Quá trình phát triển của pháp luật về thi hành án hành chính ở nước ta

04/01/2024


Do đặc thù về chủ thể và đặc trưng của quan hệ quản lý hành chính mà trong tranh chấp hành chính, người khởi kiện luôn xuất phát ở vị trí yếu thế hơn so với người bị kiện. Việc Tòa án là trung gian phân xử đúng, sai dường như đã khiến hai bên trở nên bình đẳng. Tuy nhiên, sau xét xử, các phán quyết của Toà án hành chính có được hiện thực hoá hay không phụ thuộc vào quá trình tổ chức thi hành án.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và không ngừng củng cố. Trong đó, dấu mốc quan trọng, gắn liền với sự ra đời của các Luật, Pháp lệnh điều chỉnh lĩnh vực tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Đầu tiên là Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996; tiếp đó là Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và hiện nay là Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Dưới đây là một số nét khái quát về sự phát triển của pháp luật về thi hành án hành chính qua các phân tích gắn với các hình thức thực hiện pháp luật phổ biến:
1. Giai đoạn Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996
Ở Việt Nam, Tòa án là cơ quan duy nhất được trao quyền xét xử vụ án hành chính. Do đó, sự hình thành pháp luật thi hành án hành chính gắn liền với sự ghi nhận quyền khởi kiện vụ án hành chính ra trước Tòa án của tổ chức, cá nhân, công dân. Với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1992, Tòa hành chính đã ra đời và chính thức thành lập, đi vào hoạt động từ 01/7/1996. Đây là tiền đề cần thiết chuẩn bị cho việc ghi nhận và bảo đảm quyền khởi kiện quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước của người dân ra trước Tòa án.
Cùng với việc quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính, ngày 21/5/1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sau đây gọi là Pháp lệnh năm 1996). Điều 1 Pháp lệnh này quy định rõ: “Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, từ ngày 01/7/1996 (ngày Pháp lệnh năm 1996 có hiệu lực thi hành), cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính thức có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra trước Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trước khi Pháp lệnh năm 1996 được ban hành, rải rác trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước đã có quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết một số tranh chấp hành chính. Cụ thể như: Sắc lệnh số 04/SLT ngày 20/7/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định Thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính, trong đó quy định cử tri có quyền khiếu nại danh sách cử tri đến Tòa án nhân dân[1]; Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/5/1985 của Hội đồng Bộ trưởng trong đó có quy định chuyển một số việc hành chính sang Tòa án nhân dân để giải quyết (quyết định buộc thôi việc đối với công nhân, viên chức nhà nước)[2]. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989[3] cũng quy định Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự trong vụ án dân sự mà Tòa giải quyết[4]. Tuy nhiên, thẩm quyền của Tòa án trong xét xử một số tranh chấp hành chính giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân, công dân trước năm 1996 chỉ dừng lại ở một số việc đơn lẻ mà chưa trở thành một cơ chế, một công cụ để người dân thực hiện quyền làm chủ, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước cơ quan nhà nước. Sự ra đời của Pháp lệnh năm 1996 làm thay đổi một thực tế đó là chỉ có nhà nước phán xử hành vi của công dân, còn hành vi sai trái của cơ quan nhà nước chưa bị phán xử. Sự ra đời của Pháp lệnh năm 1996 cũng đánh dấu sự ra đời của pháp luật về thi hành án hành chính ở Việt Nam.
Pháp lệnh năm 1996 dành một điều (Điều 74) quy định một số vấn đề mang tính nguyên tắc trong thi hành án hành chính:
“1- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.
2- Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính. Người nào thiếu trách nhiệm trong việc thi hành án hành chính hoặc cố tình không chấp hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3- Các quyết định về phần tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự”.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, Hiến pháp năm 1992 có quy định tại Điều 136 như sau: “Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.
Theo đó, chủ thể, nội dung, hình thức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính trong giai đoạn Pháp lệnh năm 1996 bao gồm:
- Các bên đương sự là chủ thể chấp hành bản án hành chính, quyết định có hiệu lực của Tòa án;
- Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án là chủ thể chấp hành quy định về theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính; là chủ thể sử dụng quy định buộc người phải thi hành án phải chấp hành quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trong trường hợp cần thiết;
- Chính phủ là chủ thể chấp hành quy định về thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước.
Có thể thấy, pháp luật về thi hành án hành chính giai đoạn này đã bao gồm các nội dung cơ bản của thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính.
Sau Hiến pháp năm 1992 và Pháp lệnh năm 1996, không có văn bản pháp luật nào dưới Pháp lệnh điều chỉnh hoạt động thi hành án hành chính. Các quy định mang tính nguyên tắc trong thi hành án hành chính vẫn còn nguyên giá trị cho đến thời điểm hiện nay sau hai lần Quốc hội thông qua Luật Tố tụng hành chính vào năm 2010 và năm 2015.
2. Giai đoạn Luật Tố tụng hành chính năm 2010
Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó, xác định: "Mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà ántạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và  quan công quyền trước Toà án". Cùng với việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc xét xử các khiếu kiện hành chính, Nghị quyết 49-NQ/TW còn đặt ra yêu cầu “xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành". Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, Pháp lệnh năm 1996 đã được nâng lên thành Luật với việc Quốc hội thông Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Nhiều điểm mới trong Luật Tố tụng hành chính năm 2010 thể hiện rõ nét quan điểm, chủ trương về cải cách tư pháp của Đảng, trong đó liên quan đến thi hành án hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã dành một chương riêng (chương XVI) quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính với 08 điều (từ Điều 241 đến 248).
So với Pháp lệnh năm 1996, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã quy định cụ thể về các bản án, quyết định về vụ án hành chính được thi hành; quy định về việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án; quy định việc thi hành án hành chính trong các trường hợp; quy định về cơ chế đôn đốc thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự và cơ chế kiểm sát thi hành án hành chính của Viện kiểm sát nhân dân; quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm trong trường hợp người phải thi hành án không chấp hành án hành chính. Đây là những cơ chế bảo đảm cho việc thi hành trên thực tế các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính. Tuy nhiên, cốt lõi trong thi hành án hành chính vẫn là cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án.
Để triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2010 về nội dung thi hành án hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 25/5/2012 về việc triển khai công tác thi hành án hành chính. Đây là Chỉ thị đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ đối với người đứng đầu các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai công tác thi hành án hành chính, thể hiện tầm quan trọng và ảnh hưởng của thi hành án hành chính đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Theo pháp luật về thi hành án hành chính giai đoạn này, chủ thể, nội dung, hình thức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính bên cạnh việc kế thừa giai đoạn Pháp lệnh năm 1996 có bổ sung thêm:
- Thẩm phán Chủ toạ phiên toà, phiên họp là chủ thể chấp hành quy định về giải thích bản án, quyết định của Tòa án;
- Cơ quan thi hành án dân sự là chủ thể chấp hành pháp luật theo quy định về đôn đốc thi hành án hành chính;
- Viện kiểm sát nhân dân là chủ thể chấp hành pháp luật theo quy định về kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
- Người được thi hành án là chủ thể sử dụng pháp luật theo quy định về yêu cầu giải thích bản án; yêu cầu thi hành án.
3. Giai đoạn Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Đối với việc thi hành các bản án nói chung, Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Riêng đối với thi hành án hành chính, sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2010, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thay thế cho Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã dành Chương XIX với 07 điều (từ điều 309 đến điều 315) quy định về trình tự, thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; trách nhiệm của các cơ quan trong thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính. Tiếp đó, lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị định quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Tòa án (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016) và đây cũng là văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật duy nhất cho đến thời điểm hiện nay điều chỉnh hoạt động thi hành án hành chính.
Về cơ bản, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định các vấn đề cơ bản về thi hành án hành chính trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, đồng thời bổ sung một số điểm mới quan trọng như:
 + Cụ thể hóa trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trên cơ sở phù hợp với từng loại phán quyết của Tòa án. Đây là căn cứ để các bên đương sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành thống nhất trên thực tế;
+ Quy định cơ chế Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ra quyết định buộc thi hành án hành chính trong trường hợp hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và người được thi hành án yêu cầu cơ quan xét xử ra quyết định buộc thi hành án hành chính;
+ Thể chế hóa nguyên tắc về quyền bình đẳng trước pháp luật giữa cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân, công dân khi quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong thi hành án hành chính;
+ Quy định cơ bản toàn diện các chế tài xử lý trách nhiệm, nhất là chế tài xử lý kỷ luật áp dụng đối với người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước khi vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính, qua đó bảo đảm mọi vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính không phân biệt đó là vi phạm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước hay cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải xử lý theo quy định;
+ Quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, người phải thi hành án hành chính trong việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền quản lý không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Đây là biện pháp mang tính mệnh lệnh hành chính, phù hợp với với đặc thù một bên chủ thể của thi hành án hành chính luôn là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.
+ Quy định cơ chế theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự thay vì cơ chế đôn đốc thi hành án hành chính mà Luật Tố tụng hành chính năm 2010 giao cho cơ quan thi hành án dân sự.
+ Từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý thi hành án hành chính thông qua các quy định cụ thể hóa trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, của Tổng cục Thi hành án dân sự trong quản lý nhà nước về thi hành án hành chính trên phạm vi toàn quốc; trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý thi hành án hành chính.
Có thể thấy, sau 20 năm kể từ khi người dân được trao quyền khởi kiện hành chính tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, pháp luật thi hành án hành chính đã từng bước được hoàn thiện theo hướng toàn diện, cụ thể, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn thi hành án hành chính trong bối cảnh khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng; thể chế rõ nguyên tắc Hiến định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”... Cùng với sự hoàn thiện về thể chế, thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính giai đoạn hiện nay so với giai đoạn Luật Tố tụng hành chính năm 2010 cũng đa dạng hơn về hình thức và chủ thể, trong đó, nội dung chấp hành pháp luật về thi hành án hành chính của người phải thi hành án ngày càng được chú trọng.
Theo pháp luật hiện hành, các hình thức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính ở nước ta được biểu hiện như sau:
- Hình thức tuân thủ pháp luật: Mặc dù không có các quy phạm cấm đoán nhưng pháp luật về thi hành án hành chính quy định việc xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án theo Điều 314 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; quy định về việc xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính từ Điều 20 đến Điều 29 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Đây là các quy định thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trước những hành vi không chấp hành án, cản trở việc thi hành án. Do đó, người phải thi hành án và các chủ thể khác thực hiện tuân thủ pháp luật về thi hành án hành chính nghĩa là không được có các hành vi không chấp hành hành án hay cản trở việc thi hành án.
- Hình thức thi hành (chấp hành) pháp luật được tiến hành bởi các chủ thể:
+ Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, phiên họp chấp hành quy định về giải thích bản án, quyết định theo Điều 310 Luật Tố tụng hành chính năm 2015;
+ Các bên đương sự trong vụ án hành chính thực hiện chấp hành quy định về thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; các nghĩa vụ phải thực hiện theo khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; thi hành bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện theo Điều 15 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, người phải thi hành án còn phải chấp hành quy định về tự nguyện thi hành án theo Điều 10 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; chấp hành quy định về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể quy định tại Điều 16, 17, 18 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; thông báo kết quả thi hành án theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án chấp hành quy định về tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu người phải thi hành án chấm dứt hành vi hoặc phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý trách nhiệm người phải thi hành án theo quy định tại Điều 7, khoản 2 Điều 12, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chấp hành quy định về kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 8, Điều 13 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Viện kiểm sát chấp hành quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo Điều Điều 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015
+ Cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm chấp hành quy định về theo dõi việc thi hành án hành chính trong trường hợp Tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; Cục THADS thực hiện công khai thông tin về người phải thi hành án không chấp hành án quy định tại Điều 30 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Chính phủ, Bộ Tư pháp chấp hành quy định về quản lý nhà nước về thi hành án hành chính theo Điều 313 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
- Hình thức sử dụng pháp luật:
+ Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự được quyền yêu cầu bằng văn bản với Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 310 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án hành chính theo Điều 9 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP. Ngoài ra:
+ Người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo khoản 3 Điều 311, Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015; có các quyền theo khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP; có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự lập biên bản: về việc người phải thi hành án vẫn tiếp tục thực hiện hành vi trái pháp luật sau khi đã bị Tòa án tuyên là trái pháp luật hoặc lập biên bản về việc người phải thi hành án vẫn không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật theo Điều 18 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP hay về việc người phải thi hành án không chấp hành án theo Điều 19 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP;
+ Người phải thi hành án thực hiện các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
+ Trường hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính để thi hành quyết định hành chính có hiệu lực theo quy định của pháp luật theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP.
- Hình thức áp dụng pháp luật được thực hiện bởi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hành chính. Theo quy định tại Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Tòa án ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án.
Như vậy, pháp luật về thi hành án hành chính hiện hành yêu cầu cả bốn hình thức thực hiện pháp luật. Nội dung thực hiện pháp luật và chủ thể thực hiện pháp luật tương ứng với các hình thức thực hiện pháp luật đã được thể hiện rõ.
 Phạm Văn Tâm - Vụ NV3
 

[1] Điều 15 Sắc lệnh số 04/SLT ngày 20/7/1957 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
[2] Điều 1 Quyết định số 10/HĐBT ngày 14/5/1985 của Hội đồng Bộ trưởng
[3] Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989