Tôn trọng, đề cao quyền quyết định, tự định đoạt và chịu trách nhiệm của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động THADS

23/08/2023


Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tiếp nối của hoạt động xét xử làm cho bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế. Với ý nghĩa đó thì chủ thể chính đóng vai trò quan trọng quyết định kết quả thi hành án là đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Vậy, pháp luật THADS hiện hành đã quy định như thế nào, còn khó khăn, vướng mắc gì và giải pháp nào để đề cao trách nhiệm của các chủ thể này trong hoạt động THADS. Tác giả xin đưa ra một số khó khăn, vướng mắc theo quy định hiện hành của pháp luật về THADS và đề ra một số giải pháp khắc phục trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện pháp luật.
1. Pháp luật về THADS hiện hành quy định theo hướng bảo vệ nhiều hơn quyền của người phải thi hành án[1] trong khi đây là chủ thể chính phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cụ thể:
- Quyền yêu cầu thi hành án: đây là quyền tiên quyết của đương sự khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành trên thực tế. Giai đoạn Pháp lệnh THADS năm 1993, thì quyền yêu cầu thi hành án chỉ được quy định cho người được thi hành án. Từ thực tiễn nhận thấy, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, người được thi hành án không làm đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án lại có mong muốn thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì vậy, Pháp lệnh THADS năm 2004 đã bổ sung quy định người phải thi hành án cũng có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án, Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) vẫn kế thừa quy định này, nhằm khuyến khích ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người phải thi hành án, bảo vệ quyền lợi của họ và bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quy định họ có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án và theo thời hạn luật định chưa phù hợp với bản chất của chủ thể là người phải thi hành án. Người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thi hành án và họ có quyền tự nguyện thi hành án. Quyền yêu cầu thi hành án trong một thời hạn nhất định chỉ nên quy định cho người được thi hành án và khi đã yêu cầu thi hành án thì phải chịu phí thi hành án theo quy định của pháp luật. Còn người phải thi hành án thì chỉ có thể là tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án và không phụ thuộc thời hạn yêu cầu thi hành án.
- Quyền cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án và nghĩa vụ kê khai tài sản thi hành án: Pháp luật về THADS hiện hành đang quy định khi xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, quy định này trên thực tế thực hiện không khả thi, đa số các vụ việc đến giai đoạn tổ chức thi hành án các đương sự đều chống đối, không hợp tác hoặc không ở địa phương nên quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên không thực hiện được việc yêu cầu họ kê khai, cung cấp đầy đủ như quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7a Luật THADS.
- Quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, phân chia, xác định tài sản để thi hành án, tranh chấp kết quả bán đấu giá: Pháp luật về THADS hiện nay đang quy định quyền của đương sự trong việc xác định tài sản thi hành án trong khối tài sản chung hoặc tài sản đã kê biên có tranh chấp. Bên cạnh quyền của đương sự thì luật cũng quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc xác định tài sản thi hành án. Có thể thấy rằng, việc khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung để thi hành án là quyền của đương sự và những người có liên quan đảm bảo quyền lợi của họ được bảo vệ. Đồng thời, người phải thi hành án và người có quyền sở hữu chung đối với tài sản là những người có quyền khởi kiện theo Điều 187 Bộ luật tố tụng dân sự và là đối tượng có thể cung cấp các chứng cứ, tài liệu chứng minh cho quyền sở hữu tài sản của mình. Do đó, trách nhiệm khởi kiện được quy định cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung, nếu không thực hiện thì có chế tài tương ứng để điều chỉnh, việc không khởi kiện, từ chối khởi kiện phân chia tài sản chung dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân thì phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, do còn có quy định nếu họ không thực hiện thì Chấp hành viên thực hiện nên người được, người phải thi hành án có tâm lý ỉ lại cho cơ quan THADS. Việc Chấp hành viên khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện như: vai trò của người yêu cầu, việc cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh, chi phí liên quan đến việc khởi kiện...
- Quyền thỏa thuận thi hành án của đương sự: Pháp luật về THADS hiện hành đang trao cho đương sự quyền thỏa thuận bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình tổ chức thi hành án, theo thống kê có 17 Điều trong Luật THADS quy định liên quan đến thỏa thuận thi hành án[2]. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy có nhiều trường hợp đương sự lợi dụng quy định này để gây khó khăn cho cơ quan THADS, làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, nhất là giai đoạn sau khi cơ quan THADS đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Do đó, cần nghiên cứu quy định rõ hơn về giới hạn thời điểm các bên có quyền thoả thuận thì hành án. Liên quan đến quyền thỏa thuận trong một số trường hợp đặc biệt như: quyền thỏa thuận về giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, mức giảm giá tài sản, thỏa thuận dừng đấu giá ... thì cần nghiên cứu theo hướng hết thời hạn tự nguyện, khi Chấp hành viên ban hành Quyết định cưỡng chế là đương sự sẽ bị hạn chế các quyền này, hoặc được thực hiện nhưng phải kèm theo một số điều kiện ràng buộc để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền tự quyết để bảo vệ mình của các bên đương sự. Quyền thỏa thuận của các bên đương sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS cũng gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan THADS khi mà việc thi hành án đang trong quá trình xử lý tài sản thì các bên thỏa thuận hoãn dẫn đến việc xử lý tài sản bị gián đoạn và phải thực hiện lại khi tiếp tục tổ chức thi hành án.
- Việc thông báo trong thi hành án dân sự: Hiện nay, việc thông báo trong thi hành án dân sự đang được quy định quá nhiều văn bản phải thông báo, theo đó mỗi văn bản thi hành án phải được thông báo theo đúng trình tự từ điều 39 đến điều 42 Luật THADS. Thực tế cho thấy, đương sự chống đối thì việc thông báo được thực hiện quá nhiều thủ tục hành chính và các đương sự lợi dụng quy định này để khiếu nại tố cáo dù họ đã biết nghĩa vụ của mình; nhiều vụ việc thi hành án có cả trăm cả nghìn đương sự nên việc quy định thông báo như hiện nay là một bất cập. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ thì việc thực hiện thủ tục thông báo giấy tờ thi hành án cũng cần được quy định linh hoạt nhằm giảm tải khối lượng công việc, tiết kiệm thời gian công sức của người thực thi công vụ. Ví dụ như: có thể áp dụng quy định tương tự cách thức thông báo của các cơ quan tố tụng như Tòa án, cụ thể: Khi cơ quan THADS triệu tập 2 lần không có mặt thì việc thi hành án được thực hiện theo quy định và người được triệu tập phải chịu trách nhiệm về việc vắng mặt nếu không có lý do chính đáng, mọi thiệt hại không được giải quyết.
* Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên tác giả đưa ra một số giải pháp trong quá trình nghiên cứu định hướng hoàn thiện thể chế về THADS liên quan đến người phải thi hành án trong hoạt động THADS:
Đề cao hơn nữa trách nhiệm của đương sự (tự quyết định và định đoạt, có nghĩa vụ chứng minh liên quan đến lợi ích của mình): đương sự phải thực hiện quyền và nghĩa vụ để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhà nước chỉ “hỗ trợ” bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ đó của họ. Đối với những việc mà cơ quan THADS đã hướng dẫn, yêu cầu đương sự thực hiện quyền của mình để bảo vệ quyền lợi mà cố tình không thực hiện[3] thì có biện pháp xử lý dứt điểm, tạo điểm dừng trong thi hành án. Xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi cố tình chống đối, trì hoãn, trốn tránh, kéo dài việc tổ chức thi hành án. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng đương sự cố tình tạo mọi tình huống nhằm không hoặc kéo dài thời gian thi hành án. Do đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như sau:
- Bổ sung quy định người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án tại Điều 30 Luật THADS: quy định quyền yêu cầu và thời hạn yêu cầu thi hành án chỉ áp dụng cho người được thi hành án. Đối với trường hợp các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng người được thi hành án không thực hiện quyền làm đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án tự nguyện thi hành bản án, quyết định mà họ có nghĩa vụ phải thi hành thì họ có quyền làm đơn tự nguyện thi hành mà không bị ràng buộc bởi thời hạn yêu cầu theo quy định của pháp luật về THADS.
- Bỏ quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai, cung cấp thông tin tài sản, thu nhập điều kiện thi hành án tại điểm b khoản 2 Điều 7a Luật THADS.
- Đề cao hơn nữa trách nhiệm của đương sự (tự quyết định và định đoạt, có nghĩa vụ chứng minh liên quan đến lợi ích của mình): đương sự phải thực hiện quyền và nghĩa vụ để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhà nước chỉ “hỗ trợ” bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ đó của họ. Đối với những việc mà cơ quan THADS đã hướng dẫn, yêu cầu đương sự thực hiện quyền của mình để bảo vệ quyền lợi mà cố tình không thực hiện[4] thì có biện pháp xử lý dứt điểm, tạo điểm dừng trong thi hành án. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng đương sự cố tình tạo mọi tình huống nhằm không hoặc kéo dài thời gian thi hành án. Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của các đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, phân chia, xác định tài sản để thi hành án, hủy kết quả bán đấu giá, theo hướng:
+ Chuyển quyền yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản tại khoản 1 Điều 7a thành nghĩa vụ của người phải thi hành án tại khoản 2 Điều 7a Luật THADS.
+ Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS theo hướng đương sự có quyền và nghĩa vụ yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu tài sản của mình trong 1 thời hạn nhất định, nếu hết thời hạn đó mà không xác định thì cơ quan THADS xử lý toàn bộ tài sản và đương sự phải chịu trách nhiệm về việc không yêu cầu tòa xác định. Chấp hành viên không có trách nhiệm yêu cầu Tòa xác định phần tài sản thi hành án.
- Đề xuất khôi phục quy định trả lợi đơn yêu cầu thi hành án: Đối với loại việc thi hành án theo đơn yêu cầu cần quy định chi phí xác minh sẽ do đương sự chịu, nếu kết quả tổ chức thi hành án mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành thì trả lại đơn yêu cầu và người được thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin điều kiện thi hành án của người phải thi hành án khi yêu cầu trở lại. Quy định này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của người được thi hành án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giảm tải khối lượng án mà cơ quan THADS phải theo dõi hàng năm. Đối với trường hợp thi hành án các khoản thu cho ngân sách Nhà nước thì ngân sách Nhà nước sẽ chi trả để xác minh điều kiện thi hành án, theo dõi và tổ chức thi hành án và cơ quan THADS có trách nhiệm xác minh theo định kỳ và chuyển sổ theo dõi riêng đến khi đủ điều kiện xét miễn giảm.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyền thỏa thuận thi hành án của đương sự: Hạn chế một số quyền thỏa thuận không cần thiết như thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, thỏa thuận mức giảm giá tài sản…; hoãn thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 48 Luật THADS chỉ được thực hiện khi cơ quan THADS chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin liên quan đến việc thông báo, tống đạt các văn bản về thi hành án cho đương sự. Nghiên cứu quy định việc thông báo có thể thực hiện 1 trong các hình thức theo quy định tại Điều 39, 40, 41, 42 mà không theo trình tự như quy định hiện hành. Có thể quy định trường hợp bắt buộc phải thông báo trực tiếp và có căn cứ chứng minh đương sự đã nhận được thông báo lần đầu đó là quyết định thi hành án và một văn bản thông báo quyền và nghĩa vụ của đương sự nếu không thực hiện thì sẽ chịu biện pháp cưỡng chế theo quy định. Đồng thời để bảo đảm tính khách quan thì khi áp dụng biện pháp cưỡng chế Chấp hành viên ban hành 1 thông báo nêu rõ quá trình xử lý, quyền của các bên và thông báo một lần.
2. Quy định rõ khái niệm, quyền hạn của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự, xem xét mối quan hệ của họ với đương sự trong vụ việc thi hành án dân sự.
Điều 3 Luật THADS quy định đương sự trong THADS bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự
Như vậy, có thể thấy rằng đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có vai trò rất quan trọng, là các chủ thể chính trong hoạt động THADS. Pháp luật về THADS đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của đương sự nhằm mục đích vừa đảm bảo lợi ích của đương sự, vừa đảm bảo bản án có hiệu lực pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành nhưng đối với quyền và nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì chưa rõ, chưa đầy đủ, cụ thể là:
- Trong một số trường hợp cụ thể người có quyền, nghĩa vụ liên quan chuyển hoá thành đương sự[5]nên họ sẽ có quyền và nghĩa vụ như người được hoặc người phải thi hành án. Do đó, cần có quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan khi tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự.
- Quyền thoả thuận thi hành án: Theo Điều 6 thì đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Tuy nhiên, trong một số vụ việc khi phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Điều 6, Điều 7b Luật THADS chưa quy định cho họ có quyền thoả thuận thi hành án, cơ quan THADS cũng gặp nhiều khó khăn áp dụng không thống nhất vì có vụ việc Chấp hành viên đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào thoả thuận thi hành án nhưng có cơ quan không dẫn đến ảnh hưởng quyền của họ[6]. Mặt khác, một số trường hợp pháp luật về THADS không quy định người có quyền, nghĩa vụ thi hành án có quyền thoả thuận đã gây khó khăn, vướng mắc cho Chấp hành viên, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ[7].
- Nghĩa vụ chịu chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật: Pháp luật THADS quy định người phải thi hành án, người được thi hành án phải chịu chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật nhưng tại Điều 7b, Điều 73 Luật THADS chưa quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu chi phí thi hành án là chưa phù hợp với thực tế khi mà người có quyền nghĩa vụ liên quan chuyển hoá thành người phải thi hành án[8].
- Tự nguyện và cưỡng chế thi hành án: Tại Điều 9, Điều 46, Điều 71 Luật THADS quy định người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp điều kiện thi hành án đó lại ở người có quyền, nghĩa vụ liên quan nên quy định này chưa đầy đủ theo thực tế công tác THADS hiện nay[9].
- Quyền nhận lại tài sản thi hành án đang bán đấu giá: Theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật THADS thì trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Do pháp luật hiện hành chỉ quy định người phải thi hành án được thực hiện quyền này nên thực tế khi có quan THADS xử lý tài sản của người thứ ba thì họ lại không có quyền chuộc tài sản trước khi mở cuộc đấu giá. Quy định này đang hạn chế quyền của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, dẫn đến việc thi hành án kéo dài, tốn kém chi phí phát sinh để giải quyết.
* Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên tác giả đưa ra một số giải pháp trong quá trình nghiên cứu định hướng hoàn thiện thể chế về THADS liên quan đến người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động THADS:
- Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhất là khi người có quyền, nghĩa vụ tham gia vào hoạt động thi hành án thì phải chịu một số chi phí, phí theo quy định của pháp luật. Do đó, đề xuất sửa khoản 8 Điều 3 Luật THADS theo hướng bổ sung thêm người có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng phải chịu chi phí cưỡng chế.
- Việc thỏa thuận thi hành án trong một số trường hợp cần có sự tham gia của người có quyền, nghĩa vụ liên quan (người có tài sản bảo đảm trong án tín dụng ngân hàng; TCTD nơi nhận bảo đảm tài sản của người phải thi hành án). Do đó, đề xuất sửa khoản 1 Điều 6 Luật THADS theo hướng bổ sung thêm chủ thể là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
- Để nâng cao hơn nữa vai trò của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự thì cần quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của đối tượng này, theo đó đề xuất sửa điều 7b Luật THADS theo hướng bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ tương ứng với người được, người phải thi hành án.
- Nhiều trường hợp, cơ quan THADS phải thực hiện việc cưỡng chế tài sản của người thứ ba để bảo đảm cho nghĩa vụ của người phải thi hành án. Do đó, đề xuất bổ sung quy định tại Điều 9, 46 Luật THADS đối tượng người có quyền, nghĩa vụ liên quan nếu có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thì cũng bị cưỡng chế theo quy định của Luật THADS.
- Đối với trường hợp bán tài sản của người thứ ba để thi hành án thì cũng cần xem xét cho họ có quyền nhận tài sản trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật THADS. Do đó, đề xuất bổ sung đối tượng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào điều luật này.
3. Tạo khuôn khổ pháp lý quy định điều cấm” đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động THADS
Điều cấm là quy định của pháp luật không cho phép thực hiện một hay một số hành vi nào đó. Điều cấm có thể là quy định dự liệu trước không để cho hành vi xảy ra, cũng có thể là hình phạt đối với những người vi phạm pháp luật. Quy định điều cấm là một trong những cơ sở cho việc áp dụng nguyên tắc pháp lí cơ bản hiện nay là "công dân có thể làm tất cả những gì mà luật không cấm".
Điều 106, Hiếp pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Do đó, việc các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến việc thi hành án cần có quy định cấm và chế tài kèm theo. Hiện nay, Luật THADS chưa có quy định điều cấm đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động này. Do đó, việc nghiên cứu đề xuất các điều luật quy định điều cấm cho các chủ thể, đặc biệt là người phải thi hành án là cần thiết.
* Từ những khó khăn, vướng mắc nêu trên tác giả đưa ra một số giải pháp trong quá trình nghiên cứu định hướng hoàn thiện thể chế về THADS liên quan đến quy định điều cấm trong hoạt động THADS:
Bổ sung Điều luật cấm đối với các chủ thể chính tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự như: cấm cá nhân, tổ chức ngăn cản, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu, gây rối, vu khống xúc phạm khi Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ; cấm đương sự chuyển nhượng, thay đổi hiện trạng, xê dịch tài sản thi hành án đã áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế...
Như vậy, chính sách 1 này đề xuất sửa 20 Điều luật[10], bổ sung mới 2 điều luật (trả đơn và điều cấm).
Đậu Thị Hiền - Vụ Nghiệp vụ 1 TCTHADS
 

[1] Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án; Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này; Được thông báo về thi hành án; Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của Luật này; Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ; Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này; Khiếu nại, tố cáo về thi hành án
[2] Điều 6, 44a, 48, 50, 54,74, 78, 98, 100, 101, 103, 104, 105, 113, 114, 117, 135
[3] Như yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án với người khác; yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đối với tài sản…
[4] Như yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án với người khác; yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đối với tài sản…
[5] Ví dụ: trường hợp người thứ ba nắm giữa tài sản của người phải thi hành án, nhưng quá trình tổ chức thi hành án họ không chấp hành, buộc phải thực hiện việc cưỡng chế thi hành, lúc này đối tượng bị cưỡng chế là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
[6] Người có tài sản chung với người phải thi hành án; người nhận bảo đảm tài sản của người phải thi hành án
[7] Quyền thoả thuận về giá tài sản kê biên, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, lựa chọn tổ chức bán đấu giá, thoả thuận mức giảm giá; thoả thuận cho người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án.
[8] Trường hợp người có tài sản bảo lãnh cho nghĩa vụ của người phải thi hành án, nhưng quá trình tổ chức thi hành án họ không tự nguyện, cơ quan THADS phải thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, trong trường hợp này cần quy định rõ người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải chịu chi phí để bảo đảm tính nghiêm minh.
[9] Trường hợp người thứ ba nắm giữ tài sản của người phải thi hành án; người có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ của người phải thi hành án.
[10] Các Điều: 3, 6, 7a. 7b, 9, 30, 39, 40, 41, 42, 46, 48, 71, 74, 75, 98, 99, 101, 102, 104