Sign In

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ, công chức ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự

21/01/2021

Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác cán bộ. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc…, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Nghiên cứu về cán bộ và công tác cán bộ, Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “… Cán bộ là vốn quý nhất”. Thật thế, vì ai thi hành chủ trương, ai chấp hành nhiệm vụ? Cố nhiên toàn dân, nhưng trước hết phải là cán bộ, nghĩa là những người xung phong, tích cực đem đường lối, chủ trương, chính sách đó tuyên truyền trong quần chúng, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thi hành, làm gương mẫu cho nhân dân thi hành.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ cách mạng được đề cập trong nhiều bài nói, bài viết của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, căn dặn người cán bộ cách mạng phải trau dồi đạo đức, “không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Người cho rằng điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Riêng đối với ngành Tư pháp, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Tư pháp, đối với đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tư pháp. Người khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần mình thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đồng thời, ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu, phá hoại chế độ, phá hoại lợi ích của nhân dân”.[2]Tư tưởng này cũng được hình thành trên cơ sở nền tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin đó là “biến Nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội”[3] và là tiếp nối tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh về một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chân chính: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.[4]
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, trong những ngày đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, trên cơ sở Sắc lệnh ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tạm giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ ở Bắc, Trung, Nam Bộ,  Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ký Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 quy định Ban Tư pháp có quyền thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên. Như vậy, trong những năm đầu của Nhà nước cách mạng nhân dân, hoạt động bảo đảm việc thi hành án đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chú trọng, làm tiền đề cho sự hình thành của Hệ thống Thi hành án dân sự về sau.
Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc (tháng 2 năm 1948), Người đã đề ra những yêu cầu chuẩn mực về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác tư pháp trong chính quyền mới là: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”[5]. Những lời giáo dục, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chắt lọc và trở thành một hệ thống triết lý về nhân cách Cách mạng của người cán bộ tư pháp từ đó đến nay.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của người cán bộ Tư pháp không thể tách rời bản lĩnh chung của người cán bộ cách mạng, hơn nữa người cán bộ Tư pháp còn phải có bản lĩnh chính trị riêng được biểu hiện bằng việc phải nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo.
Thực hiện lời dạy nêu trên của Bác Hồ, và để các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm như đã được nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời phát huy nét đẹp truyền thống trong trong cách ứng xử có văn hóa và giao tiếp lịch sự của người dân Việt Nam, đến nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều Quyết định quan trọng về lĩnh vực này trong ngành Tư pháp như Quyết định số 468/QĐ-BTP ngày 26/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp; Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP ngày 27/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về “Chuẩn mực đạo đức chấp hành viên” và Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp.
Phân tích những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ thi hành án dân sự hiện nay cũng thể hiện rõ tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới đây là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
Chuẩn mực thứ nhất:  Với Tổ quốc-Trung thành, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong quá trình xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: “Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình….; Luật pháp đặt ra trước hết để trừng trị áp bức; Phong kiến đặt ra pháp luật để trị nông dân, tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động. Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Tính chất quan trọng của pháp luật với tư cách là một công cụ thực hiện chuyên chính vô sản đòi hỏi những người làm công tác tư pháp phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân lao động”[6]. Người yêu cầu: “hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc”. Nhiệm vụ thực thi pháp luật là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chính vì vậy Người cán bộ thi hành án phải luôn yêu nghề và có trách nhiệm cao đối với công việc. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia đấu tranh về mặt pháp lý nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức, tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thực hiện công tác tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Nắm vững, góp phần thể chế hóa bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tuân thủ, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp.
Chuẩn mực thứ hai: Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân
 Nói về người cán bộ công chức, Bác luôn dùng các từ “đầy tớ”, “đầy tớ của dân”[7], “công bộc”[8]. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, người cán bộ công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân vì dân mà làm các việc và cũng phụ trách trước nhân dân. Tư tưởng phục vụ nhân dân là tư tưởng cốt lõi trong đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với địa vị là công bộc của dân, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở người cán bộ công chức phải yêu dân, kính dân. Người nói: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta[9]”. Người kịch liệt lên án những cán bộ công chức miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì theo lối quan chủ, miệng thì nói phụng sự quần chúng nhưng lại làm trái ngược với lợi ích của quần chúng.
Bác luôn muốn xây dựng một “Nền Tư pháp nhân dân”[10]. Nền Tư pháp nhân dân là một nền Tư pháp gắn bó với dân, gần dân, vì dân, những cán bộ Tư pháp xuất phát từ nhân dân, lăn lộn với dân và hiểu dân chứ không quan liêu, cách biệt và xa rời người dân. Với tư tưởng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”[11]. Nhưng thế chưa đủ, Người nói: “Cán bộ, công chức tư pháp chỉ công bằng, liêm khiết, trong sạch thôi là chưa đủ, cán bộ tư pháp cần phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Người cán bộ thi hành án chính là “cán bộ của nền Tư pháp nhân dân” vì vậy phải luôn có thái độ cư xử văn minh, lịch sự. không quan liêu, hách dịch, sách nhiễu phiền hà với nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ Tư pháp phải tự biết xây dựng và trau dồi một tình thương, một lẽ sống, một lý tưởng trong sáng, vì nhân dân. Người căn dặn: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”[12].
Chuẩn mực này còn thể hiện đặc trưng của công tác tư pháp là thường xuyên trực tiếp giải quyết các yêu cầu hàng ngày của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người dân. Nội dung chuẩn mực “gần dân, hiểu dân, học dân” thể hiện yêu cầu về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong quan hệ với nhân dân. “Phục vụ dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân” là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư pháp. Cụ thể là: Nắm vững quan điểm vì dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Quán triệt đường lối dân vận của Đảng; dựa vào dân, sát với dân, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác tư pháp, nhất là công tác thi hành án dân sự; Tích cực góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa pháp lý tốt đẹp của dân tộc; Tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Tích cực xây dựng nền tư pháp vì dân, phát huy vai trò của các chức danh tư pháp, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, thuận tiện, hữu hiệu để nhân dân sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Khách quan, công tâm khi thực hiện công tác tư pháp; kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Chuẩn mực thứ ba: Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, kỷ luật, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư trong quá trình tổ chức thi hành án.
Nói về thực thi pháp luật, chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi tất cả mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành pháp luật, không ai được đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Người đã ban hành Quốc lệnh ngày 26-1-1946. Trong Quốc lệnh này, gồm 10 điều khen thưởng và 10 điều phạt, kể cả hình phạt xử tử. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương dùng biện pháp “giáo dục” và “cảm hoá”. Người nói “không dùng xử phạt là không đúng” song “chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”[13]. Dù sử dụng pháp luật hay giáo dục cảm hoá cũng đều nhằm mục đích đạt đến sự bình đẳng, mà cái gốc của sự bình đẳng là phải giải quyết lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng hài hoà, phù hợp và thuận chiều. Cái vượt trội của tư tưởng Hồ Chí Minh ở chỗ không chỉ dùng duy nhất công cụ pháp luật để điều hành Nhà nước mà còn biết dùng sức mạnh tổng hợp của các biện pháp cách mạng, các biện pháp vận động quần chúng, không chỉ dùng duy nhất bộ máy chính quyền mà còn biết sử dụng các định chế khác, các đoàn thể, các tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị.    
      Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn luôn gắn liền dân chủ với pháp luật, Người nói rằng: “Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động”.“Tất cả các tổ chức và cá nhân sống, làm việc theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật”[14] là điều kiện tiên quyết để bảo đảm dân chủ. Vì vậy , một trong những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ thi hành án  là phải chủ động, tích cực trong tổ chức thi hành án, không lơ là hoặc tìm cách trì hoãn việc thi hành án; sử dụng biện pháp giáo dục thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là chủ yếu, khi áp dụng các phương thức thi hành án thì phải áp dụng đúng pháp luật, đảm bảo công bằng, không làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và lợi ích chung của xã hội.
Chuẩn mực này nhấn mạnh yêu cầu về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp với nhiều đặc trưng so với các hoạt động quản lý nhà nước khác đó là: Có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, thể hiện từ việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý, đến tham mưu áp dụng pháp luật, trực tiếp thi hành pháp luật và thực hiện các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp; từ tham gia bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội, đến trực tiếp phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải luôn tận tâm, tận lực, bền bỉ, kiên trì, không qua loa, đại khái; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể là: Làm tròn nhiệm vụ, trung thực trong công tác; hết lòng, hết sức với công việc; không quản ngại khó khăn, gian khổ; Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp; Có tư duy, quan điểm thực tiễn, không pháp lý thuần túy; vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân để góp phần giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm thực thi quyền tự do dân chủ của công dân; Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cách thức mới để thực hiện tốt hơn công tác tư pháp; Giữ nghiêm kỷ cương phép nước; lấy pháp luật làm chuẩn mực để xử lý công việc; Khách quan, công tâm; không nể nang, né tránh, bao che trong thực hiện công tác tư pháp; Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng.
Chuẩn mực thứ tư: Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, trên cơ sở hợp tác, cùng tiến bộ.
Tinh thần đoàn kết thật sự đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1948 và tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1957. Người  khẳng định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”. Người cũng căn dặn đội ngũ công chức Tư pháp cần “nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân”. Người nhấn mạnh “Đoàn kết là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến, lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết”. Vì vậy, ngành Tư pháp muốn khắc phục khó khăn thì phải “đoàn kết nhất trí thật sự’. Người giải thích, đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tư pháp muốn “đoàn kết thật sự “thì phải “dựa trên lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình, tự phê bình”.
Về tinh thần phê bình và tự phê bình của cán bộ, trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (1927) Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn làm cách mạng thành công, người cách mạng trước hết phải có tư cách cách mạng. Tư cách của người cán bộ cách mạng là sự thống nhất biện chứng 3 mối quan hệ cơ bản nhất của con người: quan hệ với mình, quan hệ với mọi người và quan hệ với công việc. Tự mình phải: cần, kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa chữa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát; hay hỏi, nhẫn nại (chịu khó); hay nghiên cứu xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất; bí mật. Đối với người phải: với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo, hay xem xét người. Làm việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm, phục tùng đoàn thể”. Chính vì vậy, người cán bộ thi hành án phải thấm nhuần tư tưởng “đoàn kết tạo nên sức mạnh” của chủ tịch Hồ chí Minh , phải có tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, gần gũi, quan tâm dìu dắt, giúp đỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cùng nhau tạo thành một tập thể đoàn kết thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Chuẩn mực thứ năm: Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.
Trước khi đi xa, trong bản Di chúc của mình, Bác không quên dặn lại một cách tâm huyết: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư  phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.[15]
Chính tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự quy tụ đặc sắc nhất những giá trị của đạo đức cách mạng của Người. Đặc biệt, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư bằng thực tiễn, bằng tấm gương rèn luyện đạo đức cần mẫn hằng ngày của Người, đã củng cố thêm giá trị những phẩm chất này, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất; cần còn có nghĩa là làm việc có phương pháp, có khoa học và có trí tuệ. Cần mà không có trí tuệ thì đó cũng chỉ là bán thân bất toại.
Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cải vật chất và tinh thần cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý nhằm mục đích mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Liêm là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, không tham sung sướng; không nịnh hót kẻ trên và cũng không thích người khác tâng bốc mình.
Chính là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, lên án những cái xấu, cái sai trái.
Chí công vô tư là mình vì mọi người; luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.
Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”[16], “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”[17]. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau và với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Đây là phẩm chất tiêu biểu, yêu cầu tự thân mà hơn ai hết, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải thực hiện, nêu gương. Cụ thể là: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là học tập quan điểm nhân dân; chính sách đại đoàn kết; phương pháp làm việc thực tế, không giáo điều; phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”; Hết lòng phục vụ lợi ích chung, lợi ích của tập thể; chống tư tưởng thực dụng, cơ hội, lợi ích cá nhân, phe nhóm; Thường xuyên giữ gìn, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách, lối sống; thể hiện tính chuẩn mực, nghiêm minh, công bằng của pháp luật; Là tấm gương tôn trọng, chấp hành pháp luật trong công việc cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; Không cửa quyền, hách dịch, hạch sách, tham nhũng.
Cán bộ Thi hành án dân sự phải gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phải không ngừng học tập nâng cao trình độ; tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”[18] theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ; làm tốt công tác phê bình và tự phê bình; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
Như vậy, người cán bộ thi hành án ngoài việc phải giữ cho bản thân một lối sống lành mạnh, cần, kiệm, liêm chính, giản dị còn phải vận động, giáo dục các thành viên trong gia đình mình xây dựng nếp sống văn hoá, ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
 Ôn lại và thực hành những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp vẻ vang và đạo đức của người cán bộ tư pháp cùng với những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tư pháp là niềm tự hào chung của mọi người trong không khí hướng tới kỷ niệm truyền thống 75 năm ngành Tư pháp Việt Nam (28-8-1945/28-8-2020) và năm tới là kỷ niệm truyền thống 75 năm truyền thống Thi hành án dân sự (19-7-1946/19-7-2021).
Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cá nhân cán bộ công chức thi hành án dân sự cần tích cực thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ làm công tác pháp luật. Mỗi cán bộ, công chức ngành thi hành án hiểu rõ và đầy đủ hơn về tấm gương đạo đức của Người để xác định rõ những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ thi hành án trong tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức, viên chức ngành Tư pháp” trong hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã được Đảng ủy Tổng cục Thi hành án dân sự đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo thực hiện nghiêm trong toàn hệ thống. Nhờ vậy, việc triển khai đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Trong Hệ thống Thi hành án dân sự, chuẩn mực đạo đức còn là tiêu chí để cán bộ, chấp hành viên phấn đấu.[19]
Hàng năm, các cơ quan thi hành án dân sự đã đưa ra tổ chức thi hành trên 700.000 vụ việc, tương đương với số tiền gần 100.000 tỷ đồng, do đó, kết quả thi hành án dân sự có ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. 
Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ từ phía các bên đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên cạnh đó là những hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình mà nếu không có bản lĩnh vững vàng, họ rất dễ bị sa ngã bởi sự cám dỗ hoặc buông xuôi trước những khó khăn, gian khổ của nghề. 
Để có thể vượt qua cám dỗ, khó khăn, bản thân mỗi cán bộ, chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trau dồi phẩm chất đạo đức; phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị, bên cạnh đó, họ cũng rất cần một ngọn đèn soi sáng, một kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho họ trên con đường chông gai của nghề thi hành án dân sự. 
Trước đây, ngày 27/02/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP để xác định các “Chuẩn mực đạo đức CHV”. Qua hơn 18 năm triển khai thực hiện, Chuẩn mực đạo đức của chấp hành viên thực sự là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp và là tiêu chí để chấp hành viên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong việc xây dựng đạo đức, tác phong, hình ảnh của mình.
Tuy nhiên, do số lượng chấp hành viên chỉ chiếm khoảng 36% trong tổng số gần 10.000 cán bộ, công chức, số còn lại mặc dù cũng có vị trí, vai trò quan trọng nhưng lại chưa có cơ chế để điều chỉnh chuẩn mực đạo đức phù hợp nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức tác phong của người làm công tác thi hành án dân sự. 
Vì vậy, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp” chính là ngọn đèn, là kim chỉ nam  để tất cả cán bộ công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự soi rọi trên con đường thực hiện những chức trách, nhiệm vụ được giao. 
Việc triển khai thực hiện Chuẩn mực đạo đức trong các cơ quan THADS  đã tạo sự chuyển biến tích cực; ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương của cán bộ đảng viên, công chức, người lao động trong Ngành không ngừng được nâng lên; kết quả THADS  liên tục năm sau cao hơn năm trước một cách ổn định và bền vững. Cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
 

[1]Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011; tập 5, tr.292.
[2] Trích thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến hội nghị Tư pháp toàn quốc của Bộ Tư pháp Năm 1948.
[3][3] C. Mác và Ph. Awngghen, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995, tr. 350.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 30-32, được trích trong cuốn “Số chuyên đề 70 truyền thống Thi hành án dân sự”, của tác giả Ths. Nguyễn Xuân Tùng, NXB Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, năm 2016, tr. 55.
[6] Trích bài nói tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950 của chủ tịch Hồ Chí Minh,Nhà xuất bản Lao động năm 1971 trích lại trong cuốn: “Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật”, tập III, từ trang 138-142
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.292
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.64-65
[9]Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG H.2000. Tập 4, tr. 56
[11] Trích thư của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến hội nghị tư pháp toàn quốc của Bộ Tư pháp Năm 1948

[12] Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,Tập 5, tr.324.
[14] Trích bài nói tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[15]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.15, tr.611-612.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2011, t.5, tr.291
[17] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[18] Xem thêm: Chu Khoan Thiện, Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên;http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=11155&print=true;  ngày đăng: 12/1/2018
[19] Nguyễn Văn Sơn, “Đảng bộ Tổng cục THADS thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực”https://baophapluat.vn/tu-phap/dang-bo-tong-cuc-thads-thuc-hien-chuan-muc-dao-duc-nghe-nghiep-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-220902.html.


Theo CỔNG THÔNG TIN TỔNG CỤC THADS - BỘ TƯ PHÁP

Các tin đã đưa ngày: