Chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án và một số vấn đề pháp lý liên quan

04/01/2019
Chuyển giao quyền, nghĩa vụ dân sự là trường hợp người có quyền hoặc có nghĩa vụ không tự mình hưởng quyền hoặc tự mình thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Để đảm bảo cho việc  thi hành án được liên tục, hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật THADS) đã quy định cụ thể về vấn đề chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án. 


Vấn đề chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án được quy định cụ thể tại Điều 54 Luật THADS; Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Điều 8 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.
1.Chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức
Việc chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
Một là:Trường hợp tổ chức hợp nhất.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “hợp nhất” có nghĩa là gộp nhiều cái làm một, Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015 ( BLDS năm 2015) quy định: Các pháp nhân có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới. Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân mới được thành lập; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.
Điều 194 Luật Doanh nghiệp năm 2014( Luật Doanh nghiệp) quy định: Đối với tổ chức là Doanh nghiệp, hợp nhất Doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất. Sau khi đăng ký Doanh nghiệp, các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại; công ty hợp nhất được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất. Thống nhất với các quy định trên, Luật THADS cũng quy định trường hợp hợp nhất thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Hai là: Trường hợp sáp nhập
Theo Điều 89 BLDS năm 2015 thì một pháp nhân có thể được sáp nhập vào một pháp nhân khác. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.
Điều 195 Luật Doanh nghiệp cũng quy định về sáp nhập doanh nghiệp: Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp, điểm b khoản 1 Điều 54 Luật THADS quy định trong trường hợp sáp nhập thì tổ chức sáp nhập tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ba là: Trường hợp chia, tách.
Theo Điều 90 BLDS năm 2015, một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.
Về tách pháp nhân, một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân. Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động (Điều 91 BLDS năm 2015). Luật Doanh nghiệp (Điều 192, Điều 193) cũng có quy định về việc chia, tách doanh nghiệp áp dụng cho 2 loại hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Đối với trường hợp chia doanh nghiệp, công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị chia hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty đó thực hiện các nghĩa vụ này. Đối với trường hợp tách doanh nghiệp, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.
Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 54 Luật THADS cũng đã quy định thống nhất với nội dung của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp chia, tách thì cơ quan ra quyết định chia, tách phải xác định rõ cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án theo quyết định chia, tách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Nếu quyết định chia, tách không quy định nghĩa vụ của các tổ chức mới thì sau khi chia, tách các tổ chức mới có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị chia, tách.
Bốn là:Trường hợp tổ chức giải thể.
Theo Điều 93 BLDS năm 2015, pháp nhân giải thể trong trường hợp sau đây: Theo quy định của điều lệ; Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trường hợp khác theo quy định của pháp. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản.
Theo Điều 54 Luật THADS, trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, tại Điều 93, 94 BLDS năm 2015 lại không quy định về việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định.
Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vấn đề giải thể Doanh nghiệp được quy định cụ thể từ Điều 201, 202 và 203 Luật Doanh nghiệp.Theo khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật THADS cũng quy định: Cơ quan THADS, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật.Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó.
Năm là:Trường hợp phá sản. 
Điểm đ khoản 1 Điều 54 Luật THADS quy định: Trường hợp phá sản thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo quyết định về phá sản. Các nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp sau khi có quyết định tuyên bố phá sản được quy định cụ thể tại các Điều luật từ Điều 52 đến Điều 58 Luật Phá sản năm 2014.
Sáu là:Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Theo quy định của Luật THADS năm 2008 thì trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, Doanh nghiệp đó tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án. Quy định “Doanh nghiệp đó” không chỉ rõ là doanh nghiệp trước khi thực hiện chuyển đổi hay là doanh nghiệp sau khi chuyển đổi dễ dẫn đến việc hiểu sai về mặt chủ thể thực hiện nghĩa vụ. Do đó, điểm e khoản 1 Điều 54 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần: Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.
2. Chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án đối với cá nhân
Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trình tự thủ tục chuyển giao quyền ,nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án chết được hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể:
- Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan THADS ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án giao tài sản cho người được thi hành án. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện thì cơ quan THADS tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan THADS có văn bản thông báo, ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ, để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế. Hết thời hạn thông báo về thực hiện quyền khởi kiện phân chia di sản thừa kế mà không có người khởi kiện thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án.
Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án.
3. Thủ tục chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án
Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì việc chuyển giao quyền nghĩa vụ thi hành án được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
Một là: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án phải đúng quy định của BLDS và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
Hai là: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của người chuyển giao, người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền được thi hành án của mình cho người thứ ba thì người thứ ba trở thành người được thi hành án tương ứng với phần quyền được chuyển giao và có các nghĩa vụ của người được thi hành án theo quy định của Luật THADS. Người chuyển giao quyền về thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người phải thi hành án, cơ quan THADS đang tổ chức việc thi hành án biết về việc chuyển giao quyền về thi hành án. Việc chuyển giao quyền về thi hành án không cần có sự đồng ý của người phải thi hành án, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp người phải thi hành án chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người thứ ba thì phải được sự đồng ý của người được thi hành án. Người nhận chuyển giao nghĩa vụ có các nghĩa vụ của người phải thi hành án, nếu không tự nguyện thi hành thì bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật THADS.
Theo Điều 8 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, trường hợp người phải thi hành án đã chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ cho người khác theo quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật THADS và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh.
Trường hợp người phải thi hành án ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP mà người được ủy quyền không thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo cam kết thì bị áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật THADS.
4. Một số vướng mắc về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án trong thực tiễn
Thực tiễn áp dụng quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án vẫn còn một số bất cập như sau:
Một là: Đối với trường hợp chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu sử dụng tài sản chết: Khoản 2 Điều 54 Luật THADS và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, đối với trường hợp người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo thi hành án chết (thường gặp trong các vụ việc tín dụng, ngân hàng) thì luật THADS lại chưa có quy định cụ thể. Các tài sản đảm bảo thi hành án là tài sản thế chấp đứng tên sở hữu, sử dụng của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thường được thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc bảo lãnh. Điểm đ khoản 3 Điều 140 BLDS quy định khi bên ủy quyền chết thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt; trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết thì bảo lãnh chấm dứt, nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho người thừa kế. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại(khoản 4 Điều 336 BLDS).Theo đó, có thể thấy khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng tên chủ sở hữu, sử dụng tài sản đảm bảo thi hành án chết được xác định là sự kiện pháp lý ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản đảm bảo thi hành án, nhưng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
Hai là: Theo quy định tại khoản1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: “Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án”.
Tuy nhiên còn có những quan điểm khác nhau về trình tự thi hành án tiếp theo đối với những trường hợp người phải thi hành án chết mà chưa xác định được người thừa kế, về vấn đề có ban hành quyết định thu hồi quyết định thi hành án đối với người đã chết theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật THADS hay không và việc xử lý phần giá trị tài sản còn thừa sau khi đã thanh  toán nghĩa vụ… Do đó cần có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt thủ tục khi thực hiện xử lý tài sản đối với các trường hợp này.
Chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án là một vấn đề phức tạp và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Do vậy việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Xem thêm Điều 365, Điều 370 BLDS năm 2015
2. Xem Từ điển Tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Trung tâm từ điển ngôn ngữ,  Hà Nội, 1992, tr. 466.
3. Tổng cục THADS, “Khái quát chung về pháp luật THADS tại Việt Nam, những khó khăn , vướng mắc trong quá trình tổ chức THADS”, Tài liệu Hội thảo: Trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực THADS giữa Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội và Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp, ngày 07.7.2017.Tr. 14
4. Khoản 3 Điều 54 Luật THADS quy định: “…Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với cá nhân, tổ chức mới tương ứng với quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao và ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án trước đây”.