Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự

13/12/2012
Quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thi hành án dân sự: là một bộ phận của quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính - tư pháp. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là thông qua hoạt động tổ chức, điều hành của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân được nhà nước giao quyền nhằm tổ chức và phối hợp những cố gắng chung của toàn xã hội để giải quyết những nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự, mà cụ thể là đảm bảo các yếu tố vật chất, tinh thần, pháp lý... cho hoạt động thi hành án dân sự đem lại hiệu quả cao nhất góp phần hoàn thiện cải cách nền hành chính nhà nước trong tình hình hiện nay.


Quá trình Quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là chấp hành luật pháp, ban hành các văn bản, cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; tổ chức điều hành để đưa các văn bản quy phạm pháp luật đó vào thực tiễn thi hành án dân sự; tổ chức bộ máy thi hành án; đào tạo, quản lý nguồn nhân lực phục vụ hoạt động thi hành án dân sự; tiến hành kiểm tra việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; kịp thời uốn nắn và xử lý các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động thi hành án dân sự... nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự nhằm đảm bảo cho mọi bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành nhanh chóng, đầy đủ và đúng pháp luật.

Như vậy, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong việc sử dụng quyền lực nhà nước để xây dựng và sử dụng phương tiện pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Nói một cách cụ thể hơn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự là hoạt động của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhằm đảm bảo cho:

Một là, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được chấp hành đầy đủ, nghiêm chỉnh, đúng luật;

Hai là, đảm bảo hiệu lực điều hành, quản lý công tác thi hành án dân sự của bộ máy nhà nước;

Ba là, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, đảm bảo pháp chế và những yêu cầu khác đối với thi hành án dân sự;

Bốn là, tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án một cách đầy đủ, hiệu quả buộc những người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án;

Năm là, ngăn chặn, phòng ngừa, tiếp tục đấu tranh với những hành vi vi phạm trật tự quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự;

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Trên mọi ý nghĩa cụ thể có thể hiểu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực Thi hành án dân sự là một bộ phận của quản lý hành chính - tư pháp, do những cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự để hiện thực hóa các quyền, nghĩa vụ trong bản án trên thực tế, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa và đảm bảo sự ổn định trật tự, an toàn xã hội; tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xă hội... của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo quy định của pháp luật, chỉ cơ quan Thi hành án dân sự mới có thẩm quyền tổ chức thi hành các bản án, quyết định và chỉ có Chấp hành viên với những nhiệm vụ và quyền hạn được Nhà nước giao phó có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thi hành theo quy định của Pháp Luật.

Việc tổ chức thi hành án được thực hiện trên cơ sở giáo dục, vận động, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành. Không phải trong mọi trường hợp người phải thi hành án cũng tự nguyện thi hành các nghĩa vụ theo quyết định, bản án mà Tòa án đã tuyên mặc dù có đủ điều kiện để thi hành án, họ luôn tìm mọi cách trốn tránh không thi hành án. Chính điều này đã gây không ít khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình thi hành án.

Vì vậy để các phán quyết của Tòa án, nhân danh Nhà nước được đảm bảo thi hành trên thực tế, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của đương sự, trong những trường hợp như thế, đòi hỏi cơ quan Thi hành án dân sự cũng như Chấp hành viên phải sử dụng quyền lực của Nhà nước để buộc người phải thi hành án nghiêm chỉnh chấp hành.

Đinh Đức Trọng

Chi cục THADS thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận