Sửa đổi Nghị định 61 về Thừa phát lại: Thêm quyền cho Thừa phát lại?

05/03/2013
Xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị cho phép Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án trước khi có bản án, tuy nhiên theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính thì chỉ nên quy định Thừa phát lại có quyền xác minh tài sản phục vụ việc ra quyết định khẩn cấp tạm thời cho việc kê biên tài sản theo yêu cầu của Tòa án. Đây là một nội dung quan trọng tại cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 61/Cp vừa được Bộ Tư pháp tổ chức mới đây.


Không nên mang nhiều “màu sắc” cơ quan nhà nước

Theo Nghị định 61/CP, các việc mà Thừa phát lại được làm bao gồm thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan Thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn, Nghị định sửa đổi đề nghị nghiên cứu, bổ sung Thừa phát lại được tống đạt các văn bản của các cơ quan, tổ chức khác ngoài Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự; cho phép Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án trước khi có bản án; cho phép Thừa phát lại xác định địa chỉ của đương sự trước khi có bản án, quyết định để giúp cho Tòa án trong việc thụ lý, xét xử vụ việc.

Bà Minh Hồng, Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phân vân “khó nhất ở chỗ ta không có quyền tiếp cận các thông tin về tài sản thì có làm được không?” đối với phạm vi Thừa phát lại được làm theo đề xuất, bà Hồng cũng lo ngại “khi có tranh chấp, khiếu nại về 1 bản án nào đó thì giải quyết tranh chấp đó là ai?, ở nhiều nước trên thế giới vấn đề này đặt dưới quyền của thẩm phán về thi hành án nhưng ta thì không có”.

Vấn đề này, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng bảy tỏ quan điểm các việc mà Thừa phát lại được làm “không nên mang nhiều màu sắc của 1 cơ quan nhà nước, hãy làm tốt việc của mình”về xác minh điều kiện thi hành án trước khi có bản án đại diện này cũng thấy “không ổn vì bản án đã có đâu mà biết bên nào thắng thua để đi xác minh”.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị, nên giữ nguyên phạm vi công việc Thừa phát lại được làm như hiện nay. Vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nói rõ: Thừa phát lại không tống đạt cho cơ quan hành chính hay người dân mà chỉ tống đạt cho Tòa án và thi hành án. Vấn đề tống đạt cho cơ quan, tổ chức khác ngoài Tòa án và thi hành án sẽ được tính toán thêm khi Thừa phát lại hoạt động chính thức.

Riêng về xác minh điều kiện thi hành án trước khi có bản án theo Thứ trưởng là quá rộng, chỉ nên quy định Thừa phát lại có quyền xác minh tài sản phục vụ việc ra quyết định khẩn cấp tạm thời cho việc kê biên tài sản và xác minh nơi cư trú của đương sự theo yêu cầu của Tòa án.Việc này giúp họat động tố tụng chặt chẽ, chính xác hơn. Tuy nhiên, thông tin về tài sản thuộc về bí mật đời tư, nhạy cảm, Thừa phát lại là người do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm nên việc xác minh cũng phải thận trọng, chưa nên “bung ra” ở thời điểm này. Thứ trưởng yêu cầu thiết kế một điều mới về trình tự thủ tục xác minh, quy định rõ Tòa án có quyền trưng cầu, Thừa phát lại ra quyết định, giao cho ai thực hiện…

Đề xuất bỏ địa hạt.

Liên quan đến vấn đề về thi hành án, nhiều nội dung đề xuất rất đáng chú ý như nghiên cứu, mở rộng phạm vi, thẩm quyền thi hành án theo địa hạt, theo đó, văn phòng Thừa phát lại được thi hành án trên địa bàn toàn thành phố (không hạn chế ở quận, huyện như hiện nay); nghiên cứu bỏ quy định Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế (trong trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng) mà chỉ cần phê duyệt kế hoạch cưỡng chế.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương đồng tình với đề xuất này. Theo bà Hương nên mở rộng địa bàn cho Thừa phát lại hoạt động trên phạm vi toàn thành phố,không nên giới hạn trong phạm vi quận huyện nơi Thừa phát lại có trụ sở. Thậm chí, Thừa phát lại của Hà Nội có thể vào thành phố Hồ Chí Minh “tác nghiệp” nếu có yêu cầu.

Đại diện Văn phòng Chính phủ không đồng tình với đề xuất này và cho rằng nên giữ như quy định hiện hành, bởi như vậy, nếu so với Chi cục thi hành án cấp quận, Thừa phát lại sẽ vượt quá cả thẩm quyền của Chi cục.

TS. Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp Bộ Tư pháp cũng đề nghị cần cân nhắc thận trọng vấn đề này bởi trong thời gian tới nếu tổ chức Tòa án theo khu vực, bản thân địa hạt sẽ thay đổi, sẽ bớt 30% số Tòa án quận, huyện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho rằng, với địa hạt như hiện nay, để xử lý mối quan hệ phối hợp đã khó khăn huống hồ bỏ địa hạt sẽ “không có lề lối gì”. Theo thứ trưởng, quyền của Thừa phát lại không thể lớn hơn Chi cục vì thế chưa nên đặt ra vấn đề về bỏ địa hạt trong lúc này.

Riêng vấn đề bỏ quy định Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế, từ trước đến nay chưa ra quyết định lần nào, đề xuất bỏ nhưng lại không giải thích được vì sao là không nên.

Thu Hằng