Trả lại tài sản thi hành án - Một số bất cập từ thực tiễn

18/10/2018
Trả lại tài sản là một trong những loại việc chủ động thi hành án mà các cơ quan thi hành án dân sự thường xuyên phải tổ chức thi hành. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 36; Điều 47; Điều 126 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự); Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP); Điều 13 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. 


Có thể thấy các quy định của pháp luật đã tương đối đầy đủ về vấn đề này, tuy nhiên, trong thực tiễn, việc hoàn trả tài sản thi hành án còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất: Người được trả lại tài sản không đến nhận tài sản
Thực tiễn có nhiều  trường hợp bản án tuyên trả lại tài sản những loại tài sản có giá trị nhỏ (ví dụ như: Chậu nhôm đã qua sử dụng bị méo mó, con dao hay những vật dụng có giá trị thấp, đã qua sử dụng, thậm chí không còn giá trị sử dụng (1)), cá biệt có cả những bản án, quyết định tuyên trả lại những tài sản có giá trị rất nhỏ  như: 02 con ốc vít, hoặc 02 chiếc chìa khóa….Vấn đề đặt ra là những tài sản này có giá trị quá thấp, dẫn đến đương sự không đến nhận lại tài sản được hoàn trả do “ ngại” phải  bỏ thời gian, công sức để lấy lại. Một số trường hợp đương sự đi tù, chuyển địa chỉ đi nơi khác hoặc không thể xác định được địa chỉ của đương sự,… dẫn đến tình trạng cơ quan thi hành án dân sự báo gọi nhiều lần nhưng đương sự không đến nhận tài sản, việc tổ chức thi hành án bị kéo dài, gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai: Thủ tục trả lại tài sản còn bất cập
Về mặt pháp lý, trình tự thủ tục hoàn trả các tài sản có giá trị nhỏ như con dao, quần áo… hoặc các tài sản có giá trị lớn hơn cho đương sự đều phải thực hiện theo trình tự thủ tục chung do pháp luật quy định. Việc quy định một trình tự, thủ tục chung khi trả lại cho các loại tài sản này gây ra khá nhiều bất cập trong thực tiễn. Theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự, sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, 99 và 101 của Luật Thi hành án dân sự và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
Quy định trên đã hướng dẫn khá cụ thể về cách thức xử lý đối với khoản tiền, tài sản được trả lại cho đương sự mà đương sự không đến nhận. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là thời gian để xử lý tài sản trong trường hợp đương sự không đến nhận vẫn còn quá dài (hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước). Việc này gây ra không ít khó khăn cho quá trình tổ chức thi hành án, tốn kém thời gian, công sức của Chấp hành viên (2).
Tại điểm e khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người được nhận tài sản đã được thông báo hợp lệ 2 lần về việc nhận tài sản nhưng không đến nhận”. Theo đó, đối với các việc mà bản án, quyết định tuyên người được thi hành án được nhận lại tài sản, sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã thông báo nhưng đương sự không đến nhận cũng không có lý do chính đáng …thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án. Theo chỉ tiêu báo cáo Thống kê quy định tại Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 hướng dẫn chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự thì việc hoãn thi hành án được tính là việc có điều kiện thi hành và tiếp tục được chuyển kỳ sau, dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng, phần nào cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi hành án.
Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự quy định “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản theo quy định tại Điều 125 của Luật này.” Tuy nhiên, để xác định được tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng thì lại phải thành lập hội đồng bao gồm cơ quan Tài chính, Viện kiểm sát…xác định tình trạng tài sản, sau đó mới tiến hành các thủ tục tiêu hủy tài sản theo quy định. Đây cũng là một thủ tục nhiêu khê, để giải quyết vấn đề này, ngay tại thời điểm xét xử, Tòa án cần có những nhận định chính xác về giá trị của vật chứng, tài sản được trả lại cho đương sự để có cách tuyên phù hợp. Ví dụ đối với những tài sản được trả lại mà có giá trị nhỏ, đã giảm giá trị, không sử dụng được, Tòa án có thể hỏi nguyện vọng của đương sự có muốn nhận lại tài sản hay không; hoặc tự nguyện sung công quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy để giảm bớt các công việc thi hành án sau này.
Thứ ba: Về phương thức trả lại tài sản
Tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: 2. Đối với khoản tiền chi trả cho người được nhận là cá nhân, cơ quan thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản yêu cầu người được nhận đến nhận. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo mà người được nhận tiền không đến nhận nếu họ ở xa trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, đã xác định được địa chỉ rõ ràng của họ và khoản tiền có giá trị nhỏ hơn 01 tháng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định thì cơ quan thi hành án dân sự lập phiếu chi và gửi tiền cho họ qua đường bưu điện. Trường hợp bưu điện trả lại tiền do không có người nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại Khoản 5 Điều này.Trường hợp người được nhận tiền cung cấp tài khoản và yêu cầu chuyển khoản thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục chuyển khoản”.
Phương thức trả lại tài sản như trên có khá nhiều thuận lợi và ưu việt cho chấp hành viên, tuy nhiên theo câu chữ của điều luật thì quy định trên chỉ áp dụng đối với tài sản là tiền, trong khi đó với điều kiện dịch vụ chuyển phát bưu điện tiện lợi, nhanh chóng và chất lượng tốt như hiện nay thì việc trả lại các loại tài sản là đồ vật có giá trị nhỏ qua đường bưu điện sẽ rất hiệu quả và hợp lý. Do đó, đề xuất bổ sung thêm quy định này đối với trường hợp tài sản được nhận là những tài sản có giá trị nhỏ (ví dụ: nhỏ hơn 01 tháng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định ) mà đã xác định được rõ ràng địa chỉ thì cơ quan thi hành án dân sự có thể chủ động gửi trả lại tài sản theo đường bưu điện. Chi phí gửi trả lại tài sản trong những trường hợp này có thể được tính vào một trong những nội dung chi trong các khoản phí thi hành án đã thu được (3). Trường hợp bưu điện trả lại tiền do không có người nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Giải quyết dứt điểm các vụ án hoàn trả tiền, tài sản, đặc biệt là các tài sản có giá trị nhỏ không chỉ có ý nghĩa đối với việc thực thi trên thực tế bản án, quyết định của tòa án mà còn có ý nghĩa lớn trong việc giảm án tồn đọng trong hoạt động thi hành án dân sự. Dưới đây là một số kiến nghị:
Một là: Đối với những tài sản có giá trị nhỏ, đề nghị xem xét quy định thống nhất một phương án xử lý chung đối với loại tài sản này (ví dụ: giá trị tài sản dưới 1.000.000đ) thì Tòa án có thể tuyên tịch thu để sung công quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy ( đối với tài sản đã quá cũ, giảm giá trị), không nên tuyên trả lại cho đương sự, đặc biệt đối với đương sự là bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Việc này sẽ giúp giảm tải số lượng việc thi hành án đáng kể cho các cơ quan thi hành án dân sự và góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của Nhà nước (4).
Hai là: Đối với thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước: Đề nghị xem xét rút ngắn khoảng thời gian làm thủ tục sung công quỹ nhà nước đối với số tiền đã gửi tiết kiệm mà đương sự không đến nhận (5)(từ 5 năm xuống còn 2 năm ) để tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết việc thi hành án.  
Ba là: Có thể quy định một trình tự thủ tục trả lại riêng (theo trình tự rút gọn) đối với các tài sản có giá trị nhỏ với một cơ chế thông thoáng hơn; đồng thời bổ sung các phương thức trả lại tài sản linh hoạt đối với một số loại tài sản như phương thức gửi qua đường bưu điện … để thuận lợi cho việc thi hành án đối với các loại việc này
Trong thực tiễn, số lượng việc thi hành án khoản hoàn trả lại tài sản chiếm số lượng rất lớn, đặc biệt là đối với các vụ việc hình sự ngày càng có xu hướng gia tăng như  hiện nay, việc khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc hoàn trả lại tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. 
ThS. Hoàng Thị Thanh Hoa 
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội

1. Chuyên đề: Tổng hợp những khó khăn vướng  mắc trong THADS và kiểm sát THADS, tài liệu hội nghị về công tác THADS và kiểm sát THADS được tổ chức tại Nghệ An, tháng 7/2017, Tr. 86.
2. Xem thêm: Ths.Hoàng Thị Thanh Hoa, Một số bất cập từ thực tiễn thi hành khoản hoàn trả tiền tạm ứng án phí; http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tuthuctien/view_detail.aspx?itemid=555; ngày đăng: 10/11/2017; trc:10/10/2018
3. Theo điểm a, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP hướng dẫn luật phí và lệ phí, Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định này được chi dùng cho các nội dung sau:….  Chi phí phục vụ cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí như: Văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, công tác phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành…. Các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí.”
4. Xem thêm: Ths. Hoàng thị Thanh Hoa, Về trả lại tiền, tài sản, giấy tờ cho người được thi hành án là phạm nhân; http://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=857; ngày đăng: 22/02/2018; trc: 12/10/2018
5. Khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự