Sign In

Nguyên nhân và giải pháp khắc phục vi phạm trong hoạt động thi hành án

29/04/2016

1) Thực trạng vi phạm trong công tác tổ chức thi hành án
Kết quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua, có những chuyển biến tích cực: các bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thực hiện kịp thời, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được đảm bảo, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Về tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự từng bước được củng cố, kiện toàn; phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, của chấp hành viên, cán bộ, công chức thi hành án được nâng lên,từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành và địa phương trong tình hình mới.
Bên cạnh những mặt đạt được, việc tổ chức thi hành án dân sự hiện vẫn còn nhiều sai phạm. Thông qua công tác kiểm tra của Cục Thi hành án dân sự, công tác giám sát của HĐND, công tác kiểm sát (thường xuyên và cuộc kiểm sát định kỳ) của Viện Kiểm sát nhân dân 02 cấp đã chỉ ra những vi pham và được các cơ quan Thi hành án dân sự nghiêm túc tiếp thu, đề ra biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục những sai sót chưa làm chuyển biến sâu về nhận thức của một số Chấp hành viên, thư ký, cán bộ về tầm quan trọng đối với hậu quả pháp lý do những sai phạm gây ra. Vì vậy, thực tế những vi phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã chỉ ra trong các kiến nghị, kháng nghị của những năm trước vẫn còn lập đi, lập lại ở một số Chi cục Thi hành án dân sự.
Qua tổng hợp số liệu về kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình kiểm sát thường xuyên và qua các cuộc kiểm sát trực tiếp của năm 2015 tại Tây Ninh:
Về kiến nghị: các cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã nhận được 41 văn bản từ các cơ quan kiểm sát 02 cấp trong quá trình kiểm sát thường xuyên và 08 kết luận trong các cuộc kiểm sát trực tiếp .Những nội dung vi phạm chủ yếu: Về thời hạn gửi quyết định, giấy tờ về thi hành án; Chấp hành viên chưa tiến hành xác minh (hoặc xác minh lại theo định kỳ) điều kiện thi hành án để xử lý theo luật; sau khi kê biên các chấp hành viên còn vi phạm về thời hạn áp dụng các biện pháp tiếp theo do luật định (như không thẩm định giá hoặc không đưa ra bán đấu giá tài sản); sau khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu một số đơn vị không thông báo kết quả kê biên cho cơ quan có thẩm quyền biết theo quy định; chưa xử lý vật chứng; không thông báo, thông báo chưa đúng quy định để đương sự nhận lại tiền tạm ứng án phí dẫn đến vụ việc kéo dài; chậm đưa ra thi hành đối với những việc có điều kiện theo quy định;...
Về kháng nghị: các cơ quan Thi hành án trong toàn tỉnh đã nhận được 28 văn bản kháng nghị từ các cơ quan kiểm sát 02 cấp trong quá trình kiểm sát thường xuyên. Kết quả trả lời kháng nghị phần lớn các đơn vị có kháng nghị đều chấp nhận kháng nghị và có văn bản trả lời. Những nội dung vi phạm chủ yếu: ra quyết định thi hành án không đúng nội dung đơn yêu cầu thi hành án; trùng lắp với nội dung quyết định đã ban hành trước đó; ban hành quyết định thi hành trước ngày người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án; ra quyết định đình chỉ chưa đúng nội dung thỏa thuận của đương sự và đối với trường hợp bản án tuyên phải thực hiện nghĩa vụ liên đới.
Nhìn chung, sau khi nhận được các văn bản kiến nghị, kháng nghị các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã có phản hồi chính thức bằng văn bản (chấp nhận hoặc không chấp nhận sai phạm) cho cơ quan kiểm sát .Việc khắc phục các vi phạm theo các kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát các cấp đã được các Chi cục tiếp thu và triển khai cho tất cả cán bộ mà nhất là Chấp hành viên, thư ký thực hiện việc khắc phục và rút kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
2) Nguyên nhân
a)Về khách quan
- Số lượng án thụ lý, giải quyết trên địa bàn tỉnh Tây Ninh luôn ở mức rất cao, trong khi đó số lượng chấp hành viên trực tiếp tác nghiệp chưa nhiều. Số lượng án bình quân một chấp hành viên là rất lớn (6 tháng đầu năm 2016 bình quân 01 CHV thụ lý 309 việc) nên vẫn còn có trường hợp việc tổ chức thi hành chưa đảm bảo trình tự, thủ tục do luật định.
- Một số quy định của luật vẫn chưa rõ dẫn đến nhận thức chưa thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Hiện trạng kho bảo quản vật chứng: Với thực trạng kho bảo quản tang vật như hiện nay cơ quan thi hành án dân sự không thể đáp ứng được lượng tang vật ngày càng tăng, vì vậy một số loại tang vật không có giá trị cao như; xe đạp, xe mô tô gây tai nạn… không thể đưa vào kho phải bảo quản ngoài kho như vậy không đảm bảo đúng quy định pháp luật.
- Công tác phối hợp trả vật chứng (không phải là tiền và giấy tờ) với trại giam còn gặp một số khó khăn do quy định của Thông tư 07.
b) Về chủ quan
Một số Chi cục khi tiếp nhận văn bản kiến nghị, kháng nghị của cơ quan kiểm sát chưa thực hiện việc vào sổ theo dõi đầy đủ dẫn đến chỉ đạo và giám sát việc khắc phục những vi phạm chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Một số Chi cục lãnh đạo chưa sâu sát trong việc theo dõi thực hiện việc khắc phục các sai phạm đã được kiến nghị, kháng nghị nên dẫn đến chậm khắc phục hoặc khắc phục chưa đến nơi, đến chốn, như: ban hành văn bản chấp nhận các kiến nghị của Viện kiểm sát nhưng vẫn không thực hiện việc khắc phục dẫn đến Viện kiểm sát tiếp tục kháng nghị; đã khắc phục vi phạm theo kiến nghị nhưng chưa triệt để thông qua các kết luận phúc tra vẫn còn vi phạm; đã khắc phục vi phạm theo kháng nghị nhưng không tiến hành các biện pháp tác nghiệp tiếp theo nên dẫn đến sai phạm tiếp theo về các trình tự khác trong việc tổ chức thi hành án; đã thu hồi các quyết định ban hành không đúng quy định (Quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án) theo kết luận kiểm sát, tuy nhiên chấp hành viên không tiếp tục tổ chức thi hành án (Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu tiếp tục tổ chức thi hành).
- Về thời hạn ra quyết định, gửi quyết định, giấy tờ về thi hành án:
Tại một số chi cục, Lãnh đạo chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc ban hành quyết định thi hành án nên phân công cho cán bộ hợp đồng hoặc cán bộ mới được tuyển dụng thực hiện, kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt được còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo thời hạn theo quy định.
Trách nhiệm của chấp hành viên được phân công phụ trách hồ sơ chưa cao, dẫn đến khi nhận hồ sơ thi hành án thiếu kiểm tra việc gửi quyết định thi hành án. Thiếu kiểm tra, nhắc nhỡ cán bộ, thư ký thực hiện các thủ tục gửi và tống đạt các quyết định, giấy tờ liên quan thi hành án cho các cơ quan và đương sự.
- Về hoãn thi hành án: Chấp hành viên chưa nghiên cứu kỹ bản án và việc xác minh không đề cập đến tài sản trong bản án đã kê biên (còn hay mất) sau đó xác định án không điều kiện và tham mưu ra quyết định hoãn.
- Không ra quyết định tiếp tục:
Thực tế lượng án phải tổ chức thi hành nhiều, tuy nhiên chấp hành viên chưa xây dựng kế hoạch giải quyết án đều tay (thường tập trung giải quyết án mới, án theo đơn, hoặc án có khiếu nại, ít quan tâm án chủ động thuộc diện hoãn), giao thư ký xác minh nhưng không kiểm tra thường xuyên dẫn đến kết quả xác minh lại theo định kỳ xác định người phải thi hành án có điều kiện nhưng chấp hành viên không đề xuất ban hành quyết định tiếp tục thi hành án để đưa hồ sơ ra tổ chức thi hành.
- Việc tiến hành xác minh:
Bên cạnh nguyên nhân về trình độ năng lực của cán bộ tiến hành lập biên bản xác minh thì thái độ trong công việc chưa thật sự tận tình, thực hiện không đến nơi đến chốn, còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất (chỉ căn cứ vào trình bày của chính quyền địa phương, mà chưa đến tận nơi ở của người phải thi hành án) nên một số trường hợp nội dung xác minh chưa chính xác. Việc xác minh lại theo định kỳ đối với án hoãn mang tính chất đối phó (một số biên bản có xác nhận trước của địa phương nhưng trong biên bản chưa thể hiện đầy đủ nội dung).
- Áp dụng biện pháp bảo đảm
Thực tế cho thấy để tránh phải chịu trách nhiệm về sau nên chấp hành viên áp dụng biện pháp này như là biện pháp phòng ngừa mà không căn cứ vào tình hình cấp thiết (nếu áp dụng biện pháp cưỡng chế thì không còn kịp thời vì tài sản đã bị tẩu tán), do vậy áp dụng không đúng quy định, vi phạm thời gian xử lý tiếp theo.
Không cập nhật các quy định của luật Thi hành án dân sự nên áp dụng biện pháp tác nghiệp một cách tùy tiện, không trên cơ sở các quy định của pháp luật (tiến hành kê biên trước, áp dụng biện pháp bảo đảm sau).
- Áp dụng biên pháp kê biên, và thủ tục sau khi kê biên:
Chấp hành viên chưa cập nhật các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự và những quy định pháp luật khác có liên quan (Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình …) còn hạn chế trong khi vận dụng các quy định mới về thi hành án. Nên áp dụng các biện pháp nghiệp vụ chưa đúng các quy định (biện pháp bảo đảm, cưỡng chế…), áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo thói quen, cảm tính, tư duy pháp luật theo lối mòn (chỉ biết đến những quy định cũ, nhưng hiện tại những quy định này đã được thay đổi) áp dụng biện pháp kê biên còn nhiều thiếu sót về thủ tục: yêu cầu cung cấp thông tin, thông báo kết quả cho cơ quan đăng ký biết, chưa gửi quyết định, kế hoạch kê biên cho viện kiểm sát cùng cấp.
Ý thức tôn trọng quyền tài sản của người dân chưa cao, chưa ý thức được việc tiến hành kê biên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người có tài sản cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nên sau khi tiến hành kê biên “quên” cho các đương sự thỏa thuận, thẩm định giá; không thông báo quyền được ưu tiên mua lại tài sản của đồng sỡ hữu; chậm thực hiện việc giải tỏa kê biên khi đương sự thực xong nghĩa vụ thi hành án.
- Chưa xử lý tang vật
Do số lượng vật chứng tại mỗi đơn vị ngày càng nhiều, nhưng cán bộ phụ trách công tác thủ kho chưa thực hiện được việc phân loại, sắp xếp vật chứng (loại nào đã có bản án tuyên, đã ra quyết định thi hành; loại nào chưa có bản án) nên việc tham mưu đề xuất xử lý chưa kịp thời. Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm của chấp hành viên trong việc trực tiếp thực hiện hồ sơ thi hành án chưa chủ động thực hiện các thủ tục để xứ lý (làm thủ tục xuất kho, thành lập hội đồng tiêu hủy, liên hệ với cơ quan tài chính để thực hiện việc chuyển giao) vật chứng mà bản án tuyên tiêu hủy, sung công quỹ hoặc trả lại cho đương sự.
- Đối với các các vi phạm khác
Một số chấp hành viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo phân công; không nghiên cứu kỹ hồ sơ do các chấp hành viên khác bàn giao (do có sự luân chuyển, thay đổi địa bàn) đã xác minh và đề xuất trả đơn yêu cầu không đúng quy định.
 Còn tình trạng giao khoán cho thư ký hoặc cán bộ giúp việc, không kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kế hoạch đã đề ra dẫn đến không tổ chức thi hành án đối với án có điều kiện, tổ chức thi hành chưa xong nội dung quyết định thi hành án nhưng đã báo cáo xong (đối với phần lãi xuất chậm thi hành án).
2. Giải pháp khắc phục
a) Đối với Cục THADS
Cải tiến, đổi mới phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện nhật ký thi hành án.
Cần phải tăng cường vai trò của hoạt động tự kiểm tra và kiểm tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới.
Tiếp tục cải tiến công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể đối với những vấn đề được xin ý kiến; kịp thời nghiên cứu, tổng hợp để hướng dẫn chung những vướng mắc về nghiệp vụ thường gặp ở từng khâu tổ chức thi hành án.
Kiên quyết khắc phục các trường hợp chậm trả lời cấp dưới hoặc cấp dưới chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Đề nghị cấp kinh phí xây dựng kho bảo quản tang vật cho tất cả các cơ quan Thi hành án dân sự một cách kịp thời, nhanh chóng nhằm tạo điều kiện để các cơ quan này thực hiện trách nhiệm của mình đúng quy định pháp luật.
b) Đối với lãnh đạo Chi cục 
Phân công nhiệm vụ hợp lý, đúng chức năng:lãnh đạo các Chi cục cần nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc ban hành quyết định thi hành án để phân công cán bộ tiếp nhận bản án, cán bộ ra quyết định có trình độ về pháp luật, có kinh nghiệm và biết cập nhận những quy định mới của pháp luật có liên quan đến việc ban hành quyết định thi hành án; Phân công cán bộ phụ trách tiếp nhận các kết luận, kháng nghị, kiến nghị và theo dõi việc khắc phục để thường xuyên báo cáo lãnh đạo.
Các Chi cục Thi hành án dân sự cần chủ động trong việc tổ chức thực hiện kết luận, trả lời các kiến nghị, kháng nghị của Viện Kiểm sát đối với cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời tự giám sát việc khắc phục tại đơn vị mình, nhất là đối với địa bàn để xảy ra nhiều sai phạm hoặc những sai phạm mang tính chủ quan, do yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó thực hiện việc khắc phục những kiến nghị, kháng nghị được triệt để hơn.
Bên cạnh đó, Chi cục trưởng, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục cần phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án về những sai phạm, sai sót đã được chỉ ra tại các kiến nghị, kháng nghị đối với công tác thi hành án ở địa phương, địa bàn mình, cũng như về những sai phạm thường gặp ở địa bàn khác đã được tổng hợp để các Chấp hành viên, công chức nắm được, tránh vi phạm tương tự lặp lại trên địa bàn. Nơi nào đã được chỉ ra sai phạm mà không khắc phục, còn lặp lại vi phạm hoặc vi phạm nặng hơn thì sẽ bị xem xét trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án (xóa bỏ tư tưởng làm nhiều thì sai phạm nhiều là điều không thể tránh khỏi); giáo dục ý thức trách nhiệm với dân. Đồng thời, phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, vi phạm về đạo đức, lối sống và chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiếp tục quan tâm công tác tập huấn nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức của ngành, đảm bảo công chức mới, công chức mới nhận nhiệm vụ mới phải được tập huấn nghiệp vụ được giao.
c) Đối với Chấp hành viên
Các Chấp hành viên phải dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành (không chỉ văn bản pháp luật về thi hành án dân sự mà còn phải chú ý nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên áp dụng như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành).
Thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; và đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Đồng thời, Chấp hành viên cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các công chức giúp việc cho mình (như chuyên viên, thư ký thi hành án…) thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình giúp việc cho Chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ pháp luật; hồ sơ thi hành án phản ánh đúng, chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án.
Chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình tác nghiệp để cấp trên tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác thi hành án dân sự./.

N.T.L
 

Các tin đã đưa ngày: