Ngày 24/01/1946, năm tháng sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, quy định về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 của Sắc lệnh quy định: Ban Tư pháp xã có quyền “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Đây chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự trong chế độ mới; tiếp đó ngày 19/7/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Đến năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về “cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng” quy định thẩm phán huyện dưới sự kiểm sát của biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính toà án huyện hay toà án trên đã tuyên. Như vậy, theo quy định này, việc thi hành án dân sự do Thừa phát lại và Ban Tư pháp xã thực hiện trước đây đã được chuyển giao cho thẩm phán huyện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án. Đó là sự thay đổi trong cơ chế thi hành án, từ cơ chế theo yêu cầu của bên được thi hành án sang cơ chế toà án chủ động thi hành án. Sự thay đổi này là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, phù hợp với cơ chế tổ chức, quản lý xã hội của Nhà nước trong thời chiến. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện nhiệm vụ thi hành án độc lập mà vẫn chỉ coi thi hành án là một chức năng của thẩm phán. Điều này rất khó cho công tác quy hoạch, đào tạo, chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ thi hành án.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng, bước vào khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, đồng thời là hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, mở ra một cuộc cải cách sâu rộng bộ máy nhà nước, trong đó có bộ máy các
cơ quan tư pháp. Để cụ thể hoá Hiến pháp, năm 1960, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức toà án, quy định tại các Toà án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định hình sự.
Ngày 18 tháng 12 năm 1980, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ hoà bình, đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng khi đất nước ta chuyển mình sang một giai đoạn mới: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước. Hiến pháp năm 1980 đã đưa ra yêu cầu Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 12). Với tinh thần thượng tôn pháp luật đó, Hiến pháp năm 1980 lần đầu tiên đã ghi nhận thành nguyên tắc hiến định về giá trị thi hành của các bản án, quyết định: Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm túc chấp hành (Điều 137). Đây là bước ngoặt quan trọng, tác động mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển hoạt động thi hành án dân sự.
Pháp lệnh Thi hành án dân sự đầu tiên được ban hành ngày 28 tháng 8 năm 1989, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta nói chung và lĩnh vực thi hành án dân sự nói riêng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường, hoàn thiện tổ chức và hoạt động thi hành án. Trên cơ sở đó,
Quy chế Chấp hành viên đã được ban hành kèm theo Nghị định số 68/HĐBT ngày 06 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Mặc dù Bộ Tư pháp được giao chức năng quản lý nhà nước công tác thi hành án, song đội ngũ chấp hành viên vẫn thuộc biên chế của các toà án; chánh án là người trực tiếp chỉ đạo về nghiệp vụ, mọi quyết định quan trọng trong thi hành án đều do chánh án quyết định. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của toà án nhưng thực tế chỉ là người thừa hành sự chỉ đạo của chánh án mà không có quyền năng thực sự để đảm bảo thực thi nhiệm vụ của mình. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, tuyển dụng và các chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ chấp hành viên chưa được quan tâm đúng mức, lại thường xuyên bị xáo trộn, vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng; tình trạng tồn đọng án dân sự chưa được thi hành không được khắc phục, trở thành mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội khoá IX đã ra Nghị quyết thực hiện việc chuyển công tác thi hành án dân sự từ Toà án sang Chính phủ. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 21/4/1993, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá IX) đã thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/6/1993 (Pháp lệnh năm 1993). Trên cơ sở Pháp lệnh năm 1993, hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự đã được xây dựng trong cả nước; đội ngũ
chấp hành viên đã được quy hoạch, kiện toàn, do Chính phủ thống nhất quản lý; chấp hành viên trở thành một chức danh tư pháp độc lập, có địa vị pháp lý rõ ràng, theo nguyên tắc: chỉ có chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự mới có thẩm quyền tổ chức việc thi hành án dân sự, điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong tiến trình cải cách nền Tư pháp Việt Nam, hoà cùng sự phát triển chung của cả nước.
Để thi hành thống nhất một số quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993, Thông tư liên ngành giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được ban hành làm cơ sở hướng dẫn thực hiện việc bàn giao công tác thi hành án dân sự. Tại thời điểm bàn giao, nhìn chung các cơ quan thi hành án dân sự nói chung và các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn: Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái với tổng số 04 biên chế, trong đó có 03 Chấp hành viên cấp tỉnh, 01 cán sự; 08 đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với tổng số 16 biên chế, trong đó có 12 Chấp hành viên cấp huyện, 04 cán sự (riêng Đội Thi hành án huyện Mù Cang Chải không có Chấp hành viên; Đội Thi hành án Trạm Tấu chỉ có 01 Chấp hành viên). Ngoài 15 chấp hành viên, 05 cán sự thì ở giai đoạn này không có bộ phận theo dõi về công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính, công tác văn phòng, …, tất cả cán bộ, công chức đều phải kiêm nhiệm các công việc khác; số lượng việc là 844 việc với số tiền 511.000.000 đồng; cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động vô cùng thiếu thốn, chưa có trụ sở làm việc riêng (Phòng Thi hành án làm việc chung tại trụ sở của Sở Tư Pháp và Đội Thi hành án làm việc chung tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp huyện), trang thiết bị làm việc còn đơn sơ phần lớn là trang thiết bị cũ được chuyển giao từ Ngành Tòa án sang, kinh phí hoạt động hạn hẹp.
Giai đoạn từ 01/7/1993 đến nay
Nhìn lại quá trình phát triển từ năm 1993 đến nay cho thấy, công tác thi hành án dân sự luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, nhất là việc hoàn thiện thể chế nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đi đôi với đó công tác thi hành án dân sự ngày càng trở nên nặng nề hơn, các cơ quan thi hành án dân sự được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới như: tổ chức thi hành các bản án, quyết định về kinh tế, lao động, quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; bản án, quyết định của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành; số việc, tiền ngày một tăng cao, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế; .... Do đó, đòi hỏi hệ thống pháp luật về thi hành án ngày càng phải hoàn thiện hơn, được Đảng, Nhà nước hiện thực hóa thông qua việc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và đặc biệt là ngày 14/11/2008 Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 (là văn bản chuyên ngành đầu tiên về thi hành án dân sự có hiệu lực pháp lý cao nhất, đã khẳng định giá trị hiệu lực pháp lý cao của các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đã tạo ra được hành lang pháp lý cơ bản cho công tác thi hành án hiệu quả hơn), theo đó, tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự từ Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp, Đội Thi hành án thuộc Phòng Tư pháp trở thành Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án dân sự cấp huyện và nay là Cục Thi hành án dân sự (cấp tỉnh) và Chi cục Thi hành án dân sự (cấp huyện).
Thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái được chia tách, thành lập, hoạt động hoàn toàn độc lập. Đây là giai đoạn lịch sử, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Ngành Thi hành án dân sự, hệ thống cơ quan Thi hành án tỉnh Yên Bái được thành lập và hoạt động ngày một hiệu quả. Qua 8 năm, bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái đã được kiện toàn đầy đủ; công tác tổ chức, cán bộ cũng có những thay đổi cơ bản trong giai đoạn này, đã làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy từ Cục đến các Chi cục; đã có những định hướng mang tính chiến lược trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, khen thưởng, ... cán bộ, công chức trong Ngành; đã quan tâm đến việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; các cơ quan thi hành án dân sự đều có trụ sở làm việc; trang thiết bị, phương tiện làm việc từng bước được đầu tư và hiện đại hóa, kinh phí hoạt động được tăng lên; các chức danh tư pháp được bổ sung và tăng về số lượng (Chấp hành viên, Thư ký thi hành án, Thẩm tra viên); các chế độ cho công chức được quan tâm (phụ cấp công vụ, thâm niên nghề, phụ cấp của các chức danh tư pháp, trang phục Ngành) là nguồn động lực giúp các cán bộ trong Ngành yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Sự phát triển của Ngành kể từ năm 1993 đến nay có thể nhận diện qua một vài con số sau:
Về bộ máy tổ chức: Tổng số biên chế được giao hiện có là 116 biên chế/114 biên chế được giao (năm 2016 giảm 02 biên chế so với năm 2015); 33 hợp đồng 68 (nhân viên lái xe, bảo vệ, tạp vụ). Cục Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái có 04 phòng chuyên môn thuộc Cục; 09 Chi cục Thi hành án dân sự trực thuộc. Lãnh đạo Cục: 04 đồng chí (Cục trưởng và 03 Phó Cục trưởng), lãnh đạo các phòng chuyên môn: 09 đồng chí (02 Trưởng phòng, 07 Phó trưởng phòng trong đó có 02 Phó trưởng phòng phụ trách), lãnh đạo Chi cục: 23 đồng chí (9 Chi cục trưởng, 15 Phó Chi cục trưởng). Toàn tỉnh có 49 Chấp hành viên (01 cao cấp, 13 trung cấp. 35 sơ cấp), 11 Thẩm tra viên, 22 Thư ký (15 Thư ký THADS, 07 Thư ký trung cấp), 12 Kế toán (08 Kế toán trưởng, 02 Kế toán viên, 01 Phụ trách Kế toán).
Về chất lượng nguồn nhân lực: trình độ chuyên môn: 102 đại học, 03 cao đẳng, 11 trung cấp; trình độ lý luận chính trị: 15 cao cấp, 37 trung cấp, 01 sơ cấp; quản lý nhà nước: 21 chuyên viên chính, 56 chuyên viên.
Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc: 10/10 đơn vị đều có trụ sở làm việc (riêng Cục được xây mới trụ sở làm việc, kho vật chứng; 02 Chi cục được xây dựng kho vật chứng kết hợp mở rộng trụ sở làm việc), xe máy dùng chung, máy phô tô, máy fax, máy in, kết nối mạng internet, địa chỉ thư điện tử, bàn ghế làm việc đầy đủ, các công cụ, phương tiện hỗ trợ công tác thi hành án (loa pin cầm tay, máy ảnh, máy ghi âm, gậy điện), ...; đảm bảo 100% công chức được trang bị máy vi tính, may trang phục Ngành; Cục được cấp 02 xe ô tô và 01 xe ô tô chuyên dùng, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện được cấp 07 xe ô tô chuyên dùng; kinh phí hoạt động ngày một được quan tâm.
Về tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội: Chi bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Câu lạc bộ thể dục thể thao cũng đã được chia tách, thành lập khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành, là nền móng để tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể chính trị xã hội hoạt động độc lập, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện, vận động quần chúng; nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, góp phần xây dựng Ngành ngày một trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, các tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Cục đến các Chi cục đều hoàn thành nhiệm vụ được cấp ủy, đoàn thể cấp trên giao, đạt các danh hiệu Trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Vững mạnh xuất sắc.
Mặc dù cũng còn rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng để đáp lại sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái đã không ngừng phấn đấu, vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm qua:
Kết quả THA về việc: Tổng số đã thụ lý 44.996 việc, đã ủy thác 2.941 việc, đã thi hành được: 41.306 việc/42.899 việc phải thi hành (đạt 88,8%).
Kết quả THA về tiền: Tổng số thụ lý 308 tỷ 278 triệu 741 nghìn đồng, đã ủy thác 31 tỷ 141 triệu 338 nghìn đồng, đã thi hành xong 188 tỷ 095 triệu 473 nghìn đồng/277 tỷ 137 triệu 403 nghìn đồng phải thi hành (đạt 78%).
Ghi nhận những thành tích đạt được và để kịp thời động viên, khích lệ những đóng góp của các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái và các cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành, Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Yên Bái đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: Cục THADS được 09 năm đạt Tập thể lao động xuất sắc, 01 năm đượ tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 03 năm được tặng Cờ thi đua Ngành Tư pháp, 01 năm được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh, 01 năm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; nhiều Chi cục Thi hành án dân sự và công chức trong Ngành đạt các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao như: Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua Ngành Tư pháp, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua ngành, ...
Có được những thành tựu đó, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của tập thể Lãnh đạo Cục, các cán bộ, công chức, người lao động trong Ngành thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành đã góp phần không nhỏ vào thành tích của Ngành trong nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây: Tỉnh ủy đã ban hành Công văn chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, Ủy Ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, Công văn chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự; cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thi hành án, hỗ trợ trong việc giải phóng mặt bằng, cấp đất cho cơ quan thi hành án dân sự xây dựng kho vật chứng, hỗ trợ kính phí, thành lập Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp; tăng cường giám sát hoạt động thi hành án dân sự, ....; các cơ quan, ban, ngành luôn giúpđỡ, phối hợp tổ chức thi hành án, nhất là khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Với quãng thời gian 70 năm hình thành và phát triển, Ngành Thi hành án dân sự nói chung, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái nói riêng đã trải qua những thăng trầm trong lịch sử, dần trưởng thành và phát triển cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Yên Bái nguyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống các thế hệ đi trước để xây dựng Ngành ngày một phát triển, đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập và phát triển, xứng tầm với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Văn phòng – Cục THADS