Sign In

Đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh

15/09/2020

Đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh
Năm 2020, công tác thi hành án gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính, cơ bản đạt các mục tiêu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án từ ngày 1/10/2019 đến ngày 31/7/2020 tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTV QH) sáng 14/9.
 
Thi hành xong 425.859 việc, đạt tỉ lệ 65,94% 
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, trong công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), Chính phủ đã ban hành 1 Nghị định; Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ban hành 6 Thông tư. Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quan trọng liên quan đến THADS. Về kết quả, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tổng số việc phải thi hành là 794.525 việc; số có điều kiện thi hành án là 645.782 việc; thi hành xong 425.859 việc, đạt tỉ lệ 65,94%. Tổng số tiền phải thi hành là trên 264.085 tỷ đồng; số có điều kiện thi hành là hơn 159.846 tỷ đồng; thi hành xong trên 41.554 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 26%. Số chuyển kỳ sau là 368.666 việc, tương ứng với hơn 222.531 tỷ đồng; đã đề nghị xét miễn, giảm 2.825 việc, với số tiền trên 23 tỷ đồng; được xét miễn, giảm 2.348 việc, tương ứng với số tiền trên 21 tỷ đồng.
Về các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong là 3.545 việc, thu được số tiền trên 26.272 tỷ đồng. Về kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, đã thi hành xong 2.584 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 61,95%; thu được số tiền là trên 11.390 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 23,25%. Về áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế trong THADS, các cơ quan THADS đã ra 8.292 quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, tương ứng số tiền hơn 3.190 tỷ đồng; đã thực hiện cưỡng chế có huy động lực lượng đối với 3.074 trường hợp, giảm 1.299 trường hợp. Đối với công tác phối hợp thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tại trại giam, trại tạm giam, đã thi hành xong 35.886 việc, thu được hơn 2.201 tỷ đồng.
Trong 10 tháng năm 2020, Bộ Tư pháp và các cơ quan THADS đã tiếp 8.121 lượt công dân; tiếp nhận 6.643 đơn khiếu nại, tố cáo, giảm 24% so với năm 2019; đã giải quyết xong 2.008 việc/2.232 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 89,96%. Về công tác bồi thường nhà nước, đã giải quyết xong/kết thúc giải quyết bồi thường 14 vụ việc. Về kết quả theo dõi THAHC, đã tiếp nhận 1.807 bản án, quyết định về hành chính; thực hiện theo dõi 716 việc; ra thông báo tự nguyện thi hành án đối với 473 việc; đăng tải công khai 121 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 239 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 38 trường hợp. Thi hành xong 244/716 vụ việc, tăng 29 việc so với cùng kỳ. Đã thi hành xong 42/50 việc người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND. Tổ chức, bộ máy cơ quan thi hành án tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng. 
Xử nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ thi hành án
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như kết quả thi hành án về việc, về tiền tại một số địa phương chưa cao; kết quả THAHC vẫn đạt thấp so với yêu cầu; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; ý thức chấp hành pháp luật của đương sự chưa cao, nhiều vụ việc, người phải thi hành án trốn tránh, chây ỳ, chống đối người thi hành công vụ, trong khi chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để răn đe. Những tồn tại, hạn chế nói trên được xác định là do tình hình hạn hán, dịch bệnh Covid-19 nên một số hoạt động của các cơ quan THADS bị gián đoạn; số lượng bản án, quyết định về vụ án hành chính phải thi hành tăng cao; số tiền phải thi hành theo các bản án, quyết định trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế rất lớn (chiếm 28,68% về tiền so với tổng số phải thi hành), trong khi đó, phần lớn người phải thi hành án không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án…
Về hoạt động Thừa phát lại, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện, toàn quốc có 97 Văn phòng Thừa phát lại tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 625 Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 587.835 văn bản; lập 47.103 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án 5 việc; thụ lý tổ chức thi hành án 14 vụ việc. Tổng doanh thu của hoạt động Thừa phát lại toàn quốc đạt hơn 99,5 tỷ đồng. Trong số các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện có trách nhiệm, nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành các nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC được giao, đặc biệt tập trung thi hành các vụ việc trọng điểm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc tín dụng, ngân hàng…
Về kiến nghị, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị các cơ quan của QH, các Đoàn đại biểu QH, Đại biểu QH, HĐND, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền, theo chuyên đề đối với công tác THADS, THAHC, thi hành án hình sự; việc điều tra, truy tố, xét xử  và thi hành các vụ án lớn, tham nhũng; đề nghị QH bố trí ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho việc triển khai các dự án đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho các cơ quan THADS, nhất là các kho vật chứng. Cùng với đó, Bộ trưởng Long đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi khi thi hành án; kiểm sát chặt chẽ hoạt động THADS ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án; phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án…
 


Theo Cổng TTĐT Bộ Tư Pháp

Các tin đã đưa ngày: