Sign In

Bàn về các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp

09/06/2016

Trong thời gian tới, để ngành Tư pháp thật sự phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh các giải pháp khác thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng để công tác này thật sự trở thành động lực, đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và việc nghiên cứu, áp dụng, thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp đóng một vai trò rất quan trọng.
Đứng trước những yêu cầu mới, thách thức mới của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn cả nước đang bước nhanh, bước mạnh, bước vững chắc vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tiến tới hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì vai trò, nhiệm vụ của ngành Tư pháp ngày càng mở rộng. Trong thời gian tới, để ngành Tư pháp thật sự phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh các giải pháp khác thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng để công tác này thật sự trở thành động lực, đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và việc nghiên cứu, áp dụng, thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp đóng một vai trò rất quan trọng.

Một là, không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tư pháp.

Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng mà các đơn vị cần quán triệt và có biện pháp thực hiện hiệu quả. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; cần thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, không trọng tâm, không đúng đối tượng. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn ngành Tư pháp nói chung và mỗi đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp nói riêng.

Hai là, cần tạo sự thống nhất về tư tưởng trong việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành Tư pháp.

Việc thống nhất cao về tư tưởng trong lãnh đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ các mặt công tác nói chung và công tác thi đua, khen thưởng nói riêng đóng một vai trò quan trọng. Nó chính là “bộ não” có tác dụng điều khiển, tạo nên động lực phấn đấu đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tư pháp, là tiền đề cơ bản, quan trọng nhất trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, thành công công tác này. Không thể phát động phong trào thi đua, phát huy được tác động tích cực của việc khen thưởng, noi gương sáng điển hình tiên tiến, hay lấy thi đua, khen thưởng làm động lực, đòn bẩy để thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc, xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao nếu tư tưởng không nhất quán, thông suốt, rõ ràng và đúng đắn.
Chính vì vậy, để công tác thi đua, khen thưởng phát huy tính tác động tích cực của nó cần có sự thống nhất cao về mặt tư tưởng, các cấp ủy, chi bộ Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với công tác thi đua khen thưởng; các tổ chức đoàn thể cần phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt để công tác thi đua khen thưởng phát triển đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì; mỗi đơn vị cần xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xác định tư tưởng thi đua, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, trong các lĩnh vực của đời sống, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt, hoàn thiện bản thân, hướng tới đạt chuẩn của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp đã được ban hành.

Ba là, nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Bên cạnh sự lãnh đạo sâu sát của Cấp ủy, Chi bộ, lãnh đạo các đơn vị, sự thống nhất trong tư tưởng và hành động trong chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua thì trách nhiệm, sự nỗ lực, ý thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung của toàn Ngành. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua các hình thức phù hợp như có văn bản triển khai sâu rộng đến các đơn vị trực thuộc, tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác thi đua khen thưởng, tổ chức các cuộc thi viết về chủ đề thi đua khen thưởng,… Qua đó, nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, công chức,viên chức ngành Tư pháp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mình đối với công tác này.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua trong ngành Tư pháp theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của từng đơn vị.

Có như thế, công tác thi đua, khen thưởng mới thật sự được triển khai, tổ chức thực hiện một cách sâu rộng, có hiệu quả và phát huy được vai trò tác động tích cực của nó đối với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và ngày một nâng tầm vị thế của ngành Tư pháp trong thời kỳ mới. Chính vì vậy, trên cơ sở đặc điểm, tình hình của từng đơn vị mà cần có biện pháp phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có trọng tâm với các chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, có thể lựa chọn mô hình, cách làm điểm để chỉ đạo. Phát huy vai trò định hướng chỉ đạo của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, của Cấp uỷ, tổ chức Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội ở từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào thi đua, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác ở từng cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, việc kiện toàn bộ máy máy làm công tác thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp các cấp nhằm tạo sự thống nhất, ổn định từ Trung ương đến địa phương cũng đóng một vai trò rất quan trọng bởi nó quyết định đến tiến độ, chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của Ngành. Với yêu cầu cơ bản là bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng cần được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công trong tình hình mới thì Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng Sáng kiến các đơn vị cần phát huy tốt vai trò của mình, đồng thời phải được thường xuyên kiện toàn để phù hợp với các quy định của Luật thi đua, khen thưởng và đảm bảo chất lượng hoạt động hiệu quả hơn, sâu sát hơn; cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác này của từng đơn vị phải có năng lực, trình độ phù hợp; có khả năng tổng hợp, xử lý thông tin nhanh; phải thật sự là người mẫu mực về phẩm chất, năng lực, trình độ, văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn mới có thể làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo về công tác thi đua, khen thưởng đang ngày một có nhiều thay đổi để hoàn thiện, hợp lý, và hiệu quả hơn.

Năm là, quan tâm xây dựng các gương điển hình tiên tiến và đổi mới công tác khen thưởng.

Việc phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” phải được đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho các cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến để có hình thức biểu dương và nhân rộng, noi gương trong toàn Ngành như những “ngọn cờ đầu”, những “tấm gương sáng”, tạo được sự lan tỏa cần thiết trong mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng và toàn ngành Tư pháp nói chung.
Tuy nhiên, việc đổi mới công tác khen thưởng phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, rõ ràng, hợp lý trên cơ sở coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; chú trọng khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn hay những tập thể, cá nhân có tinh thần sáng tạo, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ; đặc biệt chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp, phối hợp hiệu quả đối với công tác tư pháp tại địa phương bằng các hình thức phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành Tư pháp.
Cần lưu ý rằng việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi, khích lệ và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn.

Sáu là, cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Cần thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, biện pháp này cần được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương với nhiều hình thức, cách thức linh động, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, từng địa phương, cụ thể: các đơn vị có thể ban hành các văn bản triển khai hướng dẫn, tổ chức thực hiện một cách cụ thể trên cơ sở các văn bản do Bộ Tư pháp ban hành; hay tổ chức Hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề dành riêng cho lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng tại các đơn vị về các quy định, văn bản hướng dẫn mới, các quy trình, thủ tục còn chưa rõ ràng; cũng có thể thành lập các đoàn kiểm tra về công tác thi đua khen thưởng để kiểm tra tại cơ sở nhằm kịp thời phát hiện những sai sót và có biện pháp hướng dẫn, chấn chỉnh; đặc biệt các đơn vị có thể tạo lập nên 1 chuyên trang trực tuyến để các cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng có thể trao đổi, học tập và tham khảo ý kiến của nhau một cách dễ dàng, thuận lợi hơn. Từ đó, công tác thi đua, khen thưởng sẽ dần dần có được sự thống nhất cao độ và hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện các phong trào thi đua.
Có thể khẳng định việc phát huy tổng hợp các giải pháp trên sẽ là sự lựa chọn mang lại kết quả tốt nhất mà các đơn vị cần nghiên cứu áp dụng để ngày một nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng của từng đơn vị nói riêng và của ngành Tư pháp nói chung, từ đó tạo nên những động lực, nền tảng cơ bản để toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và ngày càng vươn lên những tầm cao mới trước những yêu cầu mới của nền kinh tế đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển.
 
Nguồn: Cổng thông tin Bộ Tư pháp
 

Các tin đã đưa ngày: