Sign In

HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

06/11/2020

HOÀN THIỆN CÔNG TÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thời gian qua, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM xác định công tác giải quyết khiếu nại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo tính minh bạch của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, đảm bảo quá trình thi hành án được giám sát kịp thời; ngăn chặn, chấn chỉnh và khắc phục những thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Việc chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước
Các cơ quan Thi hành án dân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn có số việc, số tiền hàng năm phải thụ lý thi hành nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước (về việc chiếm tỷ lệ khoảng 13% trên cả nước, về tiền chiếm tỷ lệ khoảng 35% trên cả nước) với rất nhiều vụ án lớn, phức tạp, được các cấp, các ngành và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Vì lẽ đó, đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng phát sinh nhiều, với nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài.
Chỉ tính riêng năm 2020, Cục Thi hành án dân sự Thành phố tiếp nhận tổng cộng 1.293 đơn các loại, sau khi phân loại đơn thì số tổng việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết là 217 việc (giảm 01 việc so với năm 2019), trong đó: khiếu nại là 186 việc, tố cáo là 31 việc. Tổng số việc khiếu nại, tố cáo đã phân loại, giải quyết xong là 214/217 việc, đạt tỷ lệ 99%. Trong đó, khiếu nại thuộc thẩm quyền của Cục trưởng: 76 việc (tăng 02 việc so với năm 2019); Đã giải quyết xong: 74 việc, đạt tỷ lệ 97,37% (tăng 10 việc so với năm 2019): Đình chỉ: 12 việc; Khiếu nại đúng toàn bộ: 07 việc; Khiếu nại đúng một phần: 02 việc; Khiếu nại sai toàn bộ: 53 việc; Chuyển kỳ sau: 02 việc (giảm 08 việc so với năm 2019). Đối với giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Cục trưởng: 05 việc (tăng 01 việc so với năm 2019). Đã tham mưu giải quyết xong: 04 việc, đạt tỷ lệ 80%, trong đó: Đúng toàn bộ: 02 việc; Sai toàn bộ: 02 việc. Chuyển kỳ sau: 01 việc (tăng 01 việc so với năm 2019).
Các khiếu nại, tố cáo thường gặp
Theo Cục THADS TP.HCM, các đơn khiếu nại, tố cáo tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây: 
(1) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định về thi hành án: Vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án; Ra quyết định thi hành án không đúng, không đủ các nội dung trong quyết định, bản án của Tòa án hoặc thừa nội dung so với đơn yêu cầu của người được thi hành án; Ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án không đúng quy định; Không ra quyết định về thi hành án theo đúng quy định.
(2) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện thông báo, tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án không đúng quy định, vi phạm Điều 39 Luật Thi hành án dân sự: Không thông báo các quyết định, giấy tờ, văn bản về thi hành án cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Thông báo hoặc thông báo không đúng về thời hạn, hình thức như gửi Thông báo qua người giúp việc; người quen ở gần nhà.
(3) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án không đúng quy định: Vi phạm về thời gian xác minh điều kiện thi hành án; Nội dung xác minh còn chung chung, chưa rõ ràng, đầy đủ, chính xác, chưa phản ánh được điều kiện thi hành án của đương sự; Không xác minh trực tiếp tại nơi có tài sản, tại địa chỉ của người phải thi hành án, mà chỉ xác minh tại Ủy ban nhân dân phường, xã; hoặc không xác minh tại các cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Những vi phạm nêu trên một mặt thể hiện trình độ, năng lực cũng như sự cẩu thả của Chấp hành viên mặt khác cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong thi hành án.
(4) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tổ chức cưỡng chế, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đúng quy định: Bản án, quyết định tuyên chưa rõ (tuyên chia thừa kế căn nhà) nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản đề nghị Tòa án giải thích đã kê biên, xử lý cả nhà và quyền sử dụng đất; Kê biên sai đối tượng; Hoặc đã có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án, quyết định, đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích nhưng thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự không ra quyết định hoãn thi hành án mà vẫn tổ chức thi hành án, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
(5) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm về việc thẩm định giá, bán đấu giá, chậm giao tài sản cho người trúng đấu giá: Không thông báo để đương sự thực hiện quyền yêu cầu định giá lại tài sản; định giá không hết tài sản đã kê biên; không thực hiện yêu cầu định giá lại của đương sự; Không thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá; không thông báo việc bán đấu giá tài sản; câu kết với tổ chức bán đấu giá tài sản làm thiệt lại đến quyền lợi của người có tài sản.
(6) Khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thanh toán và thu chi tiền thi hành án
(7) Đòi bồi thường thiệt hại do thi hành án trái pháp luật gây ra
(8) Không giải quyết khiếu nại, giải quyết không phù hợp với các quy định của pháp luật
Trong các loại khiếu nại, tố cáo thường gặp nêu trên, khiếu nại, tố cáo nổi cộm, bức xúc và còn tồn đọng nhiều nhất là liên quan đến việc kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Kiện toàn để việc khiếu nại, tố cáo được hoàn thiện
Theo Cục THADS TP.HCM, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng quy định toàn diện, rõ ràng, minh bạch mang tính ổn định, chuẩn mực, nhất quán và hệ thống nhằm giúp cho mọi người dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ vận dụng. Có như vậy thì mới loại trừ được những mâu thuẫn, chồng chéo và việc xác định đúng sai trong thi hành nhiệm vụ của công chức trở nên dễ dàng, minh bạch và hạn chế được khiếu nại, tố cáo; bổ sung quy định về các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, nhất là những đối tượng “đi kiện thuê”, “viết đơn thuê” với những lời lẽ xúc phạm cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, xúi giục công dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, cản trở việc thi hành án; trường hợp đã được người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là trường hợp cố tình khiếu nại, tố cáo để kéo dài, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
- Đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng thẩm quyền, kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự chuyển đơn đến nơi có thẩm quyền giải quyết, hạn chế mức thấp nhất việc yêu cầu báo cáo, sao gửi hồ sơ đối với những đơn thư vượt cấp này, tránh để tình trạng đương sự lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian thi hành án, lãng phí nhân lực, vật lực của cơ quan Thi hành án dân sự.
- Đối với những vụ việc đã được giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật nhưng đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan cấp trên, kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản hướng dẫn, trả lời (một lần) để chấm dứt tình trạng khiếu nại, tố cáo tràn lan, kéo dài.
Đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố
(i) Chỉ đạo Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ rà soát số lượng và đánh giá chất lượng công chức được phân công làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố; từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ các Chi cục củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của công chức làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình hiện nay. (ii) Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, công tác kiểm tra, đòi hỏi công chức làm công tác này phải có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thi hành án, chịu khó nghiên cứu, có khả năng phân tích, tổng hợp xây dựng báo cáo, có kỹ năng soạn thảo văn bản tốt…Trong khi đó, Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là một trong những đơn vị khó thu hút nhân sự. Vì vậy, Đảng ủy Cục, Ban lãnh đạo Cục cần quan tâm, xem xét có nghị quyết hoặc quy chế đãi ngộ cho những công chức có đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu đối với công tác này, có tinh thần xung phong, tự nguyện về công tác tại Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong khoảng thời gian ít nhất là 03 năm, chẳng hạn như: cho được lựa chọn đơn vị công tác, được quan tâm đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo Chi cục sau khi hết thời gian công tác tại Phòng…(iii) Tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề và đột xuất đối với đơn vị mà Thủ trưởng chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết chưa quyết liệt và còn nhiều thiếu sót, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp và khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. (iv) Qua công tác kiểm tra, phải đánh giá chính xác, thực chất, kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với người đứng đầu, lãnh đạo phụ trách và công chức tham mưu đối với những đơn vị yếu kém, đặc biệt là đối với những đơn vị mà số vụ việc bị hủy, sửa đổi, thu hồi có tỷ lệ cao. (v) Xác định trách nhiệm chính trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là của Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự; đưa kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo không đầy đủ, đúng yêu cầu và kết quả thực hiện chỉ đạo của Cục vào tiêu chí đánh giá Thủ trưởng các đơn vị. (vi) Tăng cường và phát huy vai trò của công tác tự kiểm tra; căn cứ kết quả tự kiểm tra của các đơn vị, Cục Thi hành án dân sự Thành phố sẽ tiến hành kiểm tra công tác tự kiểm tra của các đơn vị. Kết quả kiểm tra của Cục Thi hành án dân sự Thành phố sẽ là cơ sở đánh giá việc tự kiểm tra của các đơn vị, đồng thời để xem xét, đánh giá thi đua cuối năm đối với Thủ trưởng đơn vị.
Đối với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục
(i) Thủ trưởng các cơ quan Thi hành án dân sự phải tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh các thiếu sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức trong quá trình tổ chức thi hành án; làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho công chức; nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm đối với những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. (ii) Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các quận huyện tăng cường công tác tiếp dân, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân: 01) Tiếp công dân định kỳ, đột xuất, đối thoại với người dân và khi giải quyết phải lắng nghe, khách quan, quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân; (02) Rà soát, kiện toàn đội ngũ công chức của đơn vị, bố trí phân công công chức làm công tác này đáp ứng được yêu cầu công việc; (03) Tăng cường và nâng cao chất lượng kiểm tra công tác tiếp công dân, quan tâm đến việc tổ chức đối thoại giữa Chấp hành viên và người dân nhằm giải tỏa bức xúc, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm của công chức, Chấp hành viên được phát hiện trong quá trình tiếp công dân; (4) Nâng cao chất lượng quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy tối đa hiệu quả việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi với người khiếu nại, tố cáo đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt. (iii) Tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác Thi hành án dân sự. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình của đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch tiếp công dân phù hợp. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương có biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án; đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được xem xét, giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng người dân tiếp tục đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh về những nội dung đã được xem xét, giải quyết và trả lời theo đúng quy định thì tiến hành ra thông báo từ chối tiếp công dân theo quy định về tiếp công dân. (iv) Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai sót, bất hợp lý thì phải quyết tâm điều chỉnh, sửa sai có phương án giải quyết khác để bảo đảm quyền lợi của công dân, chấm dứt khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo.
Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sai phạm của cấp dưới trong quá trình thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức có nhiều sai phạm, yếu kém trong công tác.
- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc xây dựng báo cáo về việc thi hành án phục vụ cho công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, cụ thể: khi tham mưu cho lãnh đạo Cục xây dựng báo cáo về việc thi hành án phục vụ cho công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Tổng cục hoặc khi nhận được yêu cầu báo cáo về việc thi hành án phục vụ cho công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Cục Thi hành án dân sự Thành phố thì phải thực hiện việc báo cáo đúng thời hạn, đồng thời báo cáo phải nêu đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của cơ quan cấp trên. Trường hợp vì lý do khách quan mà đơn vị không thể báo cáo đúng thời hạn yêu cầu thì phải có văn bản đề nghị gia hạn thời gian báo cáo.
Trong quá trình tổ chức thi hành án nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần chủ động, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định, tránh trường hợp việc thi hành án chậm trễ, kéo dài, gây bức xúc cho các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Trường hợp trong báo cáo, Thủ trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá Chấp hành viên của đơn vị đã thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, không có thiếu sót, vi phạm nhưng khi Cục trưởng giải quyết khiếu nại phát hiện Chấp hành viên có thiếu sót, vi phạm thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, đây là cơ sở để xem xét, đánh giá năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo, quản lý của Thủ trưởng đơn vị khi xem xét, đề nghị tái bổ nhiệm; Kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình thực tiễn, phản ánh trung thực các khó khăn, vướng mắc tại địa phương để kịp thời báo cáo, kiến nghị với Cục trưởng để đề xuất Tổng cục thống nhất chỉ đạo thực hiện chung trong toàn hệ thống; Thực hiện chính xác việc tổng hợp, thống kê số liệu về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời báo cáo để theo dõi, chỉ đạo./.
                                                                                                                                 Cẩm Tú
 

 

Các tin đã đưa ngày: