Hướng giải quyết dứt điểm một dạng việc thi hành án dân sự tồn đọng kéo dài.

12/11/2012


Nhìn chung trong những năm gần đây, công tác thi hành án dân sự đã và đang ngày càng thu được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể là tỷ lệ giải quyết về việc và giá trị đều tăng, chất lượng hoạt động thi hành án dân sự ngày càng được cải thiện thể hiện qua số lượng việc thi hành án bị khiếu nại, tố cáo đúng sự thật có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những mặt tích cực như vậy thì chưa đáp ứng được sự quan tâm, đòi hỏi của Quốc hội và Chính phủ đối với công tác thi hành án. Một thực trạng hiện nay là lượng án tồn đọng mà thời gian tổ chức thi hành qua nhiều năm vẫn còn rất nhiều cả về số việc và giá trị, để xảy ra tình trạng như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến bản lĩnh nghề nghiệp của Chấp hành viên và cán bộ làm công tác thi hành án còn nhiều hạn chế và những vướng mắc xuất phát từ chính các quy định của pháp luật.

Với mong muốn làm giảm bớt lượng án còn tồn đọng hiện nay, bản thân tôi xin trao đổi một số tình huống thực tiễn và mạnh dạn nêu ra quan điểm của mình trên cơ sở bám sát các quy định của pháp luật và đôi khi phải vận dụng linh hoạt để giải quyết dứt điểm vụ việc mà không làm ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đã được ghi nhận trong Bản án, quyết định, trong khi đó các cơ quan Thi hành án dân sự vẫn có thể đảm bảo chỉ tiêu được giao. Rất mong các đồng chí và đồng nghiệp quan tâm trao đổi và cùng thảo luận.

Tình huống thứ nhất - việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 Luật Thi hành án dân sự.

Điều 54 Luật Thi hành án dân sự quy định:

" 1. Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện như sau:

a) Trường hợp hợp nhất thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Trường hợp sáp nhập thì tổ chức sáp nhập tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia, tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia, tách;

d) Trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.

Cơ quan Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó;  

đ) Trường hợp phá sản thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định về phá sản;

e)Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đó tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.

2. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Luật này.

Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây.

Đối với các quyết định, thông báo khác về thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan Thi hành án dân sự giữ nguyên, thu hồi hoặc ra các quyết định, thông báo khác phù hợp theo quy định của Luật này.

4. Trường hợp đương sự thỏa thuận về việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ về thi hành án cho người thứ ba thì người thứ ba có quyền, nghĩa vụ của đương sự."

Theo quy định nêu trên thì có thể thấy rằng trong các điều kiện và đối tượng được chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án được quy định tại khoản 1, 2 là rõ ràng, nhưng vấn đề vướng mắc lại nằm ở trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển giao quy định tại khoản 3. Xin nêu ví dụ và phân tích làm rõ như sau:

VD: Bản án, quyết định tuyên A là người được hưởng quyền lợi (hoặc phải có nghĩa vụ). Căn cứ vào bản án, quyết định (hoặc đơn yêu cầu thi hành án), cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành quyết định thi hành án và đang tổ chức thi hành vụ việc đối với A. Trong quá trình tổ chức thi hành, xác định quyền và nghĩa vụ của A được chuyển giao cho B theo quy định tại khoản 1, 2.

Thực tiễn có thể rơi vào các trường hợp:

+ Trường hợp thứ nhất, nếu vụ việc thuộc diện chủ động thi hành án, hoặc trường hợp thuộc diện theo đơn yêu cầu mà sau đó B đã làm đơn yêu cầu thi hành án. Khi đó, theo đúng quy định tại khoản 3, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ thu hồi quyết định thi hành án cũ và ban hành quyết định thi hành án mới đối với B. Trường hợp này hoàn toàn thuận lợi, không có vấn đề gì vướng mắc.

+ Trường hợp thứ hai, vụ việc thuộc diện theo đơn yêu cầu thi hành án và A là người được thi hành án. Theo đúng tinh thần quy định tại khoản 3 nêu trên, khi đó B là người có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, bản thân B lại không thực hiện quyền của mình. Vậy thì vấn đề đặt ra là cơ quan Thi hành án dân sự sẽ xử lý quyết định thi hành án đã ban hành trước đó đối với A như thế nào?

Tình huống thứ hai - Giải quyết những vụ việc tồn đọng mà trước đây cơ quan Thi hành án dân sự đã chủ động ra quyết định thi hành án nhưng theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 lại thuộc diện ra quyết định theo đơn yêu cầu.

Những vụ việc này, theo quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành quyết định chủ động mà vẫn chưa tổ chức thi hành xong tính đến ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực thay thế Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993.

Để phù hợp với quy định tại thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 404/TP-THA hướng dẫn một số vấn đề về nghiệp vụ thi hành án. Tại mục 1.2 Công văn số 404/TP-THA hướng dẫn:

" Trong trường hợp trước đây cơ quan Thi hành án dân sự đã chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành mà chưa thi hành xong, nhưng theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc diện thi hành theo đơn yêu cầu, thì cơ quan Thi hành án phải có văn bản hướng dẫn cho người được thi hành làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án.

Trong trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự đã hướng dẫn nhưng người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, thì hết thời hạn 3 năm kể từ ngày Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 có hiệu lực thi hành (01/7/2004), cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ khoản 8 Điều 28 Pháp lệnh này ra quyết định đình chỉ thi hành án."

Hướng dẫn nêu trên đã tháo gỡ một phần lớn lượng án tồn đọng bởi vì hầu hết các vụ việc như vậy, các cơ quan Thi hành án dân sự đã kịp thời hướng dẫn và cũng gần như toàn bộ các vụ việc người được thi hành án sau khi được hướng dẫn đều không có đơn yêu cầu thi hành án, do đó các cơ quan Thi hành án dân sự đã đình chỉ và giải quyết triệt để vụ việc thi hành án. Tuy nhiên, cũng có nhiều vụ việc do gặp vướng mắc trong việc hướng dẫn làm đơn yêu cầu thi hành án mà các cơ quan Thi hành án dân sự chưa có đủ cơ sở để ra quyết định đình chỉ, trong khi đó ngày 27/4/2009, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-BTP hủy bỏ Công văn số 404/TP-THA. Do đó, một lần nữa những vụ việc chưa kịp giải quyết theo tinh thần Công văn 404 lại tiếp tục bị kéo dài và trở thành tồn đọng cho đến nay. Qua thực tiễn thấy rằng số lượng những vụ việc như vậy không phải là ít và hơn nữa, giá trị phải thi hành trong những vụ việc này lại rất lớn. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của các cơ quan Thi hành án dân sự vì không có cơ sở để giải quyết dứt điểm, theo cá nhân tôi trong trường hợp này phải "vận dụng" các quy định của pháp luật để giải quyết mới mong xóa bỏ được lượng án tồn đọng này. Việc khó khăn trong cơ chế giải quyết như đã nêu ở trên là đã rõ ràng, bên cạnh đó lại còn sự thiếu thiện chí, hợp tác từ phía đương sự cho nên việc cơ quan Thi hành án dân sự không thể xử lý xong vụ việc cũng là điều dễ hiểu. Xin nêu ví dụ để phân tích cụ thể sự vận dụng của cơ quan Thi hành án dân sự.

VD: Quyết định thi hành án số 51/THA, ngày 14/5/1999 cho thi hành khoản ông Nhữ Duy N phải bồi thường cho công ty lương thực TL hiện vật là 38 tấn thóc tẻ. Áp dụng tinh thần tại Công văn số 404/TP-THA, cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng pháp lý của công ty TL, do đó không thể hiện được việc công ty TL đã được hướng dẫn nhưng không làm đơn yêu cầu thi hành án. Vì vậy, cũng chưa có cơ sở vững chắc để ra quyết định đình chỉ theo nội dung Công văn số 404/TP-THA.Vụ việc kéo dài qua nhiều năm, đến thời điểm hiện nay, cơ quan Thi hành án dân sự mới xác định được địa chỉ và tiến hành làm việc với đại diện theo pháp luật của công ty về nội dung hướng dẫn làm đơn yêu cầu thi hành đối với khoản bồi thường nêu trên. Có thể thấy rõ, việc làm này cũng là một sự "vận dụng" tinh thần của Công văn số 404/TP-THA vốn đã chấm dứt hiệu lực. Sự vận dụng này thực sự có ý nghĩa nếu phía công ty TL có đơn yêu cầu thi hành án, bởi vì khi đó, căn cứ vào kết quả xác minh điều kiện thi hành án của ông N, cơ quan Thi hành án dân sự hoàn toàn có thể giải quyết dứt điểm trên cơ sở các quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể là áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu ông N có điều kiện thi hành hoặc ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho công ty TL nếu ông N không có tài sản để thi hành án, hoặc vụ việc cũng có thể được giải quyết thông qua thỏa thuận giữa các bên .... Nói tóm lại là khi đó có cơ sở để cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng qua nhiều năm.

Quay trở lại vấn đề trên, sự "vận dụng" là không có hiệu quả khi mà phía công ty TL không làm đơn yêu cầu thi hành án. Khi đó, cơ quan Thi hành án không thể tiếp tục "vận dụng" Công văn số 404/TP-THA để ra quyết định đình chỉ thi hành án được. Như vậy, việc thi hành án lại vẫn ở trạng thái bế tắc mà không có hướng giải quyết dứt điểm.

Từ hai tình huống đã nêu ra ở trên, có thể thấy rằng hiện nay các cơ quan Thi hành án dân sự đang thực sự lúng túng trong việc giải quyết xuất phát từ việc thiếu cơ sở pháp lý, điều này cũng bắt nguồn từ tâm lý e ngại, không mạnh dạn áp dụng, vận dụng những quy định mới mẻ, mang tính đột phá vốn là chìa khóa để làm giảm lượng án tồn đọng trong giai đoạn hiện nay.

Quan điểm giải quyết:

Trong các tình huống đã đưa ra, có thể thấy điểm chung là việc cơ quan Thi hành án dân sự không có cơ sở để giải quyết đối với quyết định thi hành án (hoặc phần quyết định thi hành án) đã ban hành theo các căn cứ trước đó (có thể căn cứ là quy định của pháp luật hoặc là Bản án, quyết định) mà đến thời điểm hiện tại, căn cứ đó không còn cơ sở áp dụng do có thay đổi về đối tượng được hưởng quyền lợi hoặc pháp luật có sự điều chỉnh khác và để giải quyết triệt để, cơ quan Thi hành án dân sự phải phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của đương sự. Để tháo gỡ vấn đề đã nêu ở trên, theo quan điểm của cá nhân tôi, cơ quan Thi hành án dân sự cần căn cứ quy định tại Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để ra Quyết định thu hồi quyết định (hoặc phần quyết định) thi hành án đã ban hành trước đó.

Về cơ sở pháp lý để thu hồi, có thể áp dụng điểm c khoản 1 Điều 37:

" ... Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn."

Về trình tự, thủ tục, sau khi ra quyết định thu hồi, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ thông báo và hướng dẫn và ấn định thời hạn để đối tượng được chuyển giao quyền, nghĩa vụ (trong tình huống thứ nhất) và đối tượng được thi hành án (trong tình huống thứ hai) thực hiện quyền làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

- Nếu đối tượng được hướng dẫn thực hiện việc làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự sẽ ban hành quyết định thi hành án mới trên cơ sở các quy định của Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành.

- Nếu đối tượng được hướng dẫn không thực hiện việc làm đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án có thể kết thúc việc thi hành án sau khi đã lưu thông báo, hướng dẫn làm đơn yêu cầu thi hành án. Thời hiệu để họ làm đơn yêu cầu thi hành án áp dụng theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, có thể thấy rằng, thực hiện như trên sẽ làm kết thúc việc thi hành án một cách nhanh, gọn mà người được thi hành án (hoặc người được chuyển giao quyền lợi) cũng không bị mất đi quyền của mình, chỉ có điều quyền của họ muốn được bảo đảm phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục của các quy định hiện hành. Việc thu hồi các quyết định về thi hành án nói chung và quyết định thi hành án nói riêng là một điểm mới của Luật Thi hành án dân sự mà Pháp lệnh Thi hành án dân sự trước đây không quy định. Cũng vì lý do đó mà Công văn số 404/TP-THA đã hướng dẫn theo hướng ra quyết định đình chỉ thi hành án sau khi đã hết thời gian hướng dẫn làm đơn yêu cầu thi hành án, đến khi Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực pháp luật thì tinh thần của Công văn số 404/TP-THA cũng không còn cần thiết nữa. Vì theo cá nhân tôi, Điều 37 Luật Thi hành án dân sự đã giúp giải quyết vấn đề này.

Trên đây là cách nhìn nhận, quan điểm của cá nhân tôi để giải quyết, tháo gỡ những tình huống nêu trên khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ và giảm được những loại vụ việc tồn đọng mà các cơ quan Thi hành án dân sự chưa kịp giải quyết dứt điểm theo hướng dẫn tại Công văn số 404/TP-THA. Trong lý luận còn nhiều hạn chế, rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi để các cơ quan Thi hành án dân sự có thể yên tâm và mạnh dạn thực hiện./.

Lương Thanh Tùng.

Chi cục THADS huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.