Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các ngạch Thẩm tra viên và kết quả đạt được trong công tác thẩm tra thi hành án ở Việt Nam

19/12/2017
Thẩm tra thi hành án dân sự do Thẩm tra viên thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Thẩm tra viên có trách nhiệm gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ vững tiêu chuẩn Thẩm tra viên. Khi tiến hành thẩm tra, kiểm tra, Thẩm tra viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng cơ quan về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ của các ngạch Thẩm tra viên; đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra thi hành án dân sự.


1. Vị trí, vai trò của các ngạch Thẩm tra viên
Theo Chương III Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự thì thẩm tra viên có ba ngạch: Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên.
- Thẩm tra viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án dân sự quan trọng, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương; thực hiện một số công việc khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự.
- Thẩm tra viên chính là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, kiểm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự.
- Thẩm tra viên là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp thực hiện việc thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự.
2. Nhiệm vụ của các ngạch Thẩm tra viên
2.1. Nhiệm vụ của Thẩm tra viên cao cấp
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP);
- Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; xây dựng kế hoạch kiểm tra, chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra công tác thi hành án dân sự theo kế hoạch đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định có sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình;
- Lập kế hoạch trình Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thẩm tra, kiểm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết đối với các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, thẩm tra, xác minh, kiểm tra thống kê, báo cáo dữ liệu thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự chỉ đạo hoặc trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới thi hành các vụ việc phức tạp;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự; báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự trong phạm vi toàn hệ thống;
- Tham gia xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thẩm tra, kiểm tra nghiệp vụ thi hành án dân sự trong toàn quốc (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Tổng cục Thi hành án dân sự), trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và đề xuất các biện pháp điều chỉnh nhằm bảo đảm việc tổ chức thi hành án dân sự đúng pháp luật và hiệu quả;
- Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác thi hành án;
- Tham gia xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự giao.
2.2. Nhiệm vụ của Thẩm tra viên chính
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;
- Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thực hiện quyết định sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết nhiệm vụ được phân công;
- Thẩm tra, kiểm tra báo cáo thống kê, báo cáo dữ liệu thi hành án dân sự của Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp và của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc;
- Tham gia xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Biên soạn tài liệu, tham gia hướng dẫn nghiệp vụ đối với ngạch Chấp hành viên sơ cấp, ngạch Thẩm tra viên, ngạch Thư ký thi hành án;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Thủ trưởng cơ quan giao.
2.3. Nhiệm vụ của Thẩm tra viên
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;
- Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do Chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình;
- Thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự của Chấp hành viên sơ cấp, của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền đối với những vụ việc đơn giản; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc;
- Tham mưu xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thẩm tra theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
Có thể thấy Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên đều có chung nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
Một là, thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
Hai là, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công.
Ba là, tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền.
Bốn là, thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao.
3. Một số kết quả đạt được trong công tác thẩm tra thi hành án ở Việt Nam
Trong những năm gần đây công tác thi hành án dân sự ngày càng được các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm, chú trọng. Hệ thống thi hành án dân sự ngày càng lớn mạnh. Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), là năm đầu triển khai các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua. Đây là năm thứ hai Hệ thống cơ quan thi hành án tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Đóng góp vào thành quả trên có một phần không nhỏ của đội ngũ Thẩm tra viên.  
3.1. Kết quả thẩm tra hồ sơ thi hành án
Năm 2016, Thẩm tra viên đã thực hiện thẩm tra nhiều hồ sơ thi hành án trong tổng số thụ lý 836.054 việc thi hành án, tăng 44.642 việc (5,64%) so với năm 2015; hồ sơ xong 530.428 việc (tăng 30.388 việc so với năm 2015); năm 2017, tổng số thụ lý là 882.630 việc[1], tăng 46.576 việc (5,57%) so với năm 2016, hồ sơ xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%[2] (tăng 18.987 việc so với năm 2016).
Qua công tác thẩm tra hồ sơ thi hành án, Thẩm tra viên phát hiện nhiều sai phạm, như:
Một là, sai phạm của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong việc ban hành các quyết định thi hành án: (01) Ra Quyết định khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành và ra Quyết định thi hành án không phù hợp với quy định Điều 31 Luật Thi hành án dân sự; (02) Vi phạm quy định về việc chuyển giao quyền yêu cầu tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự; (03) Ra Quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án không đúng quy định của pháp luật, làm thất lạc đơn yêu cầu thi hành án, sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án; (04) Vi phạm quy định về ra Quyết định ủy thác thi hành án; …
Hai là, sai phạm của Chấp hành viên trong việc thực hiện không đúng trình tự thủ tục thi hành án: (01) Vi phạm quy định về xác minh điều kiện thi hành án; (02) Vi phạm quy định về cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án: không thông báo quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước; không tạm tính giá trị tài sản để kê biên tương ứng; trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án; Chấp hành viên không thông báo cho các đồng sở hữu biết việc cưỡng chế kê biên; không liệt kê, mô tả tài sản khi kê biên; kê biên tài sản không thuộc đối tượng kê biên; thiếu trách nhiệm trong việc mất mát tài sản kê biên; (03) Vi phạm về định giá tài sản: không cho đương sự thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá; vi phạm thời hạn ký Hợp đồng thẩm định giá; ký hợp đồng thẩm định giá sai quy định của pháp luật; (04) Vi phạm trình tự thủ tục bán đấu giá tài sản: thực hiện không đúng quy định về thông báo bán đấu giá tài sản; bán tài sản kê biên không qua thủ tục đấu giá khi chưa có thỏa thuận của đương sự; tiền bán tài sản của người phải thi hành án còn thừa chưa trả lại cho đương sự; (05) Chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; (06) Chi trả tiền thi hành án không đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự; …
3.2. Kết quả thẩm tra những vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo
Năm 2016, Thẩm tra viên của toàn Hệ thống thi hành án dân sự đã tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ thi hành án để xử lý 8.822 đơn (bao gồm 7.559 đơn khiếu nại và 1.263 đơn tố cáo), giảm 303 đơn so với năm 2015. Trong đó, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục là 96 việc (09 việc tố cáo, 87 việc khiếu nại), đã giải quyết được 92/96 vụ việc đạt tỷ lệ 95,83%, tăng 1,83% so với năm 2015, số chuyển sang năm 2017 là 04 việc khiếu nại; thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương là 3.517 việc (3.224 việc khiếu nại, 293 việc tố cáo), đã giải quyết xong 3.393 việc/ 3.517 việc thuộc thẩm quyền (3.130 việc khiếu nại, 263 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 96,44%, số chuyển sang năm 2017 là 124 việc (có 94 việc khiếu nại và 30 việc tố cáo); đơn trùng và thuộc thẩm quyền của cơ quan khác là 5.209 đơn.
Năm 2017, Thẩm tra viên của toàn Hệ thống thi hành án dân sự đã tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ thi hành án để xử lý 10.145 đơn (bao gồm: 8.667 đơn khiếu nại và 1.490 đơn tố cáo) tương ứng với 6.758 việc, tăng 1.323 đơn (14,99%) nhưng giảm 603 việc so với năm 2016; kết quả phân loại, có 3.476 việc thuộc thẩm quyền. Kết quả: Giải quyết xong 3.334 việc/3.476 việc (3.043 việc khiếu nại và 291 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 95,91%, tương đương năm 2016 (96,44%); số việc đang tiếp tục giải quyết là 142 việc (112 việc khiếu nại và 30 việc tố cáo). Nhìn chung, các khiếu nại, tố cáo tập trung vào nội dung cưỡng chế kê biên tài sản và cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá. Các cơ quan thi hành án trong Quân đội đã tiếp 235 lượt công dân, giải quyết 63 đơn, đạt tỷ lệ 100% (trong đó có 02 đơn khiếu nại, không có đơn tố cáo, còn lại là đơn khác).
Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, năm 2017, toàn Ngành Tư pháp có 109 vụ việc, tính đến ngày 30/9/2017, Thẩm tra viên đã thực hiện thẩm tra, tham mưu cho người có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết xong và đưa ra khỏi danh sách 22 vụ việc, còn 87 vụ việc.
Đối với các vụ việc Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp dân: Từ tháng 3 năm 2015 đến hết tháng 9 năm 2017, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tiếp tổng cộng 58 lượt công dân (tương đương với 48 vụ việc). Kết quả, Thẩm tra viên của Tổng cục Thi hành án dân sự đã thực hiện thẩm tra, tham mưu cho người có thẩm quyền giải quyết xong 20/48 vụ (chiếm 41,6%), còn 28/48 vụ việc (chiếm 58,4%) đang tiếp tục được tham mưu giải quyết và triển khai thực hiện theo kế hoạch, trong đó Thanh tra Bộ đang tham mưu giải quyết: 09 vụ; Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu giải quyết: 19 vụ.
Qua nghiên cứu kết quả thẩm tra vụ việc thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự trên phạm vi cả nước năm 2017 cho thấy, về cơ bản các vụ việc thi hành án được Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành án đúng pháp luật. Đối với một số sai phạm của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong việc tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thẩm tra viên đã kiến nghị người có thẩm quyền có văn bản yêu cầu cá nhân, tập thể có sai phạm khắc phục và xử lý vi phạm kịp thời.
3.3. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ khác của Thẩm tra viên
Bên cạnh những kết quả nổi bật trong việc thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự, đội ngũ Thẩm tra viên của Hệ thống thi hành án dân sự còn làm rất tốt các nhiệm vụ khác, cụ thể:
Một là, thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Thẩm tra viên thực hiện thẩm tra việc báo cáo kết quả thi hành án của Chấp hành viên bảo đảm chính xác kết quả thi hành án về việc và về tiền, báo cáo đúng thời hạn theo quy định tại Thông tư 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.
Hai là, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra những vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề xuất người có thẩm quyền giải quyết vụ việc, biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Ba là, tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền.
Bốn là, thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan giao như: Xây dựng báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác kiểm tra thi hành án dân sự; ....
Ngoài nhiệm vụ trên, đội ngũ Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên cao cấp còn tích cực tham mưu hoặc trực tiếp tham gia tham gia xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.
Kết quả thẩm tra thi hành án dân sự nêu trên cho thấy Thẩm tra viên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động thi hành án dân sự, kết quả của hoạt động thi hành án một phần phụ thuộc vào hoạt động thẩm tra của các Thẩm tra viên, đặc biệt đối với việc xem xét đánh giá tính đúng đắn của hồ sơ thi hành án do Chấp hành viên đã và đang tổ chức thi hành. Vì vậy hoạt động thẩm tra của Thẩm tra viên mang tính “kiểm tra” Chấp hành viên một cách rõ rệt. Đây là một công việc khó, đòi hỏi Thẩm tra viên phải có đủ bản lĩnh, không ngại va chạm, phải có đủ hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ mới làm được công việc “kiểm tra", tức thẩm tra hồ sơ thi hành án một cách độc lập. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác thẩm tra thi hành án dân sự, trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả sẽ đề cập đến "Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm tra thi hành án dân sự".
 Nguyễn Hằng
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục THADS
 
[1] Các cơ quan THADS thụ lý 881.941 việc, các cơ quan thi hành án trong Quân đội thụ lý 689 việc.
[2] Tăng 0,72% so với năm 2016; đạt chỉ tiêu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao (trên 70%).