Thực trạng thi hành án kinh doanh thương mại – giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới

25/08/2016
Thi hành có hiệu quả phần dân sự trong các bản án, quyết định của Tòa án, của Trọng tài Thương mại và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh là một trong những phương thức nhằm đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế trong thi hành án dân sự. Trong những năm vừa qua (kể từ tháng 7/1993), kể từ khi công tác thi hành án dân sự được chuyển từ Tòa án sang Chính phủ quản lý, công tác thi hành án dân sự dần đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được tổ chức thi hành dứt điểm. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số lượng đáng kể bản án, quyết định với số tiền, giá trị tài sản phải thi hành lớn chưa được thi hành, đặc biệt là những vụ án lớn liên quan đến tranh chấp về kinh doanh thương mại. Trong phạm vi bài viết này, dưới góc nhìn thực tiễn, tác giả đánh giá về thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả, hiệu quả việc thi hành án kinh doanh thương mại trong thời gian tới.


1.Thực trạng việc thi hành án kinh doanh thương mại trong giai đoạn hiện nay
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 05 năm 2016-2020, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì dự báo có nhiều khó khăn, thách thức.Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng gay gắt dẫn đến các bản án, quyết định về kinh doanh thương mại của Tòa án ngày càng tăng cao. Do đó, việc thi hành án kinh doanh thương mại đang trở thành thách thức lớn đối với các cơ quan thi hành án dân sự, nhất là quá trình thi hành án đối với loại việc này đang gặp nhiều khó khăn,vướng mắc, cần có những giải pháp để khắc phục, nâng cao hiệu quả thi hành.
Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự thì những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật”.
Sau khi Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự sẽ chủ động tổ chức thi hành án đối với phần bản án, quyết định về án phí, lệ phí, tịch thu sung quỹ nhà nước... theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự khi nhận được Bản án, quyết định do Tòa án chuyển giao; đối với phần thi hành án theo yêu cầu sẽ ra quyết định và tổ chức thi hành khi nhận được yêu cầu thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.
Theo số liệu Thống kê  của Tổng cục Thi hành án dân sự thì số việc, tiền, giá trị tài sản phải thi hành hàng năm luôn chiếm tỷ lệ cao. Chỉ tính riêng trong 06 tháng đầu năm 2016, tổng số việc thi hành án kinh doanh thương mại là 34.909 việc với số tiền trên 56.804 tỷ đồng, chiếm trên 50% số tiền phải thi hành, trong đó số tồn năm trước chưa giải quyết được là 22.654 việc, số tiền là 37.775 tỷ đồng. Trong số đó mới thi hành được 6.783 việc với số tiền là 3.424 tỷ, còn tồn 28.126 việc tương ứng 53.380 tỷ đồng. Qua số liệu này cho thấy, tỷ lệ việc, thi hành án kinh doanh thương mại tồn đọng mặc dù không lớn, nhưng số tiền, giá trị tài sản là khá lớn so với toàn bộ số tiền, giá trị tài sản tồn đọng ở các loại án khác mà cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành. Thực trạng này đặt ra nhiều câu hỏi lớn về nguyên nhân cần được phân tích, lý giải làm rõ để có giải pháp trong thời gian tới.
2. Một số nguyên nhân dẫn tới việc thi hành án kinh doanh thương mại đạt kết quả thấp
Thứ nhất, nguyên nhân khách quan: Qua nghiên cứu thực tiễn thi hành án kinh doanh thương mại thời gian qua cho thấy một số nguyên nhân khách quan chi phối tới kết quả thi hành án kinh doanh thương mại sau:
Một là, thi hành án kinh doanh thương mại thường liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân kinh tế; hợp đồng tín dụng, ngân hàng..., nên thường có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề mang tính chất kinh tế đã gây khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, như đã trình bày ở trên, qua đánh giá công tác xét xử và thi hành án trong thời gian qua cho thấy xu thế gia tăng mạnh số lượng tiền, giá trị tài sản trong các bản án, quyết định hàng năm, trong khi điều kiện đảm bảo thực thi lại bị hạn chế do tinh giảm biên chế; tiết giảm chi tiêu công và đặc biệt là nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho tính thanh khoản của thị trường thấp đã là nguyên nhân trực tiếp làm cho kết quả thi hành án kinh doanh thương mại không cao.
Hai là, tâm lý của người mua tài sản đã kê biên,bán đấu giá ngại mua tài sản bán đấu giá thi hành án dẫn đến việc bán đấu giá tài sản thành rất thấp ở lần đầu, mà chủ yếu phải đưa ra bán nhiều lần mới thành công, hoặc tuy đưa ra bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được. Thực tiễn thi hành án cho thấy trong những năm vừa qua đã có hàng nghìn việc thi hành án kinh doanh thương mại đã được các cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được. Trong số đó, có rất nhiều tài sản đã được giảm giá nhiều lần (có trường hợp giảm giá tới gần 30 lần như ở Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…) nhưng vẫn không bán được để thi hành án. Có địa phương số lượng việc bán nhiều lần vẫn không bán được rất lớn (ví dụ như Sóc Trăng 576 vụ diện này với hơn 286 tỷ trên tổng số 301 tỷ phải thi hành).
Ba là, trong bản án kinh thương mại có nhiều người được thi hành án là Ngân hàng, tổ chức tín dụng còn lúng túng trong việc nhận tài sản bán đấu giá để trừ vào khoản vay. Qua tổ chức khảo sát tại địa phương cho thấy nhiều việc Chấp hành viên đã vận động, thuyết phục Ngân hàng nhận tài sản giảm giá đã nhiều lần không bán được để trừ vào khoản vay nhưng Ngân hàng không nhận. Ví dụ: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam tại cuộc họp của Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã nêu quan điểm Ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ngân hàng đối với tài sản đã nhận. Một số ngân hàng khác phản ánh quy định trong nội bộ Ngân hàng về nội dung này cũng có một số ràng buộc chặt chẽ nên Ngân hàng chưa mạnh dạn nhận tài sản để khấu trừ khoản tiền vay cũng làm hạn chế khả năng thi hành án đối với những trường hợp tài sản không bán được. 
Bốn là, một số trường hợp người phải thi hành án - khách hàng của Ngân hàng thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản đã thế chấp. Người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thông thường đã mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị xử lý tài sản nên họ cố tình chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách như: Thay đổi hiện trạng tài sản, không nhận quyết định thi hành án, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án, đưa tài sản là động sản (phương tiện giao thông như xe máy, tàu thuyền, tài sản như máy móc ...) đi khỏi địa phương không truy tìm được để xử lý. Nhiều tài sản là động sản được thế chấp nhưng đến khi xử lý thì khấu hao tài sản không còn nhiều giá trị sử dụng để đảm bảo thu khoản nợ cho Ngân hàng...
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, người phải thi hành án cố tình khiếu nại, tố cáo hoặc khiếu nại vượt cấp; một số vụ việc đã qua nhiều cấp, nhiều lần giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, gây cản trở cho việc tổ chức thi hành án.
Ví dụ: trong quá trình tổ chức thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 69/2011/QĐST.KDTM ngày 22/6/2011, khi kê biên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, người phải thi hành án đã thỏa thuận đồng ý di chuyển cây cảnh không thuộc diện thế chấp trên diện tích đất đã thế chấp nếu có người mua trúng đấu giá, nhưng khi cơ quan thi hành án chuẩn bị giao tài sản cho người mua trúng đấu giá thì người phải thi hành án không chịu di dời tài sản mà yêu cầu phải trả thêm tiền di chuyển cây cảnh mới chịu di dời.  
Năm là, một số bản án, quyết định của Tòa án chưa rõ ràng dẫn đến việc thi hành án khó khăn như: diện tích, số đo, mốc giới đất, tài sản trên đất được tuyên trong bản án, quyết định của Tòa án khác so với thực tế do Tòa án chỉ ghi nhận xử lý tài sản trên cơ sở Hợp đồng thế chấp; chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung do Hợp đồng thế chấp không rõ, bản án của Tòa án không phân định rõ dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án; Tòa án tuyên xử lý tài sản thế chấp, chỉ tuyên hết thời hạn mà người phải thi hành án không thi hành thì Ngân hàng có quyền phát mãi tài sản để thu hồi nợ, dẫn đến không thống nhất cách hiểu về thẩm quyền xử lý tài sản giữa cơ quan thi hành án (cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành án) với ngân hàng (chủ nợ, người đã nhận thế chấp nhưng có đơn yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý tài sản thế chấp). Ví dụ:
Bản án của TAND huyện Đ xét xử liên quan đến người phải thi hành án là Công ty TNHH Kim Trang, bên được thi hành án là Ngân hàng Viettinbank do Chi cục THADS huyện Đ đang tổ chức thi hành. Thực tế xác minh cho thấy có 04 hộ gia đình/05 hộ gia đình đã xây dựng nhà trên tài sản thế chấp nhưng không được định giá trong biên bản định giá tài sản thế chấp khi xét xử dẫn đến khó khăn khi xử lý tài sản.
Vụ việc của Tòa án nhân dân huyện T xét xử giữa hộ gia đình ông Kiều Văn Bản với Chi nhánh Ngân hàng Công thương thuộc Viettinbank: Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên hộ gia đình ông Kiều Văn Bản nhưng hợp đồng thế chấp chỉ có vợ chồng ký, không có các thành viên khác trong gia đình ký. Khi giải quyết, Tòa án không đề cập đến hợp đồng và tài sản thế chấp trong quyết định thỏa thuận mà chỉ đề cập đến khoản nợ dẫn đến quá trình thi hành án kéo dài do Chi cục THADS T phải yêu cầu nhưng người có quyền sở hữu chung tự thoả thuận phân chia hoặc yêu cầu Tòa án phân chia nhưng họ không thực hiện, Chi cục đã thông báo cho phía Ngân hàng là bên được thi hành án yêu cầu Tòa án xác định nhưng Ngân hàng chưa thực hiện, dẫn đến vụ việc hiện nay chưa giải quyết được.
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan: Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, kết quả thi hành án kinh doanh thương mại đạt kết quả chưa cao còn do một số nguyên nhân chủ quan sau đây:
Một là, một số Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương (nhất là một số Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ở cấp huyện) và Chấp hành viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về trách nhiệm được giao, chưa tích cực, chủ động trong việc tổ chức thi hành án;
Hai là, đối với án kinh doanh thương mại liên quan đến tổ chức tín dụng, một số cơ quan thi hành án dân sự chưa kịp thời thông tin hai chiều, chưa tích cực phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện quyền yêu cầu thi hành án: Ví dụ: Qua phản ánh của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì Ngân hàng này có hơn 150 vụ việc yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chậm ra quyết định thi hành án hoặc không ra quyết định thi hành án nhưng không thông tin, phản hồi, thông báo rõ lý do cho Ngân hàng biết; theo Ngân hàng SHB thì cơ quan thi hành án chậm (khoảng 2-3 tháng) hoàn trả ngân hàng tiền dự phí theo bản án đã tuyên mặc dù Ngân hàng đã yêu cầu thi hành án. Đối với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng thì cơ quan thi hành án yêu cầu ngân hàng phải nộp bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người phải thi hành án đã thế chấp thì cơ quan thi hành án mới thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của Ngân hàng.... Một số ngân hàng khác phản ánh việc cơ quan thi hành án dân sự áp dụng không thống nhất trong thủ tục yêu cầu đương sự cung cấp các tài liệu liên quan đến việc ủy quyền...
Ba là, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận Chấp hành viên chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác, dẫn đến khiếu nại tố cáo của đương sự, việc thi hành án bị kéo dài thể hiện ở một số dạng như: Ra quyết định thi hành án không đúng với nội dung bản án và đơn yêu cầu thi hành án;   không thực hiện việc lập bản vẽ xác định mốc giới, vị trí thửa đất trước khi kê biên, không xác định được mốc giới, vị trí thửa đất đã kê biên dẫn đến tranh chấp về diện tích đất; hoặc không tiến hành xác minh mà chỉ căn cứ vào Bản án và hợp đồng thế chấp tài sản để tiến hành kê biên dẫn đến việc không kê biên đúng, đủ tài sản thế chấp, làm cho việc xử lý tài sản sau khi đã bán đấu giá thành gặp khó khăn; ra quyết định kê biên không đúng quy định của pháp luật như ra quyết định kê biên quyền sử dụng đất thuộc trường hợp đất thuê trả tiền hàng năm...; không tiến hành xác minh, xử lý tài sản của người phải thi hành án trước trong trường hợp bản án tuyên người phải thi hành án không trả đủ nợ thì xử lý tài sản bảo lãnh theo đúng nội dung của bản án; hoặc việc xác minh kéo dài không có kết quả nên việc xử lý tài sản do bên thứ ba bảo lãnh để thi hành dứt điểm vụ việc bị kéo dài; thiếu kiên quyết trong việc cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá; một số bản án, quyết định đã được Tòa án tuyên rõ ràng, đúng pháp luật nhưng Chấp hành viên không nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan nên đưa vào dạng án tuyên không rõ, có sai sót khó thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án....
3. Đề xuất một số giải pháp khắc phục
Để nâng cao kết quả, hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và thi hành các bản án, quyết định kinh doanh thương mại cần có nhiều giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ và đặc biệt phù hợp với thực tiễn loại việc này. Quan phân tích các nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong thi hành án kinh doanh thương mại nêu trên cho thấy, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về thể chế: Ngày 18/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về kê biên, bán đấu giá tài sản, ủy quyền thi hành án... đã phần nào khắc phục những khó khăn, vướng mắc của những quy định trước đây trong công tác thi hành án dân sự nói chung và án liên quan đến tổ chức tín dụng nói riêng. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã ký nhều quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án như: Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác thi hành án dân sự, trong đó xác định rõ một số nội dung phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và xử lý nợ xấu; Quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam...Tuy nhiên, để khắc phục được những bất cập nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc bán đấu giá tài sản; khiếu nại, tố cáo; các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại như Luật doanh nghiệp; Luật tổ chức tín dụng ngân hàng; Bộ luật dân sự... Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng các quy định đặc thù liên quan đến tổ chức thi hành án kinh doanh thường mại như: Hội đồng tư vấn trong thi hành án kinh doanh thương mại; chế định về tổ quản lý tài sản, thanh lý tài sản trong thi hành án kinh doanh thương mại; chi phí cho thi hành án kinh doanh thương mại....
Thứ hai, về tổ chức bộ máy, tổ chức cán bộ, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ: Do số lượng việc thi hành án kinh doanh thương mại lớn, phức tạp, có nhiều đặc thù riêng, nên trước hết, cần xây dựng cơ quan chuyên trách nhằm quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thi hành án kinh doanh thương mại, theo đó có thể thành lập Vụ quản lý thi hành án kinh doanh thương mại. Theo đó, tại Tổng cục nên thành lập Vụ quản lý Thi hành án kinh doanh thương mại; ở các Cục Thi hành án dân sự thành lập Phòng thi hành án kinh doanh thương mại; xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ thi hành án kinh doanh thương mại theo hướng tăng thời lượng các môn học liên quan đến quản lý tài sản của doanh nghiệp...Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đốc đốc và kiểm tra việc thi hành án kinh doanh thương mại.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra; phối hợp kiểm sát, giám sát việc tổ chức thi hành án kinh doanh thương mại. Đối với việc thi hành án kinh doanh thương mại, ngoài việc kiểm tra độc lập, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự cần tăng cường việc kiểm tra liên ngành, theo đó vận dụng hoặc xây dựng các quy định riêng về việc trưng tập những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi về tài chính, quản lý tài sản vào các Đoàn kiểm tra của các Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự. Ngoài ra, các cơ quan quản lý thi hành án dân sự cần xây dựng các loại mẫu biểu về báo cáo, thống kê đặc thù nhằm tiếp nhận thường xuyên các thông tin liên quan đến việc thi hành án kinh doanh thương mại, từ đó kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm các sai phạm trong thi hành án kinh doanh thương mại.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp trong thi hành án kinh doanh thương mại. Do thi hành án kinh doanh thương mại thường là án có giá trị lớn, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều nội dung kinh tế, pháp lý khác nhau, đặc biệt là các chủ thể tham gia vào quá trình thi hành án kinh doanh thương mại, luôn có ít nhất một bên là các pháp nhân kinh tế. Do đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan hữu quan nhằm tiếp cận ngay từ đầu quá trình xử lý cho đến khi kết thúc việc thi hành án là một trong những yêu cầu cần thiết được đặt ra. Theo đó:
Một là, xây dựng cơ chế để Chấp hành viên hoặc cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự được tham gia hoặc được thông tin về quá trình xét xử nhằm tiếp cận ngay từ đầu vụ việc để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nội dung vụ việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án sau này.
Hai là, xây dựng cơ chế tiếp cận, cung cấp thông tin hiệu quả từ các cơ quan quản lý kinh doanh,cơ quan thuế nhằm cung cấp đầy đủ tình trạng về hoạt động kinh doanh, sản xuất hoặc các thông tin liên quan đến tình hình tài chính của các bên thi hành án là các pháp nhân kinh tế.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các tổ chức tín dụng, ngân hàng; tổ chức quản lý, xử lý nợ xấu nhằm phối hợp xử lý các khoản nợ trong thi hành án kinh doanh thương mại....
Thứ năm, nghiên cứu cơ chế đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí đặc thù cho hoạt động thi hành án kinh doanh thương mại. Qua khảo sát cho thấy, việc thi hành án kinh doanh thương mại thông thường có phạm vi hoạt động rộng, liên quan nhiều đến việc xử lý tài sản. Do đó, để đảm bảo cho việc thi hành án kinh doanh thương mại đạt kết quả cao cần phải có cơ chế về tạm ứng kinh phí; bổ sung phương tiện làm việc, phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ việc thi hành án kinh doanh thương mại.
Nguyễn Nhàn
Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự