Sign In

Thí điểm chế định Thừa phát lại cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp

30/06/2015

Vĩnh Phúc là một trong 13 địa phương được Trung ương chọn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại . Việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại ở tỉnh trong thời gian qua nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham mưu tích cực của Sở Tư pháp vì vậy, đã đạt được kết quả tích cực.

Phóng viên Bạch Dương có cuộc phỏng vấn với đồng chí Trần Diện, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Thường trực BCĐ thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Vĩnh Phúc. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Hoạt động Thừa phát lại là nội dung tương đối mới song mặt tích cực, hiệu quả của chế định này mang lại là rõ ràng. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả sơ bộ thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh đến nay?

Ngay sau khi được Trung ương lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai ở địa phương như: Thông tri 25-TU/TT ngày 25/12/2013 về lãnh đạo việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; Chỉ thị số 05/2014/CT-UBND ngày 16/5/2014 về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại; Kế hoạch số 5895/KH-UBND ngày 16/10/2013 về triển khai thực hiện Đề án thí điểm chế định thừa phát lại tại tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 2700/QĐ-CT ngày 01/10/2013 về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 294/QĐ-CT ngày 4/2/2015 về kiện toàn Ban chỉ đạo; Kế hoạch số 297/KH-UBND 17/01/2014 tuyền truyền pháp luật về Thừa phát lại; Kế hoạch số 1630/KH-UBND ngày 27/3/2015 về tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm chế định Thừa phát lại năm 2015…Đặc biệt, sau một năm triển khai thực hiện thí điểm, UBND tỉnh cũng đã tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo Trung ương.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua ở tỉnh đã khẳng định sự quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lãnh đạo thực hiện thí điểm; các ngành, các cấp có sự phối hợp thống nhất, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, việc thí điểm chế định Thừa phát lại đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân trong tỉnh và dư luận xã hội nói chung.

Đến nay, UBND tỉnh đã cho phép thành lập đủ 3 Văn phòng thừa phát lại tại Vĩnh Yên, Phúc Yên và Vĩnh Tường theo Đề án được duyệt. Tổng số Thừa phát lại của tỉnh là 4 người, thư ký nghiệp vụ là 9 người, hoạt động Thừa phát lại đã đạt được những kết quả bước đầu trên các lĩnh vực: Lập Vi bằng, Tống đạt giấy tờ của TAND và cơ quan Thi hành án dân sự các cấp; Xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Cụ thể, các văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 3168 văn bản của cơ quan THADS trong tỉnh. Doanh thu 193.561.051 đồng. Tống đạt 1733 văn bản của cơ quan TAND. Doanh thu 104.280.000 đồng ; lập và đăng ký tại Sở Tư pháp tổng số 106 vi bằng, tổng doanh thu là 134.500.000 đồng; xác minh điều kiện thi hành án 18 việc; tổ chức thi hành án 02 vụ.

Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp được Đảng, Nhà nước đề ra trong những năm qua đồng thời giải quyết kịp thời nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, giúp các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự tập trung nhiều thời gian, con người cho công tác xét xử, thi hành án.

- Hiện tại việc thí điểm thực hiện chế định Thừa phát lại đang gặp phải những khó khăn gì?

Công tác tuyên truyền về Thừa phát lại triển khai chưa kịp thời và gặp khó khăn, do Thừa phát lại là một chế định mới, khái niệm Thừa phát lại và quản lý nhà nước về Thừa phát lại còn xa lạ với cán bộ và nhân dân, do đó ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hiểu biết, chất lượng công tác tham mưu và tổ chức thực hiện Kế hoạch đến các ngành, các cấp, cán bộ, nhân dân và chính những người đăng ký hành nghề Thừa phát lại ở địa phương, trong khi đó, thể chế pháp luật về Thừa phát lại chưa đầy đủ, chưa phù hợp, mới chỉ dừng lại ở Nghị định và Thông tư. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động tuyên truyền về Thừa phát lại của địa phương chủ yếu lồng ghép, chưa được cấp phục vụ cho hoạt động thí điểm; Việc đảm bảo nguồn nhân lực quản lý Thừa phát lại từ lực lượng cán bộ bổ trợ tư pháp của Sở Tư pháp gặp khó khăn do biên chế ít, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại còn kiêm nhiệm.

- Thực tế cho thấy một số Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ chưa thật vững về chuyên môn và nghiệp vụ nên còn lúng túng trong tác nghiệp, đặc biệt trong xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự, người được thi hành án còn e ngại, chưa thật sự tin tưởng vào khả năng thi hánh án của các Văn phòng Thừa phát lại. Đây là nhận thức tương đối phổ biến. Trong thời gian tới, những vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào?

Như ở trên tôi đã nói, đây là một chế định mới, mới ngay cả với những người hành nghề Thừa phát lại. Do vậy, cần phải có quá trình để người dân tiếp cận chế định mới này một cách đầy đủ, đối với các Thừa phát lại, do là mới nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thừa phát lại sẽ không tránh khỏi những lúng túng, để khắc phục những hạn chế trên, với tư cách là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, trong thời gian tới Sở Tư pháp sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về Thừa phát lại, tập huấn pháp luật về Thừa phát lại, đặc biệt là tổ chức cho các Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại đi học tập kinh nghiệm tại một số địa phương đã có quá trình triển khai. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về Thừa phát lại về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại phải tích cực quảng bá về hoạt động của mình để giúp người dân có điều kiện để tìm hiểu và sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp.

- Thực hiện chế định Thừa phát lại là một phần quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tỉnh đã có những bước chuẩn bị như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực hiện mở rộng?

Đây là chủ trương quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, trên cơ sở kết quả tổng kết, Trung ương sẽ có những bước đi thích hợp. Về phía địa phương, với chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về Thừa phát lại, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu UBND tỉnh để tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại cho đội ngũ Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tư pháp; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về Thừa phát lại, đặc biệt bố trí đủ các nguồn lực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về Thừa phát lại./.

Xin cảm ơn đồng chí.

Tác giả: Bạch Dương

Các tin đã đưa ngày: