Giải quyết hậu quả trong trường hợp quyết định thi hành án không có phần lãi chậm thi hành án theo bản án của tòa án.

06/05/2013
Luật Thi hành án dân sự 2008 đã có hiệu lực được hơn 3 năm nhưng hiện nay vẫn còn khá nhiều khiếu nại của các đương sự đối với các Bản án, quyết định được thi hành trước đó (áp dụng quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993). Thực tế, trước khi Luật Thi hành án dân sự 2008 được ban hành và có hiệu lực, việc áp dụng các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 còn chưa được chặt chẽ, thống nhất. Một trong những nguyên nhân của việc đó là do trình độ và kiến thức pháp luật của chấp hành viên lúc đó còn hạn chế, kỹ năng và nghiệp vụ tổ chức thi hành án còn chưa cao hoặc có thể do kỹ thuật đánh máy lúc đó còn hạn chế... Một trong những trường hợp đó là việc ra quyết định thi hành án thiếu phần lãi chậm thi hành án theo bản án của Tòa án.


Năm 1998, Đội Thi hành án huyện A, nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh B có thụ lý ra một quyết định thi hành án cả khoản chủ động và khoản theo đơn, buộc người thi hành án thi hành khoản bồi thường tiền và vàng cho 3 người được thi hành án, phải nộp tiền án phí theo án tuyên, quá trình thi hành án kéo dài đến nay chưa thi hành xong.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh B thụ lý đơn khiếu nại và kiểm tra hồ sơ để giải quyết khiếu nại mới phát hiện đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án yêu cầu thi hành bản án đã tuyên và nội dung án có tuyên lãi chậm thi hành án theo mức lãi suất quá hạn do ngân hàng nhà nước quy định cho đến khi thi hành xong. Tuy nhiên, do kỹ thuật đánh máy nên Quyết định thi hành án của Đội thi hành án huyện A thiếu phần lãi chậm thi hành án. Người được thi hành án hiện nay yêu cầu phải thi hành tiếp khoản lãi chậm theo án tuyên.

Để giải quyết hậu quả của việc ra quyết định thi hành án thiếu phần lãi chậm thi hành án như trên, theo quan điểm của tôi, Cục Thi hành án dân sự tỉnh B cần nghiên cứu xác định rõ thời hiệu để ra quyết định thi hành án bổ sung về khoản lãi chậm trả có còn hay không.

+ Nếu thời hiệu vẫn còn thì Cục Thi hành án dân sự tỉnh B cần hướng dẫn Chi cục Thi hành án dân sự huyện A ra Quyết định thi hành án bổ sung, giải thích cho các đương sự về nghĩa vụ phải thi hành các quyết định đó của họ và tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

+ Nếu thời hiệu ra quyết định bổ sung đã hết thì không thể ra Quyết định thi hành án bổ sung. Việc trong Quyết định thi hành án thiếu khoản lãi chậm thi hành án là do sai sót của Đội trưởng Đội thi hành án huyện A (nay là Chi cục Thi hành án dân sự huyện A) và chấp hành viên thụ lý vụ việc. Vì vậy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh B cần thuyết phục các đương sự tự thoả thuận với nhau về việc thi hành khoản lãi chậm trả. Nếu không thuyết phục được các đương sự thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện A phải bồi thường cho những người được thi hành án bị thiệt hại theo các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Cục Thi hành án dân sự tỉnh B cần xem xét cụ thể trách nhiệm của Đội trưởng Đội Thi hành án dân sự huyện A và chấp hành viên thụ lý vụ việc để thực hiện việc bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật.

Việc giải quyết hậu quả của các quyết định, hành vi hành chính có từ thời điểm hệ thống pháp luật chưa được hoàn chỉnh, kỹ năng, nghiệp vụ của người thi hành pháp luật chưa được cao, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên được giải quyết thấu tình đạt lý. Việc giải quyết đó cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của các đương sự bị quyết định, hành vi hành chính đó xâm phạm, gây thiệt hại. Tuy nhiên cũng cần xem xét đến nguyên nhân thực tế. tình hình xã hội vào thời điểm đó để có hướng giải quyết cho phù hợp.

Hoàng Thu Thủy