Sign In

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 69 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (19/7/1946-19/7/2015)

16/07/2015

                         CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
 
          Ngày 05 tháng 3 năm 2013, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 7 hàng năm là  “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”. Sự kiện này đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Ngành Thi hành án dân sự của cả nước. Trong 69 năm, ngành Thi hành án dân sự trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng như sau:
Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1950
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án, Theo đó, hoạt động thi hành án dân sự là một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã – một đơn vị tổ chức của chính quyền cách mạng gắn liền với Tòa án và hoạt động xét xử thực hiện.
Giai đoạn từ năm 1950-1980
          Ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 85/SL về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng” tạo nên sự thay đổi có tính chất bước ngoặt trong tổ chức và hoạt động tư pháp nói chung và tổ chức, hoạt động THADS nói riêng. Điều 19 của Sắc lệnh quy định “ Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của Biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ mà chính Tòa án huyện hay Tòa án trên đã tuyên”. Theo quy định này, việc THADS do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây được thay thế bằng Thẩm phán huyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án, sự kiện này đã làm thay đổi căn bản cơ chế tổ chức, hoạt động THADS. THADS từ chỗ căn cứ vào yêu cầu của đương sự đã trở thành trách nhiệm của Nhà nước. Tòa án chủ động THADS mà không chỉ yêu cầu của người được THA.
          Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức TAND năm 1960, Điều 24 Luật này xác định “Tại các TAND địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án và quyết định hình sự”. Vấn đề vị trí, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên Chấp hành án được xác định rõ trong các trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động THADS. Ngày 13/10/1972, Chánh án Tòa án nhân dân Tối Cao đã ra Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, tên gọi “Chấp hành viên” ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.
          Nhà nước không tổ chức cơ quan THADS riêng mà chỉ đặt “Chấp hành viên” tại các Tòa án địa phương để thực hiện chuyên trách việc THADS. Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định về dân sự, những khoản xử phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường hoàn trả tài sản trong các bản án, quyết định hình sự, giúp Chánh án Tòa án nhân dân đôn đốc, kiểm tra công tác THA tại Tòa án nhân dân cấp dưới. Chấp hành viên thực thi nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Chánh án tòa án nơi mình công tác không có quyền trực tiếp chỉ đạo công tác của Chấp hành viên Tòa án cấp dưới.
          Ngoài ra pháp luật cũng quy định trách nhiệm của Ủy ban hành chính xã, phường cùng các cơ quan có liên quan trong việc hỗ trợ THA, Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân(Điều 7 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân). Thông tư số 442-TC ngày 4/7/1968 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc đẩy mạnh công tác THA đã xác định nhiệm vụ của chính quyền cấp xã là giáo dục, theo dõi đôn đốc đương sự tự nguyện THA, giúp Tòa án điều tra tình hình trong quá trình THA. Để đưa công tác THA từng bước đi vào nề nếp, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành điều lệ tạm thời về công tác THA. Công văn số 827/CV ngày 23/10/1979 quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục THA. Nét đặc trưng trong nội dung quy định của Điều lệ tạm thời cũng như các văn bản pháp luật trong thời kỳ này là khẳng định trách nhiệm chủ động của Nhà nước(tòa án), đối với việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án; đồng thời tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại của đương sự chỉ chờ vào sự bao cấp của Nhà nước.
          Giai đoạn từ năm 1981-1992
          Với sự ra đời của Hiến pháp năm 1980, hàng loạt các đạo luật về tổ chức của bộ máy của Nhà nước cũng được ban hành, nhằm kiện toàn bộ máy Nhà nước, phân định rõ chức năng của từng loại cơ quan, tăng cường hiệu lực của quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Điều 16 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã giao cho Bộ tư pháp (mới được thành lập sau hơn 20 năm giải thể) đảm nhiệm công tác quản lý Tòa án nhân dân đị phương về mặt tổ chức. Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng bộ trưởng(nay là Chính phủ) về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp đã quy định: Bộ Tư pháp có chức năng quản lý Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó gồm cả việc quản lý công tác THADS. Theo Nghị định này, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ “trình Hội đồng bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy chế chấp hành án”. Tòa án nhân dân Tối cao đã bàn giao nhiệm vụ quản lý công tác THA trong phạm vi cả nước sang Bộ Tư pháp bắt đầu từ 01/01/1982. Ngày 18/7/1982, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao đã ký thông qua Thông tư liên ngành số 472 về “quản lý công tác THA trong thời kỳ trước mắt” quy định: ở địa phương tại các Tòa án cấp tỉnh có phòng THA nằm trong cơ cấu bộ máy và biên chế của Tòa án để giúp Chánh án chỉ đạo công tác THA; ở các Tòa án cấp huyện có Chấp hành viên hoặc cán bộ làm công tác THA dưới sự chỉ đạo của Chánh án. Việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực thi nhiệm vụ của Chấp hành viên vẫn do Chánh án Tòa án cùng cấp đảm nhiệm như đã quy định trong quyết định 186-TC ngày 13/10/1972. Biên chế của Tòa án nhân dân địa phương do Bộ Tư pháp phân bổ, căn cứ vào nhu cầu của công tác THA, Chánh án Tòa án cấp tỉnh số lượng và bổ nhiệm Chấp hành viên hoặc cử cán bộ làm công tác THA của Tòa án mình và Tòa án cấp dưới. Cơ chế quản lý công tác THA đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp và Tòa án từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là giữa các cơ quan tư pháp và Tòa án địa phương nơi công tác THA được trực tiếp thực hiện.
          Có thể thấy rằng, trong thời kỳ này tổ chức bộ máy cũng như nguyên tắc hoạt động của cơ quan THA chưa được chủ trọng. Cơ chế quản lý và tổ chức THA chưa tạo được vị trí của Chấp hành viên tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra; mặt khác, tổ chức và hoạt động THA là một giai đoạn khép kín trong Tòa án và tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân địa phương. Vai trò của Tòa án nhân dân Tối cao (và tiếp đó là Bộ Tư pháp từ 1981 đến 1992) trong việc quản lý Tòa án địa phương mới dừng lại ở vai trò quản lý chung, còn thực chất việc quản lý đội ngũ cán bộ Tòa án cũng như việc xây dựng đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động xét xử, THA do chính quyền địa phương đảm nhiệm. Ngày 28 tháng 8 năm 1989, Pháp lệnh Thi hành án dân sự, lần đầu tiên đã được ban hành, đặt cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án dân sự. Tiếp theo đó, ngày 06 tháng 3 năm 1990, Quy chế chấp hành viên được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Với những văn bản pháp lý này, cơ chế Thi hành án đã có bước chuyển biến căn bản, đương sự vừa có quyền tự định đoạt trong việc Thi hành án, song cơ quan thi hành án cũng có quyền chủ động thi hành án trong những trường hợp nhất định nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân.
         Giai đoạn từ năm 1993 đến nay
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX ngày 06 tháng 10 năm 1992 đã thông qua Nghị quyết về việc bàn giao công tác Thi hành án dân sự từ Tòa án sang các cơ quan của Chính phủ. Vì vậy từ 01/7/1993 các cơ quan thi hành án dân sự chính thức được thành lập. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 có hiệu lực ngày 01/6/1993 thay thế Pháp lệnh thi hành án năm 1989 đã qui định cấp tỉnh có Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp, cấp huyện có Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp. Đến năm 2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Pháp lệnh qui định cấp tỉnh có Thi hành án dân sự tỉnh, cấp huyện có Thi hành án dân sự cấp huyện.
Để tiếp tục củng cố và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả, ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Theo đó, hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự được xác định rõ hơn theo nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Ở Trung ương, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước và quản lý chuyên ngành về Thi hành án dân sự; cấp tỉnh có Cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự và cấp huyện có Chi cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự. Từ đây, công tác thi hành án dân sự trong cả nước có nhiều chuyển biến mới, số lượng, chất lượng đội ngũ công chức được nâng lên rõ rệt, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn của công chức có sự chuyển biến mạnh mẽ, kết quả thi hành án dân sự về việc và về tiền đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, giảm thiểu số lượng án tồn đọng từ năm trước, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đi vào nề nếp, bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức và của công dân;góp phần giữ vững ổn định xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
                                                                                              
                                                                                                                             L.C

Các tin đã đưa ngày: