Trao đổi về thời điểm bắt đầu và chấm dứt việc khấu trừ thu nhập theo nội dung bản án, quyết định.

25/12/2013
Trong hệ thống pháp luật Hình sự, “khấu trừ thu nhập” là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của người bị kết án cải tạo không giam giữ.


Điều 31 Bộ luật Hình sự quy định:

“Điều 31. Cải tạo không giam giữ

1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ.

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

3. Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.”

Đối với các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì “khấu trừ thu nhập” là một biện pháp cưỡng chế, được Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng đối với người phải thi hành án khi có đủ những điều kiện do pháp luật quy định.

Tại Khoản 2 Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:

“ 2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.”

Đối với những nghĩa vụ thi hành án về tiền, tùy theo tình hình thực tế mà Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ thu nhập hoặc biện pháp cưỡng chế khác, miễn là đảm bảo thực hiện đúng quyền và lợi ích của các đương sự đã được tuyên trong bản án, quyết định. Còn đối với trường hợp Tòa án đã tuyên khấu trừ thu nhập thì đương nhiên Chấp hành viên sẽ phải thực hiện việc khấu trừ theo đúng nội dung bản án, quyết định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc khấu trừ, Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự gặp phải rất nhiều vấn đề vướng mắc xuất phát từ chính các quy định của pháp luật cũng như cách hiểu và áp dụng pháp luật của các cơ quan Tòa án hiện nay. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, có nhiều trường hợp Tòa án tuyên khấu trừ thu nhập của người bị kết án nhưng không tuyên thời điểm chấm dứt việc khấu trừ.

Trao đổi về vấn đề này, có Tòa án cho rằng Khoản 3 Điều 31 Bộ luật Hình sự chỉ quy định “Người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ nhà nước…” mà không có quy định hay hướng dẫn về thời điểm kết thúc việc khấu trừ. Như vậy, Tòa án không thể tự ý xác định thời điểm kết thúc việc khấu trừ thu nhập của người bị kết án. Cũng có ý kiến cho rằng, việc khấu trừ thu nhập là một nghĩa vụ gắn liền với hình phạt cải tạo không giam giữ nên mặc nhiên phải hiểu rằng việc khấu trừ thu nhập chỉ được thực hiện trong thời gian cải tạo không giam giữ.

Dù hiểu theo cách nào thì khi cơ quan Thi hành án đưa ra tổ chức thi hành và thực hiện việc khấu trừ cũng không thể có cơ sở pháp lý vững chắc và khó có thể khẳng định sẽ đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án cũng như đảm bảo lợi ích của Nhà nước. Từ đó, việc thi hành án cũng không có cơ sở để xác định là đã kết thúc, vì không thể xác định được người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình hay chưa. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng lượng án tồn đọng hiện nay trong các cơ quan Thi hành án dân sự.

Thứ hai, việc xác định thời điểm bắt đầu thực hiện khấu trừ thu nhập là rất khó khăn nếu không muốn nói là chưa có cơ sở.

Để làm rõ thời điểm thực hiện khấu trừ thì bắt buộc phải xác định được thời điểm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Khi nói rằng hiện nay pháp luật chưa có quy định thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ thời điểm nào thì có thể sẽ có ý kiến viện dẫn Khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 60) để phản bác lại nhận định này. Tại Khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 60 quy định:

“Người bị kết án là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, thì thời gian chấp hành hình phạt cũng được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ, nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương, phong quân hàm theo niên hạn. Thời gian chấp hành hình phạt được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án”.

Để hiểu rõ về quy định này chúng ta có thể tham khảo thêm Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (sau đây gọi tắt là Nghị định số 61). Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61 cũng có quy định giống như Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 60 đó là:

“ Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, thì thời gian thử thách cũng được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ, nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương, phong quân hàm theo niên hạn. Thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án”.

Với quy định này nhiều Toà án địa phương cho rằng Khoản 5 Điều 5 Nghị định 61 là mâu thuẫn với Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 và các hướng dẫn trước đây về thời hạn thử thách của án treo (tính từ ngày tuyên án sơ thẩm) nên đã yêu cầu Toà án nhân dân tối cao giải thích. tại điểm 3 Mục I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Toà án nhân dân tối cao đã chỉ rõ quy định tại Khoản 5 Điều 5 của Nghị định số 61 không có gì mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự 1999 nên thời hạn thử thách vẫn được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm như các văn bản hướng dẫn trước đây. Quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61 được áp dụng đối với người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương nếu vẫn được tiếp tục làm việc, thì thời gian thử thách để được tính vào thời gian công tác, thời gian tại ngũ chỉ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án, chứ không phải kể từ ngày Toà án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách.

Như vậy, đối với Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 60 tuy chưa có hướng dẫn, nhưng với cách quy định hoàn toàn giống với quy định của Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61 nên chúng ta có thể hiểu rằng thời điểm tính thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thời gian thử thách của án treo quy định tại hai Nghị định nói trên là chỉ để cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người bị kết án tính thời gian công tác, thời gian tại ngũ và thời gian không được xét nâng lương, phong quân hàm chứ không phải là quy định để toà án xác định thời điểm thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thời gian thử thách của án treo. Cho nên, có thể khẳng định rằng đến thời điểm này pháp luật chưa có quy định về thời hạn thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ thời điểm nào, do đó thực tiễn xét xử vẫn có sự nhận thức khác nhau dẫn đến áp dụng chưa thống nhất.

Trong thực tiễn áp dụng, các Tòa án có thể áp dụng theo các hướng:

+ Phần lớn các bản án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đã tuyên thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (tương tự như án treo).

Lý giải việc áp dụng như vậy, có quan điểm cho rằng hình phạt cải tạo không giam giữ cũng giống như thời hạn thử thách của án treo, vì theo quy định tại Điều 31 và Điều 60 của Bộ luật Hình sự thì khi chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ và trong thời gian thử thách của án treo toà án đều giao người bị kết án cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú phối hợp với gia đình người bị kết án để giám sát, giáo dục. từ sự giống nhau đó những người theo quan điểm này còn cho rằng thời gian thử thách của án treo cũng là loại hình phạt giống như hình phạt cải tạo không giam giữ, thậm chí có nhiều Thẩm phán còn gọi là “tù treo” để phân biệt với “tù giam” (lưu ý là Bộ luật Hình sự chỉ có khái niệm hình phạt “tù có thời hạn” và “tù chung thân” chứ hoàn toàn không có khái niệm “tù treo” và “tù giam”). Cái lý của những người theo quan điểm này lập luận là nếu cho rằng án treo là “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có Điều kiện”, mà đã gọi là miễn chấp hành hình phạt tại sao Toà án lại phải ra quyết định thi hành. Và theo quy định tại Điều 264 của Bộ luật tố tụng hình sự và các điều luật đã viện dẫn ở trên, thì việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo hoàn toàn giống như hình phạt cải tạo không giam giữ. Do đó, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ cũng phải được tính từ ngày tuyên án như cách tính thời hạn thử thách của án treo.

+ Có không ít bản án lại tuyên thời hạn thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc có những bản án tuyên tính từ ngày có quyết định thi hành án.

Những người áp dụng theo hướng này khẳng định rằng hình phạt cải tạo không giam giữ và thời gian thử thách của án treo là hoàn toàn khác nhau về bản chất. Cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt trong hệ thống các hình phạt được quy định tại Điều 28 của Bộ luật Hình sự. Còn án treo không phải là một loại hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện,tức là căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì toà án cho miễn chấp hành hình phạt tù với một điều kiện là trong thời hạn thử thách do Toà án ấn định người bị kết án phải không phạm tội mới, nếu trong thời hạn đó mà người bị kết án phạm tội mới thì không được miễn mà buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Tuy người bị kết án không phải chấp hành hình phạt tù nhưng cũng chưa hoàn toàn được miễn mà phải chờ qua thời gian thử thách, tức là bản án bị “treo” lại một thời gian gọi là “án treo”. Như vậy, thời gian thử thách của án treo là một điều kiện về thời gian để thử thách về khả năng cải tạo, rèn luyện đối với người bị kết án chứ không phải là hình phạt. Vì vậy, thời hạn thử thách đặt ra đối với người bị kết án tính từ ngày tuyên án sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý. Còn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ là một loại hình phạt nên phải được tính từ ngày có quyết định thi hành bản án. Vì chỉ khi có quyết định thi hành bản án thì người bị kết án mới phải bị chấp hành hình phạt. Theo Điều 31 Bộ luật Hình sự thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, đây là điểm khác nữa so với thời gian thử thách của án treo. Mặt khác, trong thời gian thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ nghiêm ngặt theo quy định của Nghị định số 60/2000/NĐ-CP chẳng hạn như việc khấu trừ thu nhập…. Do đó, nếu thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày tuyên án thì những nghĩa vụ đó người bị kết án sẽ không phải chấp hành trong thời gian từ khi tuyên án sơ thẩm đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Nên thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính từ ngày có quyết định thi hành án là hoàn toàn đúng cả về cơ sở lý luận lẫn thực tiễn.

+ Một số bản án, quyết định khi tuyên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ còn nêu rõ “thời hạn cải tạo không giam giữ được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án”.

Vấn đề đặt ra là việc xác định thời điểm cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án hoàn toàn mang tính hình thức, khó xác thực.

Mặc dù Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã quy định:

“ Điều 72. Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ

1. Quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

a) Người chấp hành án;

b) Viện kiểm sát cùng cấp;

c) Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc;

d) Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

Điều 73. Thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người chấp hành án đến trụ sở cơ quan Thi hành án để ấn định thời gian người chấp hành án có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án. Hồ sơ bao gồm:

a) Bản án đã có hiệu lực pháp luật;

b) Quyết định thi hành án;

c) Cam kết của người chấp hành án;

d) Tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án.

2. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu phải giao hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

3. Trước khi hết thời hạn chấp hành án 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ thi hành án cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu để cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ ngay khi hết thời hạn chấp hành án. Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở. “

Thì việc xác định “mốc thời gian” để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thu nhập cũng là rất khó khăn đối với các cơ quan Thi hành án dân sự.

Để có sự nhận thức và áp dụng thống nhất trong việc xác định thời điểm bắt đầu cũng như kết thúc thực hiện việc khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án, đòi hỏi hệ thống pháp luật cần phải được đồng bộ mới có thể phát huy được hiệu quả tích cực của biện pháp “khấu trừ thu nhập”, bên cạnh đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Qua đây, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp.

Lương Thanh Tùng

Chi cục THADS huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương