Một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tại tỉnh Quảng Ngãi và kiến nghị một số giải pháp khắc phục

31/10/2011
Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án là một công tác hết sức quan trọng nhằm nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo quy định tại Điều 136 của Hiến pháp năm 1992 thì: “các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng thi hành án là giai đoạn tiếp theo của hoạt động xét xử nhằm thực thi các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, Tòa án ban hành những bản án, quyết định công bằng, đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng, nhưng yêu cầu có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Tuy nhiên, thực trạng tổ chức thi hành án dân sự nói chung và thực trạng tổ chức thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự hiện nay còn nhiều khó khăn vướng mắc. Vì vậy, hiệu quả công tác tổ chức thi hành án đối với phần nghĩa vụ dân sự trong Bản án hình sự chưa cao, dẫn đến số lượng các vụ việc phải thi hành án dân sự còn tồn đọng hàng năm chiếm tỷ lệ lớn.


I. Thực trạng việc thi hành nghĩa vụ dân sự (phần tài sản) trong bản án hình sự:

1. Kết quả công tác tổ chức thi hành án phần tài sản trong bản án hình sự:

Từ năm 2000 đến nay, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi luôn tổ chức thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự giao; kết quả thi hành án xong hoàn toàn về việc hàng năm đạt từ 78% đến 86% trở lên so với số việc có điều kiện thi hành và thi hành xong hoàn toàn về tiền (thực thu về tiền) đạt từ 56% đến 64% trở lên so với số tiền có điều kiện thi hành. Đặc biệt, để tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành án, góp phần làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng và tạo điều kiện cho người phải thi hành án còn đang chấp hành hình phạt tù được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn; hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án dân sự, cũng như sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai cho chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sư các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động người phải thi hành án hoặc thân nhân của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại Trại giam, Trại tạm giam nâng cao nhận thức và nghĩa vụ tích cực thi hành trách nhiệm dân sự trong các bản án hình sự. Đồng thời, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã mở nhiều đợt cao điểm để chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác đặc xá, tha tù trước thời hạn cho người phải thi hành án và người thân của họ nắm bắt được việc thi hành xong phần dân sự trong các bản án hình sự là một trong những điều kiện cần thiết để được xét đặc xá, tha tù trước thời hạn. Vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người phải thi hành án và thân nhân của họ nộp tiền, tài sản tại các cơ quan Thi hành án dân sự hoặc Trại giam, Trại tạm giam. Sau mỗi đợt đặc xá đã thu được kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, làm giảm đáng kể lượng án tồn đọng tại các cơ quan Thi hành án dân sự.

Mặc dù hàng năm, kết quả thi hành án xong hoàn toàn về việc tại cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đạt từ 78% đến 86% trở lên so với số việc có điều kiện thi hành và thi hành xong hoàn toàn về tiền (thực thu về tiền) đạt từ 56% đến 64% trở lên so với số tiền có điều kiện thi hành, luôn đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ do Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao; nhưng những kết quả đạt được trên được tính trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành của tất cả các loại việc (dân sự trong hình sự; dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế…). Riêng, kết quả việc thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự chưa đạt so với việc tổ chức thi hành án đối với các loại việc khác (dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế…), số việc và tiền phải thi hành án đối với phần nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự còn tồn đọng hàng năm tương đối nhiều. Đây chính là thực trạng cần phải có giải pháp để khắc phục, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong các bản án hình sự.

1.1. Kết quả công tác tổ chức thi hành án phần tài sản trong bản án hình sự về việc:

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay; Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thụ lý tổng cộng  6.137 việc thi hành án liên quan đến phần tài sản trong bản án hình sự; trong đó có 3.489 việc thi hành án thuộc diện chủ động (phạt tiền; tịch thu tài sản; xử lý vật chứng, tài sản; truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính; án phí trong các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự); 2.648 việc thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự (phần bồi thường cho cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội và công dân như: Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; bồi thường thiệt hại về tài sản…); 3.195 việc thi hành án có điều kiện thi hành; 2.942 việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành; đã tổ chức thi hành xong tổng cộng 4.540 việc (trong đó thi hành xong hoàn toàn là 2.240 việc; giải quyết theo điều luật như: Trả đơn yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án và ủy thác thi hành án là 2.300 việc); còn 1.597 việc chưa tổ chức thi hành xong; tỷ lệ giải quyết xong (bao gồm thi hành xong hoàn toàn và giải quyết theo điều luật) đạt gần 74% của tổng số việc thi hành án thụ lý giải quyết.

Trong những năm qua, với tỷ lệ việc giải quyết xong đạt 74% trên tổng số việc đã thụ lý thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi hành phần tài sản trong các bản án hình sự (việc thi hành án) đạt được hiệu qủa cao. Tuy nhiên, thực tế giải quyết án lại không phản ánh đúng hiệu quả như vậy. Bởi vì: Trong 4.540 việc thi hành xong thì có đến 2.300 việc giải quyết theo điều luật (giải quyết xong về việc nhưng không thu được tiền, tài sản) như: Trả lại đơn yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án và ủy thác thi hành án; số vụ việc này chiếm tỷ lệ 51% của số việc thi hành xong và chiếm tỷ lệ 37% của tổng số việc thụ lý; trong khi đó số việc thi hành xong hoàn toàn (giải quyết xong về việc và đã thực thu xong về tiền, tài sản) có 2.240 việc; chiếm tỷ lệ 49% của số việc thi hành xong và chiếm tỷ lệ 36% của tổng số việc thụ lý thi hành. Như vậy, số vụ việc thi hành án đối với phần thi hành nghĩa vụ dân sự trong các bản án hình sự còn tồn đọng vẫn còn cao (chiếm tỷ lệ 26% trên tổng số việc thụ lý).

1.2. Kết quả công tác tổ chức thi hành án phần tài sản trong bản án hình sự về tiền:

Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay; Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã thụ lý tổng cộng  47.957.642.000 đồng thi hành án liên quan đến phần tài sản trong bản án hình sự; trong đó có 17.567.342.000 đồng thi hành án thuộc diện chủ động (phạt tiền; tịch thu tài sản; xử lý vật chứng, tài sản; truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính; án phí trong các bản án, quyết định của Tòa án về hình sự); 30.390.300.000 đồng thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự (phần bồi thường cho cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội và công dân như: Bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe; bồi thường thiệt hại về tài sản…); số tiền có điều kiện thi hành án là 16.985.647.000 đồng; số tiền chưa có điều kiện thi hành án là 30.971.995.000 đồng; đã tổ chức thi hành xong tổng cộng 24.367.843.000 đồng (trong đó thực thu là 14.452.614.000 đồng; giải quyết theo điều luật như: ủy thác, trả đơn yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành án là 9.915.229.000 đồng); còn 23.589.799.000 đồng chưa tổ chức thi hành xong; tỷ lệ thực thu đạt 30% của tổng số tiền thụ lý giải quyết; tỷ lệ giải quyết xong (bao gồm cả thực thu và giải quyết theo điều luật) đạt gần 51% so với tổng số tiền thụ lý giải quyết.

Như vậy, việc tổ chức thi hành án về tiền đối với phần tài sản trong bản án hình sự chưa đạt hiệu quả (thi hành xong chỉ đạt 51% so với tổng số tiền thụ lý giải quyết; còn tồn 49% về tiền).

2. Những khó khăn, vướng mắc đối với việc tổ chức thi hành nghĩa vụ dân sự (phần tài sản) trong bản án hình sự:

2.1. Những khó khăn do người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành: Số án (việc và tiền) chưa thi hành xong hoàn toàn vẫn còn nhiều, chủ yếu là án chưa có điều kiện thi hành do:

- Người phải thi hành án đang thụ hình hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án;

- Người phải thi hành án đang ở địa phương, nghĩa vụ (tiền) phải thi hành quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc diện đang tranh chấp và có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành; Vì vậy, khi cơ quan Thi hành án lên phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thì xét thấy giá trị tài sản chỉ đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế, không giải quyết được số tiền phải thi hành án nên không tiến hành xử lý được.

- Người phải thi hành án đã đủ tuổi thành nên và bị phạt tù. Do vậy, khi cơ quan Thi hành án tổ chức thi hành đã xác minh điều kiện thi hành án thì họ không có điều kiện thi hành; trong khi đó nhân thân của người phải thi hành án phần dân sự trong các bản án hình sự chưa thực sự quan tâm đúng mức đến người phải thi hành án (nhất là cha mẹ của người thành niên phạm tội nhưng còn sống phụ thuộc gia đình…). Nên kiên quyết không thi hành thay phần dân sự trong các bản hình sự cho người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù. Vì họ cho rằng, người phải thi hành án (nhất là cha mẹ của người thành niên phạm tội nhưng còn sống phụ thuộc gia đình…) đã có quyền công dân và tự chịu trách nhiệm về phần dân sự của mình. Trong khi đó, pháp luật chưa ràng buộc trách nhiệm của thân nhân người phải thi hành án trong việc thi hành thay phần nghĩa vụ dân sự cho người phải thi hành án.

(Trong tổng số 6.137 việc thi hành án liên quan đến phần tài sản trong bản án hình sự mà cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thụ lý giải quyết từ năm 2000 đến nay có đến 2.942 việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành; chiếm tỷ lệ 48% trên tổng số việc thụ lý giải quyết; đồng thời, trong tổng số tiền 47.957.642.000 đồng thi hành án liên quan đến phần tài sản trong bản án hình sự mà cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thụ lý giải quyết từ năm 2000 đến nay có đến 30.971.995.000 đồng chưa có điều kiện thi hành; chiếm tỷ lệ 65% trên tổng số tiền thụ lý giải quyết).

2.2. Những khó khăn về cơ chế phối hợp và quy định của pháp luật trong quá trình áp dụng, tổ chức thi hành phần tài sản trong bản án hình sự:

- Nhiều việc thi hành án, những người phải thi hành án có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm (có chia phần cụ thể) nhưng khi một người trong số đó có điều kiện thi hành xong phần nghĩa vụ của mình, trong khi đó phần nghĩa vụ của người khác (người chưa có điều kiện) chưa thi hành xong, thì theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của liên Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì: “Nếu người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật dân sự”. Tuy nhiên, khi chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự yêu cầu người có điều kiện thi hành án thi hành thay phần nghĩa vụ cho người chưa có điều kiện thi hành án, nhưng người có điều kiện thi hành án không thi hành thay nghĩa vụ cho người chưa có điều kiện thi hành án, mặc dù Chấp hành viên đã giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án có điều kiện thi hành; đồng thời khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người có điều kiện, thì cơ quan thi hành án dân sự không nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan vì họ cho rằng Luật quy định chưa rõ về vấn đề này, trong khi Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 chỉ được ban hành trong giới hạn của liên Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà không có sự tham gia của các cơ quan có liên quan, nên không ràng buộc được các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện.

- Nhiều trường hợp khi xét xử, Tòa vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện truy thu tiền trốn thuế hơn tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín phải bồi thường thiệt hại hơn 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba phải bồi thường thiệt hại hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản, nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Pháp luật hiện hành chưa có những quy định thống nhất, đồng bộ như quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập, tài sản của người phải thi hành án thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Thi hành án trong việc xác minh, phát hiện và kê biên tài sản của người phải thi hành án. Có trường hợp xác định tài sản trên thực tế đúng là của người phải thi hành án, nhưng trong các giao dịch trước đó các bên không làm thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định nên giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng tài sản vẫn mang tên người khác, vì vậy chấp hành viên không thể tiến hành kê biên, xử lý tài sản được nên không đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án (ví dụ như đất cha mẹ cho con làm nhà ở nhưng cha mẹ vẫn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

- Pháp luật về Thi hành án hình sự hiện hành (Luật Thi hành án hình sự đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011) chưa quy định trách nhiệm cho Tòa án ra Quyết định thi hành án phạt tù và chưa quy định trách nhiệm của Trại giam, Trại Tam giam nơi tiếp nhận hình phạt tù phải có trách nhiệm gửi Quyết định và Thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án xét xử bản án sơ thẩm, để cơ quan Thi hành án dân sự biết được nơi chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án dân sự, gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác định nơi chấp hành hình phạt tù và trong việc tổ chức thi hành án dân sự đối với người thi hành án đang chấp hành hình phạt tù.

- Luật Thi hành án dân sự cũng như Luật Thi hành án hình sự đã quy định trách nhiệm của Trại giam, Trại tạm giam nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù có trách nhiệm nhận tài sản, tiền mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại Trại giam để thi hành án, chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có trụ sở; nhận tài sản, tiền do cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến để giao cho phạm nhân theo quy định của Luật thi hành án dân sự; Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ có liên quan đến phạm nhân phải thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các nghĩa vụ dân sự khác về nơi phạm nhân chấp hành án phạt tù, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của phạm nhân, nơi về cư trú của người được đặc xá, người được miễn chấp hành án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù, phạm nhân chuyển nơi chấp hành án phạt tù hoặc chết. Tuy nhiên, trong thực tế các Trại giam, Trại tạm giam chưa thật sự thực hiện tốt quy định này.

- Luật Đặc xá ngày 21/11/2007 của Quốc Hội chỉ quy định trách nhiệm của người chấp hành hình phạt tù để được xem xét đặc xá  “Chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá” (khoản 3, Điều 13 Luật Đặc xá); “Cam kết không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá” (khoản 4, điều 14 Luật Đặc xá) mà chưa quy định ràng buộc người chấp hành hình phạt tù theo hướng xét thái độ và kết quả thi hành nghĩa vụ dân sự là một trong những điều kiện bắt buộc để xem xét đặc xá. Vì vậy, việc tổ chức thi hành án dân sự của chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự đối với người chấp hành hình phạt tù sau khi đặc xá rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

- Mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án dân sự hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác quản lý thi hành án hiện nay đang ở trong tình trạng tản mạn, thiếu tập trung thống nhất do có nhiều cơ quan khác nhau quản lý, tổ chức thực hiện (Bộ Công an quản lý việc thi hành án phạt tù, tử hình và trục xuất; Bộ Quốc phòng quản lý và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án quân sự, kể cả hình sự và dân sự; Bộ Tư pháp quản lý và tổ chức thi hành án dân sự; UBND tổ chức, quản lý đương sự về cải tạo không giam giữ, án treo…) nên dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tổng kết, đánh giá, nắm tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn thi hành án. Ngoài ra, giữa việc thi hành án dân sự và thi hành án hình sự thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ nên công tác thi hành án dân sự gặp nhiều vướng mắc trong những trường hợp cùng một bản án hình sự có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm ra quyết định và tổ chức thi hành (cơ quan Thi hành án hình sự chịu trách nhiệm thi hành hình phạt, cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm thi hành phần án phí, tiền phạt và phần dân sự). Sự chưa gắn kết đó cản trở cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác minh điều kiện thi hành án của người bị kết án, thực hiện các thủ tục thông báo về thi hành án liên quan đến phần nghĩa vụ dân sự. Các cơ quan Thi hành án dân sự trong hầu hết các trường hợp không được thông tin đầy đủ về thời gian ra tù, địa chỉ của đương sự sau khi chấp hành xong hình phạt tù, nhiều đương sự sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã bỏ đi nơi khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự. Mặt khác do sự đan xen, chồng chéo giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự như hiện nay, nên trách nhiệm của từng cơ quan chưa được phân định rõ ràng, tạo sự lệ thuộc của cơ quan Thi hành án dân sự khi phải báo cáo, đề nghị các cơ quan liên quan cho ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ trong khi pháp luật chưa có những quy định tạo sự độc lập cũng như giành những quyền hạn cần thiết cho việc đảm bảo thi hành án của Chấp hành viên như chưa có quy định về quyền của chấp hành viên được khám xét người đương sự, nơi ở của đương sự và những người liên quan khi biết rõ họ đang có tài sản hoặc cất giấu, tẩu tán tài sản.

- Sự phối hợp giữa các cơ quan Ban,  ngành, tổ chức với cơ quan Thi hành án dân sự: Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức còn có sự can thiệp không đúng thẩm quyền vào quá trình thi hành án; không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, phối hợp, tham gia công tác thi hành án như: không thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc tống đạt các loại giấy tờ, quyết định về thi hành án cho các đương sự, không tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế, kê biên, định giá tài sản; xem xét kịp thời những kiến nghị của cơ quan Thi hành án đối với bản án, quyết định… Trong khi pháp luật chưa có những quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong trường hợp không thực hiện đúng và kịp thời những yêu cầu của chấp hành viên và cơ quan Thi hành án.

II. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành nghĩa vụ dân sự (phần tài sản) trong bản án hình sự:

Để khắc phục những khó khăn, bất cập và vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành nghĩa vụ dân sự (phần tài sản) trong bản án hình sự; chúng tôi xin nêu một số giải pháp và kiến nghị cụ thể sau:

- Phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án.

- Ngoài những quy định của pháp luật về trả lại đơn yêu cầu thi hành án; đình chỉ thi hành án; tạm đình chỉ thi hành án, hoãn thi hành án; miễn giảm án phí, tiền phạt cần nghiên cứu bổ sung quy định chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm thi hành phần tài sản trong các bản án hình sự đối với người thân thích (cha, mẹ) của người thành niên phạm tội chưa có điều kiện thi hành án còn sống phụ thuộc vào gia đình (trước khi phạm tội và đi thụ hình);

- Cần nghiên cứu việc quản lý thu nhập của phạm nhân trong quá trình lao động, sản xuất ở các Trại giam, Trại tạm giam theo hướng có thể trích một phần thu nhập để đảm bảo thi hành án dân sự; đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định về chế độ lao động bắt buộc (lao động công ích) đối với trường hợp người phải thi hành án không có tài sản (kể cả phạm nhân khi ra tù chưa có công ăn việc làm) để tạo điều kiện cho họ có thu nhập và có thể khấu trừ thi hành án.

- Cần nghiên cứu, bổ sung Luật thi hành án dân sự hoặc Nghị định hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự của Chính phủ (những văn bản có giá trị pháp lý và có phạm vi áp dụng coo hơn Thông tư liên tịch) quy định về việc thi hành nghĩa vụ liên đới trong thi hành án dân sự, nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả công tác tổ chức thi hành án dân sự đối với khoản thi hành án về nghĩa vụ liên đới.

- Khi xét xử, Tòa án cần nghiên cứu đến tính khả thi của bản án để quyết định các hình phạt phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống vì rất nhiều trường hợp khi xét xử, Tòa vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Nghiên cứu, bổ sung Pháp luật về Thi hành án hình sự quy định trách nhiệm của Tòa án ra Quyết định thi hành án phạt tù và trách nhiệm của Trại giam, Trại Tam giam nơi tiếp nhận hình phạt tù phải có trách nhiệm gửi Quyết định và Thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án xét xử bản án sơ thẩm, để cơ quan Thi hành án dân sự biết được nơi chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án dân sự,ắnhmf tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự trong việc xác định nơi chấp hành hình phạt tù và trong việc tổ chức thi hành án dân sự đối với người thi hành án đang chấp hành hình phạt tù.

- Cần ban hành Quy chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với Trại giam, Trại tạm giam trong việc cung cấp thông tin của người đang chấp hành hình phạt tù; việc thu, nộp các khoản tiền phải thi hành án của người đang chấp hành hình phạt tù… nhằm tăng cường công tác phối hợp và trách nhiệm của cơ quan Thi hành án và Trại giam, Trại Tạm giam trong việc thi hành án dân sự.

- Đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung Pháp luật về Đặc xá thêm quy định: về điều kiện xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù và đặc xá tha tù trước thời hạn theo hướng: người đang chấp hành hình phạt tù phải thi hành xong tất cả các nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự là một trong những điều kiện bắt buộc để được xem xét miễn, giảm thời gian chấp hành hình phạt tù và đặc xá, tha tù trước thời hạn.

- Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành án, cần phải sửa đổi và quy định mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án; công tác quản lý thi hành án giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành (cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành).

 - Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án dân sự, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm  vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện; đồng thời phải quy định chế tài hành chính và chế tài về hình sự đối với các cơ quan, ban ngành hữu quan và cá nhân có thẩm quyền khi không phối hợp, thực hiện những yêu cầu của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án như: xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án./.

Phạm Huy Ân