Trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng đó là, “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý, nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội đối với từng loại cán bộ; tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”. Cùng đề cập đến yêu cầu và vai trò của đội ngũ công chức, người làm công tác thi hành án dân sự trong việc nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự, trong đó đã nhấn mạnh: “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên đảm bảo phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân và doanh nghiệp”.