Tham dự buổi giám sát có các đồng chí thành viên Đoàn giám sát của Ban pháp chế Hội đồng nhân thành phố, các đồng chí trong Ban Lãnh đạo Cục cùng các đồng chí Trưởng, Phó Phòng chuyên môn của Cục và một số phóng viên báo, đài tham gia đưa tin.
Đồng chí Nguyễn Văn Lực- Cục trưởng đã báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ và kết quả công tác năm 2015 của ngành Thi hành án dân sự Thành phố.
Năm 2015, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, những hậu quả của suy thoái kinh tế những năm trước vẫn còn tác động đến công tác thi hành án dân sự như: tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết triệt để, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc, các tranh chấp dân sự, kinh tế phát sinh, nhiều vụ việc phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Vì vậy, công tác Thi hành án dân sự tại thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, tổng số thụ lý về việc, về tiền tiếp tục tăng cao đã tạo áp lực lớn đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự (Tổng số thụ lý năm 2015 là 90.271 việc, với số tiền trên 48.365 tỷ đồng (trong đó thụ lý mới 28.044 tỷ đồng, tăng 10.908 tỷ đồng, tương đương 63,66% so với năm 2014). Bên cạnh đó, tình trạng tài sản kê biên không bán được vẫn còn xảy ra; số lượng biên chế còn thiếu, chất lượng không đồng đều; phát sinh nhiều vướng mắc về nghiệp vụ tác động trực tiếp đến hoạt động giải quyết án ... nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự và sự chỉ đạo bằng các giải pháp thiết thực của lãnh đạo thành phố, kết quả Thi hành án dân sự tại thành phố tiếp tục có sự chuyển biến về chất, tiếp tục khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế:
Kết quả thi hành án
- Về việc: Tổng số thụ lý: 90.271 việc (tăng 956 việc so với năm 2014, tương đương 1,07%). Số có điều kiện thi hành: 66.681 việc (chiếm 74%); Số chưa có điều kiện thi hành: 23.590 việc (chiếm 26%). Đã thi hành xong: 59.082việc/số có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 88,60%. So với chỉ tiêu 88% về việc Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh vượt 0,6%. Đã thi hành xong: 11.892,2 tỷ đồng/số có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 75,98%. So với chỉ tiêu 77% về việc Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu 1,02%.
Số việc chuyển kỳ sau là 31.189 việc, tăng 1.049 việc, tương đương 3,48% so với số việc còn phải giải quyết của năm 2014 chuyển sang năm 2015. So với kết quả thực hiện chỉ tiêu này năm 2014 (tăng 15,18%), đã giảm được 11,7% số việc chuyển kỳ sau.
- Về tiền: Tổng số thụ lý: 48.365,6 tỷ đồng (tăng 15.905,4 tỷ đồng so với năm 2014, tương đương 49%). Số có điều kiện thi hành : 15.651,3 tỷ đồng (chiếm 32%); Số chưa có điều kiện thi hành : 32.714,2 tỷ đồng (chiếm 68%). Đã thi hành xong: 11.892,2 tỷ đồng/số có điều kiện giải quyết, đạt tỷ lệ 75,98%. So với chỉ tiêu 77% về việc Bộ Tư pháp giao, thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu 1,02%.
Trong bối cảnh kinh tế thành phố và cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc, số thụ lý mới về thi hành án dân sự tăng cao cả về việc và tiền so với năm trước, song các cơ quan thi hành án dân sự của Thành phố đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ: Số việc, tiền thi hành án xong đều cao hơn năm 2014 và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; việc ra quyết định thi hành án được quan tâm, chỉ đạo kịp thời hơn; công tác phân loại án tiếp tục được chú trọng; những thiếu sót, vi phạm trong thi hành án dân sự được chấn chỉnh, khắc phục. Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, củng cố; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường, đặc biệt là việc tập trung chấn chỉnh, xử lý đối với những đơn vị còn hạn chế, yếu kém. Các mặt công tác khác cũng được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Từ đó, đã tạo ra sự chuyển biến cơ bản trong công tác Thi hành án dân sự, làm tiền đề cho những năm tiếp theo và từng bước xây dựng cơ quan Thi hành án dân sự thành phố trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trong buổi giám sát, các thành viên trong đoàn cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự làm rõ tình hình và những giải pháp giải quyết đối với các vụ việc có điều kiện giải quyết trên 03 năm nhưng chưa giải quyết xong; tình hình chuyển giao Bản án, Quyết định giữa cơ quan Tòa án với cơ quan thi hành án; việc thực hiện chỉ tiêu ra quyết định thi hành án đúng thời hạn quy định; công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; việc trang bị cơ sở vật chất, tình hình xây dựng trụ sở, kho vật chứng, trang thiết bị, phương tiện công tác; công tác phối hợp trách nhiệm trong công tác thi hành án; việc tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại…
Kết thúc buổi giám sát, đồng chí Trưởng đoàn giám sát chia sẽ những khó khăn của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố, đồng thời biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của lãnh đạo và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự. Đồng chí Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh các cơ quan Thi hành án dân sự cần chú ý thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Phải nhận định đầy đủ những hạn chế, tồn tại trong năm 2015 để tập trung khắc phục trong năm công tác 2016; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các ngành Tòa án nhân dân,Viện Kiểm sát nhân dân và lực lượng Công an; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án; triển khai tốt hoạt động kiểm tra và tự kiểm tra đối với các cơ quan Thi hành án dân sự của thành phố; tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện nhưng kéo dài nhiều năm, những vụ việc liên quan đến ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban nhân dân Thành phố; chú ý làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo chặt chẽ về thời gian, trình tự thủ tục theo quy định.
Đáp từ ý kiến kết luận của đồng chí Trưởng Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Lực- Cục trưởng Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đồng chí Trưởng Đoàn và các thành viên của Đoàn giám sát. Đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm hơn của của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố và Cấp ủy, chính quyền các quận huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong thi hành án dân sự; bố trí mặt bằng xây dựng trụ sở, kho vật chứng; và tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự của cơ quan, tổ chức và công dân … để giúp các cơ quan Thi hành án dân sự của thành phố hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí Trưởng Đoàn giám sát cũng thông báo: Sau khi thực hiện việc giám sát, Ban Pháp chế Hội đồng nhận dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành văn bản kết luận và sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của Cục Thi hành án dân sự.