Nhiều hình thức chống đối cưỡng chế thi hành án dân sự ở Nam Định

16/05/2007
Cưỡng chế thi hành án dân sự tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự tham gia vào việc thi hành án. Thực tiễn thi hành án dân sự ở Nam Định có nhiều trường hợp đương sự chống đối cưỡng chế thi hành án bằng nhiều hình thức, với những lý do khác nhau.


Có trường hợp, người phải thi hành án chống đối không thực hiện nghĩa vụ thi hành án của mình bằng lý do tưởng chừng đơn giản, như: chưa nhất trí với nội dung bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật; đề nghị được hoãn thi hành án một thời gian để tiếp tục khiếu nại; bỏ nhà đi làm ăn xa, không uỷ quyền cho người thân thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Trong quá trình tống đạt các giấy báo, xác minh điều kiện thi hành án, đương sự không có ý kiến gì, nhưng khi Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án kê biên tài sản, khấu trừ thu nhập thì họ bắt đầu khiếu kiện gửi đơn đi nhiều nơi, với những lý do không có căn cứ nhằm kéo dài thời gian phải thi hành án, làm giảm uy tín của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án hoặc làm thay đổi tình trạng tài sản, tẩu tán tài sản, nhờ người quen là cán bộ có chức quyền ở một số cơ quan can thiệp.

Những trường hợp thi hành nghĩa vụ trả tiền mà cơ quan thi hành án phải kê biên nhà, quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án, chia thừa kế, đòi nhà cho thuê thường gặp sự chống đối quyết liệt của đương sự và gia đình họ. Hình thức chống đối của người phải thi hành án đa dạng, như:

- Lăng mạ, sỉ nhục, vu khống Chấp hành viên, cán bộ thi hành án bằng cách kích động, tuyên truyền gia đình, họ hàng cản trở thi hành án (vụ Phòng - Vui ở huyện Nghĩa Hưng; vụ Thanh - Lịch, Hiển - Hoan, Thọ - Tám ở thành phố Nam Định), bao vây Chấp hành viên (vụ Huệ - Noãn ở huyện Giao Thuỷ).

- Dùng gậy gộc, giáo, lê, gạch, đá đe doạ, hành hung Chấp hành viên, cán bộ thi hành án, như: vụ Hồng ở 32 Quang Trung, vụ Chúc - Cư ở thành phố Nam Định, đương sự túm ngực áo xô đẩy Chấp hành viên; vụ Tâm - Tuyết ở xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, đương sự dùng nhiều gạch, đá tấn công lực lượng cưỡng chế.

- Dùng hình thức giả vờ ốm cấp cứu, nằm ăn vạ (vụ Thành - Ngoãn ở huyện Giao Thủy); đương sự dùng xăng, thuốc nổ đe doạ tự thiêu để phản đối việc cưỡng chế thi hành án (vụ Đào - Ân, Thân - Tý ở thành phố Định).

- Dùng thư từ nặc danh, gọi điện thoại không hiện số gọi đến để uy hiếp người thân trong gia đình Chấp hành viên, cán bộ thi hành án.

Mặc dù, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án đã xác định tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp, nhưng không thể nói lúc nào cũng quyết tâm mà không có biểu hiện nản chí vì bị khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật, vì sự lặng mạ và thái độ thách thức, doạ dẫn hành hung của người phải thi hành án.

Nhiều trường hợp, Chấp hành viên tổ chức thực hiện việc cưỡng chế  thi hành án khi mời đại diện các ban ngành hữu quan tham gia rất khó khăn vì họ lo ngại về tính mạng, sức khoẻ vào danh dự của họ bị xâm hại, vợ con và gia đình họ lo ngại khi người thân của mình phải tham gia cùng cơ quan thi hành án xuống thực địa để kê biên, định giá tài sản thi hành án.

          Chấp hành viên, cán bộ thi hành án khi trực tiếp xuống cơ sở xác minh, tống đạt giấy tờ về thi hành án, cưỡng chế các vụ việc mà không có lực lượng công an đi cùng có trường hợp thể hiện tâm lý hoang mang, lo ngại bị trả thù khi tham gia giao thông, uy hiếp người thân trong gia đình, bị bạn bè, người thân hiểu lầm khi có đơn thư tố cáo sai sự thật, dẫn đến một số Chấp hành viên chưa kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, kéo dài hình thức hoà giải, vì vậy một số vụ việc thi hành án chậm được giải quyết dứt điểm.

          Từ năm 1993 đến nay, ở Nam Định có 1.885 vụ việc thi hành án phải tổ chức cưỡng chế, trong đó có 105 vụ việc lớn có sự bảo vệ của cơ quan công an. Hầu hết các vụ cưỡng chế lớn khi đưa ra xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án đều có lực lượng công an tham gia với phương án bảo vệ cưỡng chế được duyệt kỹ. Tuy nhiên, lực lượng cưỡng chế ở một số huyện chưa có kinh nghiệm trong việc phân hoá đối tượng, chưa kịp thời, cương quyết ngăn chặn những hành vi chống đối, kích động, chửi bới, xô đẩy, hành hung Chấp hành viên, cán bộ thi hành án.

          Trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, việc bảo vệ của cơ quan công an là rất cần thiết, tuy nhiên, các cơ quan thi hành án dân sự cần phải chủ động tự bảo vệ. Một trong những điều kiện thuận lợi để cơ quan thi hành án tự bảo vệ cần có là công cụ hỗ trợ thi hành án. Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường trang bị công cụ hỗ trợ cho Chấp hành viên, cán bộ thi hành án, góp phần bảo đảm ngăn chặn kịp thời những hành vi chống đối thi hành án dân sự.

    Bảo Minh