Vấn đề kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án trong thi hành án dân sự.

12/04/2013
Như chúng ta đã biết, trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án ở các cơ quan Thi hành án dân sự thì đối với việc thi hành án về nghĩa vụ trả tiền, phần lớn người phải thi hành án cố tình kéo dài việc thi hành án và bản thân họ cũng không có thu nhập nào đáng kể để đảm bảo cho việc thi hành. Do đó, trong trường hợp này, cơ quan Thi hành án phải xác minh tìm tài sản của người phải thi hành án để kê biên bán tài sản lấy tiền thi hành án.


Thực tế ở địa phương hiện nay có nhiều trường hợp chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình để đảm bảo thi hành án, vì trong xã hội hiện nay đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà thông thường Nhà nước cấp cho hộ gia đình, trong khi đó người phải thi hành án phần nhiều chỉ là chủ hộ hoặc thành viên trong hộ gia đình đó.

Về cơ sở pháp lý cho việc cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung được Luật Thi hành án dân sự quy định tại Điều 74 như sau:

“ 1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.

Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.”

Pháp luật về thi hành án đã quy định tương đối rõ về thủ tục kê biên tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất. Nhưng trong thực tế làm thế nào để việc xử lý tài sản của người phải thi hành án có chung với người khác bảo đảm thi hành đúng pháp luật, hạn chế thấp nhất khiếu nại của đương sự là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng. Vì vậy đòi hỏi chấp hành viên phải hết sức chặc chẽ trong quá trình tổ chức thi hành.

Do tầm quan trọng đó nên theo chúng tôi thì, trước khi tiến hành cưỡng chế, chấp hành viên buộc phải tiến hành xác minh tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác tại các cơ quan có chức năng đăng ký tài sản đó như quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 58/2009/NĐ-CP, ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

Trở lại quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự nêu trên thì chúng tôi nhận thấy rằng trước khi quyết định cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thực hiện các thủ tục sau:

1. Đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác (không phải của vợ, chồng) chấp hành viên buộc phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Khi đó chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Trường hợp này có một số chấp hành viên chưa phân biệt được khi đã hết 30 ngày, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì ai là người có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.

Chúng tôi thấy rằng trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu thì người được thi hành án phải có trách nhiệm yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án, bởi lẽ theo pháp luật thi hành án quy định người được thi hành án phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án cho chấp hành viên. Còn trong trường hợp thi hành án chủ động thì chấp hành viên mới có quyền (cũng như phải có trách nhiệm) yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án để bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

2. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, phần sở hữu của chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định.

Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Trong trường hợp này thì chấp hành viên phải xác định phần sở hữu của vợ, phần sở hữu của chồng. Nếu vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định. Tức là sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của chấp hành viên, vợ hoặc chồng có quyền khởi kiện.

Hết thời hạn khởi kiện mà, vợ hoặc chồng không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Vấn đề chúng tôi thấy cần lưu ý để làm rõ thêm về cơ sở để chủ sở hữu chung khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung và để cho vợ hoặc chồng khởi kiện là trước đó phải có thông báo của chấp hành viên. Đối với trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng thì chấp hành viên không có trách nhiệm yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ kể cả việc thi hành án chủ động. Trong trường hợp này chấp hành viên phải báo cáo lãnh đạo cơ quan để phối hợp các ngành hữu quan xác định chặt chẽ phần sở hữu của vợ, phần sở hữu của chồng, đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình.

Kết luận và kiến nghị:

1. Như trình bày ở phần trên thì chúng tôi thấy trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, người được thi hành án phải có trách nhiệm yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.

Trường hợp thi hành án chủ động thì chấp hành viên mới có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, vì công việc xác minh tài sản trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của chấp hành viên.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là nhận định mang tính chủ quan của chúng tôi. Để được hiểu một cách chính thống, pháp luật cần ghi nhận một cách cụ thể trường hợp nào chấp hành viên mới có quyền, cũng như mới có nghĩa vụ yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Có quy định như vậy mới có thể tránh khỏi sự đùn đẩy trách nhiệm giữa người được thi hành án và chấp hành viên trong việc yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung khi chủ sở hữu chung (bên phải thi hành án) không chịu khởi kiện ra tòa.

2. Về thủ tục khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Như chúng ta biết tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định về kê biên, xử lý tài sản đảm bảo thi hành án có ghi:

“ ... 2. Thủ tục giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án theo Khoản 4 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.”

Tại Điều 179 Luật Thi hành án dân sự, Khoản 4 có quy định:

“… 4. Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.”

Vậy theo quy định này, thì thủ tục mà cơ quan Thi hành án (tức chấp hành viên) yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án được thực hiện quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005 và Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 không có quy định cụ thể về trình tự và cách thức để cơ quan Thi thành án thực hiện việc yêu cầu.

Vì vậy chúng tôi nhận thấy cần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương nên có sự thống nhất, hướng dẫn để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật cũng như trong quan hệ với cơ quan Tòa án.

Hoàng Anh

Cục THADS Đồng Tháp