chủ động xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành trong công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan trong công tác thi hành án dân sự; (3) Cơ quan Thi hành án dân sự làm việc, trao đổi với các cơ quan Tài chính, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra để thống nhất chủ trương xử lý vật chứng, tài sản tồn đọng; (4) Tập trung giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại tồn đọng, kéo dài; phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong ngành; (5) Có giải pháp sớm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá để củng cố niềm tin của người dân vào cơ quan Thi hành án dân sự; (6) Chủ động phát hiện, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh những bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành để có chỉ đạo giải quyết; kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh cấp kinh phí thuê mướn xây dựng phần mềm quản lý án tồn; chủ động đề xuất sửa đổi những quy định về chế độ thống kê thi hành án dân sự có bất cập; (7) Tăng cường công tác quản lý, điều hành, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; chú trọng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức đồng thời phải xử lý nghiêm cá nhân có vi phạm để nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức; (8) Tích cực đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện Đề án xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh.
Thay mặt Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, ông Lê Văn Tiễn tiếp thu ý kiến kết luận của Trưởng Đoàn giám sát, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục tồn tại hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự tại địa phương trong thời gian tới.

 
Hồng Hoa

Các tin đã đưa ngày: