Sign In

Công tác phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện Định Hóa với Ủy ban nhân dân cấp xã

16/09/2020

Công tác phối hợp giữa Chi cục Thi hành án dân sự  huyện Định Hóa với Ủy ban nhân dân cấp xã
Huyện Định Hóa là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, địa hình nhiều đồi núi, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, dân cư đa phần là người dân tộc thiểu số nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật cũng như các tranh chấp dân sự có xu hướng ngày càng gia tăng, tính chất, mức độ nội dung vụ việc ngày càng phức tạp, khó thi hành. Ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng phải thi hành án chưa cao, còn chây ỳ, trốn tránh không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Hàng năm, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Định Hóa có tổng thụ lý khoảng 800 việc, với số tiền thi hành khoảng 10 tỷ đồng. Trong khi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn quy định rất chặt chẽ về thủ tục thi hành án dân sự, đòi hỏi đội ngũ Chấp hành viên và công chức thuộc Chi cục phải luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 Tuy nhiên, trong những năm qua Chi cục Thi hành án dân sự huyện Định Hóa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Cấp ủy đảng, chính quyền huyện Định Hóa; sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thuộc huyện, đặc biệt là của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình cơ quan thi hành hành án đi thông báo, xác minh, đôn đốc, thực hiện quy trình thi hành án và tổ chức cưỡng chế thi hành án đã góp phần quan trọng vào kết quả của đơn vị. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Định Hóa, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện trong công tác phối hợp của các đơn vị có liên quan, đặc biệt là đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Định Hóa đồng thời là Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện luôn quan tâm chỉ đạo các vụ việc có khó khăn, vướng mắc, nhất là những vụ việc chưa có sự thống nhất cao về quan điểm giải quyết giữa cơ quan Thi hành án dân sự với Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 175 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn”.
Mối quan hệ phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với cơ quan Thi hành án dân sự cụ thể trong việc thông báo, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế và các vụ việc khác về thi hành án dân sự trên địa bàn, mối quan hệ phối hợp này đã được hình thành từ lâu và cơ bản được thực hiện tốt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngành giao, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.
Thực tế cho thấy những vụ việc thi hành án nếu phối hợp tốt giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân cấp xã, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, khó khăn thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ tổ chức thi hành rất thuận lợi, ngược lại mối quan hệ phối hợp này không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ khó tổ chức thi hành án nếu giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân cấp xã không thống nhất về cách thức giải quyết và không được Ủy ban nhân dân xã ủng hộ trong các vụ việc phức tạp phải tổ chức cưỡng chế.
Trong công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thì phối hợp trong xác minh điều kiện thi hành án là một phần trong quá trình thi hành án, việc này hiện nay Ủy ban nhân dân cấp xã thường giao cho cán bộ tư pháp xã hoặc công an xã cùng phối hợp với chấp hành viên để tiến hành xác minh, thực tế hiện nay cán bộ tư pháp xã có khối lượng công việc nhiều, mỗi Uỷ ban nhân dân cấp xã chỉ có 1- 2 cán bộ tư pháp, nên việc bố trí, sắp xếp thời gian để đi xác minh cùng chấp hành viên còn ít. Chấp hành viên muốn đi xác minh thì phải có lịch hẹn trước. Mặt khác, cán bộ tư pháp xã không làm chuyên môn về công tác thi hành án dân sự, chưa hiểu rõ về thủ tục quy trình thi hành án, nên khi tiếp xúc với đương sự vẫn còn những hạn chế nhất định, một số cán bộ tư pháp xã tâm lý ngại va chạm với công dân thuộc địa bàn của mình.
Để góp phần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân cấp xã cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền huyện, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện đối với Ủy ban nhân dân xã trong công tác phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, nhất là những vụ việc phức tạp phải tổ chức cưỡng chế và những vụ việc có vướng mắc, chưa thống nhất quan điểm, cách giải quyết giữa cơ quan Thi hành án dân sự với Ủy ban nhân dân cấp xã. 
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về pháp luật thi hành án tới cơ sở, nhất là đối với cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp được cử đi tham gia vào quá trình thi hành án cùng với cơ quan Thi hành án dân sự.
Tổ chức những buổi làm việc trực tiếp với Cấp ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã về công tác phối hợp, trao đổi trên cơ sở quy định của pháp luật và để có những biện pháp định hướng giải quyết vụ việc thi hành án dân sự.
Xây dựng, thống nhất cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân cấp xã đảm bảo thực hiện tốt công tác phối hợp trong thi hành án dân sự.


Theo Chi cục THADS huyện Định Hóa

Các tin đã đưa ngày: