Sign In

Đoàn công tác của THADS tỉnh Kiên Giang thăm trao đổi học tập kinh nghiệm về án hành chính tại TPHCM

08/05/2024

Đoàn công tác của THADS tỉnh Kiên Giang thăm trao đổi học tập kinh nghiệm về án hành chính tại TPHCM

Chiều 08.5, tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Cục THADS Thành phố tiếp Đoàn công tác của Cục THADS tỉnh Kiên Giang tới học tập, trao đổi kinh nghiệm về theo dõi thi hành án hành chính tại Cục THADS Thành phố. Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Hà (đại diện lãnh đạo Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh) tiếp Đoàn.
 
Đoàn Cục THADS tỉnh Kiên Giang do đồng chí Nguyễn Văn Vũ - Cục trưởng làm trưởng Đoàn cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo: Văn Phòng, Phòng Nghiệp Vụ thuộc Cục; Đại điện lãnh đạo Phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh; Thanh tra thành phố Phú Quốc. Về phía Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí lãnh đạo và chấp hành viên Phòng Nghiệp vụ 2 ( theo dõi thi hành án hành chính) tham dự.
 

Đ/c Nguyễn Văn Vũ - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi làm việc
 
Chuyến công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm của Đoàn THADS tỉnh Kiên Giang tại Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích nhằm đánh giá toàn diện, khách quan về nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người đứng đầu cơ quan, đơn vị là người phải trực tiếp thi hành án và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; các cấp, các nghành trong việc chấp hành pháp luật thi hành án hành chính và nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật hành chính; nâng cao trách nhiệm của Cơ quan Thi hành án dân sự trong công tác theo dõi thi hành án hành chính.
Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong công tác theo dõi thi hành án hành chính. Từ  đó, có thể học tập và trao đổi kinh nghiệm giữa Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang.

   
Phó cục trưởng Cục THADS Thành phố Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại buổi làm việc
 
Trao đổi với Đoàn công tác, Phó cục trưởng Nguyễn Thanh Hà cho biết: Quá trình áp dụng, thi hành các quy định của Luật TTHC về thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện: Luật TTHC (TTHC) năm 2015,  Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án;  Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư Pháp, Tổng cục THADS về công tác THAHC; Cục THADS Thành phố thực hiện cập nhật, thống kê đầy đủ kết quả THAHC và báo cáo Tổng cục, UBND Thành phố định kỳ và các báo cáo đột xuất theo yêu cầu. Ngoài ra, Cục THADS Thành phố đã ban hành các văn bản thông tin, kiến nghị UBND Thành phố, Tổng cục THADS đôn đốc, chỉ đạo thực hiện thi hành án hành chính trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để công tác theo dõi THAHC đạt hiệu quả, Cục trưởng Cục THADS Thành phố đã phân công lãnh đạo, bộ phận, công chức phụ trách việc theo dõi THAHC, Phòng Nghiệp vụ 2 (Phòng NV2) giúp Cục trưởng thực hiện công tác theo dõi THAHC. Phân công một đồng chí Phó Cục trưởng trực tiếp chỉ đạo bộ phận tham mưu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tại các Chi cục THADS quận, huyện và thành phố Thủ Đức: Căn cứ vào điều kiện cụ thể của mỗi đơn vị, các Chi cục phân công một đồng chí Lãnh đạo chi cục, Chấp hành viên hoặc Thẩm tra viên kiêm nhiệm phụ trách công tác theo dõi THAHC, để tham mưu cho Chi cục trưởng giải quyết.

Bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn các vụ việc thi hành án hành chính còn tồn chủ yếu liên quan đến việc thi hành các bản án, quyết định trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm do liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế với giá trị rất lớn, có yếu tố lịch sử, pháp luật có nhiều thay đổi, khó đạt sự đồng thuận với người được thi hành án.
 

Các đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm
 
Thuận lợi: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phân công Sở Tư pháp làm đầu mối định kỳ thống kê những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia tố tụng hành chính, thi hành án hành chính của các cơ quan trên địa bàn, phối hợp Cục Thi hành án dân sự Thành phố và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức thực hiện chế độ báo cáo định kỳ công tác thi hành án hành chính.
Quá trình tổ chức theo dõi thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận được sự quan tâm, quán triệt, chỉ đạo của UBND Thành phố, thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, giao trách nhiệm cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn Thành phố thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

Khó khăn: các vụ việc thi hành án hành chính còn tồn chủ yếu liên quan đến việc thi hành các bản án, quyết định trong lĩnh vực pháp luật về nhà ở, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm do liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế với giá trị rất lớn, có yếu tố lịch sử, pháp luật có nhiều thay đổi, khó đạt sự đồng thuận với người được thi hành án.
- Người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác THAHC trên địa bàn; hoặc một số đơn vị là người phải thi hành án không đồng tình với nội dung Bản án, đã kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và đang chờ trả lời của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến kéo dài quá trình thi hành án.
- Một số vụ việc quá trình tổ chức thi hành án gặp khó khăn vướng mắc có nguyên nhân do quá trình tham gia tố tụng, người bị khởi kiện chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật tố tụng hành chính, chưa tham gia đối thoại, chưa tham gia phiên toà, chưa tích cực cung cấp đầy đủ chứng cứ để Toà án xét xử, nên khi có bản án, quyết định không nắm được đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình, không chủ động, tích cực tự nguyện thi hành án, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định làm kéo dài thời gian thi hành án.
NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN
- Một số phán quyết của Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính, buộc người phải thi hành án thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định pháp luật. Bản án không tuyên rõ nội dung phải thi hành nên cơ quan THADS rất khó khăn trong việc theo dõi THAHC vì không rõ nội dung người phải thi hành án cần thực hiện những công việc gì và việc thực hiện đó đã đúng và đầy đủ chưa.
- Một số phán quyết của Tòa tuyên không rõ hoặc buộc UBND thực hiện lại việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung theo quy định …(không cụ thể hóa mức bồi thường, hỗ trợ) nên khi UBND thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ bổ sung thì người được thi hành án lại không đồng ý mức bồi thường, hỗ trợ; Cơ quan THADS không đủ cơ sở để đánh giá việc thực hiện của UBND đã đúng quy định hay chưa để kết thúc việc theo dõi THAHC dẫn đến vụ việc kéo dài.
- Thực tế nhiều trường hợp nội dung bản án tuyên người phải thi hành án phải thực hiện hành vi hành chính cụ thể, đề nghị người được thi hành án phải cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan để người phải thi hành án (là cơ quan nhà nước) thực hiện nhưng người được thi hành án không cung cấp nên người phải thi hành án không thể thực hiện hành vi hành chính theo nội dung án tuyên, nhưng không có cơ chế để xếp loại mặc dù đây là nguyên nhân khách quan không phải do lỗi của người phải thi hành án.
- Nhiều vụ việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho rất nhiều hộ dân (đã giải quyết xong), nay thực hiện theo nội dung án tuyên theo hướng có lợi cho một hoặc một vài hộ dân có yêu cầu khởi kiện với giá trị bồi thường, hỗ trợ đươc tính lại cao hơn, là khó khăn rất lớn cho các cơ quan hành chính là người phải thi hành án, do thực tế giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả hàng loạt hộ dân khởi kiện yêu cầu tính lại giá trị bồi thường, sẽ phát sinh hậu quả với mức phí phải hỗ trợ rất lớn tại địa phương.
- Một số vụ việc nhận định của Tòa và các cơ quan chuyên môn về các lĩnh vực cụ thể có sự khác nhau về áp dụng quy định pháp luật nên rất khó để thi hành. Cụ thể: nhiều trường hợp vụ việc có tình tiết pháp lý như nhau nhưng bản án tuyên khác nhau dẫn đến người phải thi hành án phải thực hiện việc đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm làm kéo dài thời gian thi hành án. Hoặc nội dung bản án tuyên khác với kết luận của các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra đối với vụ việc làm cho cơ quan phải chấp hành án, cũng là cơ quan phải chấp hành kết luận của cơ quan thanh tra lúng túng, phải xin ý kiến hướng dẫn làm kéo dài quá trình thi hành.
Có trường hợp bản án hành chính sơ thẩm bác yêu cầu của người khởi kiện, công nhận quyết định hành chính. Sau đó, bản án hành chính phúc thẩm công nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy quyết định hành chính. Thi hành bản án phúc thẩm, cơ quan nhà nước đã chi trả tiền bồi thường cho người khởi kiện, đồng thời đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị bản án hành chính phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm. Kết quả giám đốc thẩm hủy bản án hành chính phúc thẩm, bác yêu cầu khởi kiện, công nhận bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, người khởi kiện không trả lại tiền bồi thường đã nhận trước đó khi thi hành bản án hành chính mặc dù cơ quan nhà nước đã yêu cầu nhiều lần. Với thực tiễn này, việc thi hành án hành chính, nhất là liên quan đến chi trả tiền bồi thường hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (đất do nhà nước quản lý), trả lại nhà đã được xác lập sở hữu nhà nước cho cá nhân, các cơ quan hành chính có sự xem xét, đề nghị người có thẩm quyền kiến nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án đã có hiệu lực để có kết quả phán quyết cuối cùng, hạn chế hậu quả đã thi hành theo bản án (chi trả tiền bồi thường, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất, trả nhà cho cá nhân) nhưng sau đó khó khắc phục hậu quả thất thoát tài sản nhà nước (khó truy thu được tiền từ đã chi cho người dân; tài sản đã chuyển nhượng cho người thứ ba).
- Một số bản án có nội dung thực hiện lại việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên thực tế rất khó khăn để thực hiện, bởi rất nhiều dự án đã thực hiện từ nhiều năm trước đây, hiện không còn sẵn quỹ đất để bố trí tái định cư theo nội dung Bản án, nên vướng mắc khó khăn chưa thể thi hành án.


 

Các tin đã đưa ngày: