Sign In

Ngành THADS tỉnh Bắc Giang vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ sau 04 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09/3/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác THADS

30/08/2021

Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 09/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự (Chỉ thị số 09) đã xác định công tác THADS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn công tác THADS với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Qua đó, sau 04 năm triển khai thực hiện, công tác THADS đã đạt nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu nhiệm vụ đều vượt so với Tổng cục THADS giao hàng năm.
Theo đó, từ ngày 01/4/2017 đến ngày 31/3/2021, toàn tỉnh thi hành được tổng số 34.352 việc, với số tiền 1.006.918.634.000đ, tăng 4.181 việc = 4.107.521.000đ so với giai đoạn trước. Các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 1.549 trường hợp, hiện còn 43 việc đã ban hành quyết định nhưng chưa tổ chức cưỡng chế. Đối với án trọng điểm, trong 04 năm đã tổ chức thi hành xong dứt điểm 04 việc, với số tiền 9.214.214.000đ; thi hành xong một phần và ủy thác 01 việc với số tiền 171.258.780.000đ; chuyển chưa điều kiện 02 việc với số tiền 34.412.498.000đ; còn 02 việc THADS trọng điểm, với số tiền 8.687.810.000đ chưa thi hành xong (thuộc 01 đối tượng phải thi hành án). Bên cạnh đó, các cơ quan THADS đã tích cực triển khai và sử dụng hiệu quả các phần mềm được trang bị như phần mềm thụ lý hồ sơ, tổ chức thi hành án và thống kê báo cáo, phần mềm quản lý văn bản,  phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, phần mềm kế toán… Việc ký số và gửi văn bản điện tử được thực hiện nghiêm góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện tại, các cơ quan THADS tỉnh đang triển khai việc quét hồ sơ thi hành án lên phần mềm thụ lý hồ sơ thi hành án, từng bước thực hiện việc số hóa, nâng cao hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong hoạt động THADS. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng cao, đã thu lý giải quyết xong 141/141 đơn khiếu nại, 45/46 đơn tố cáo…
Công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong THADS được thực hiện nền nếp, hiệu quả. Cụ thể: (i) Phối hợp với lực lượng công an bảo vệ cưỡng chế 568 vụ, nhiều vụ việc cưỡng chế phức tạp, người phải thi hành án chống trả rất quyết liệt dưới nhiều hình thức khác nhau, như vụ việc Mai Quang Dũng, Nguyễn Huấn Thị, vụ Lê Thị Liên, vụ Nguyễn Văn Tráng và Nguyễn Thị Chung, vụ Hoa Sơn (thành phố); vụ Chiến Thuần (Hiệp Hòa); vụ Hải Huệ (Tân Yên)... nhưng với các phương án đã chuẩn bị chặt chẽ và thống nhất với các ngành trước khi tổ chức thực hiện nên việc cưỡng chế đã thành công, đảm bảo an toàn về người, tài sản; (ii) Phối hợp với TAND hai cấp chuyển giao 36.900 bản án, quyết định; đính chính, giải thích với 73 bản án, quyết định tuyên không rõ, có sai sót; (iii) Phối hợp với VKSND hai cấp trong việc giải quyết các vụ việc lớn, phức tạp, có số tiền phải thi hành lớn, điển hình như: vụ Công ty Trọng Tấn, vụ Công ty Trang My, vụ Công ty Trường Thành, vụ Công ty SNC, vụ Công ty Douon - ViNa và vụ Công ty Ngọc Khánh (tại Cục THADS tỉnh); vụ Phan Văn Thụ, Bùi Thị Biên, vụ Hạnh Hưng (Chi cục Lục Ngạn); vụ Công ty cổ phần gỗ mỹ nghệ PTN, vụ công ty cổ phần thép Hương Thịnh, vụ Ngô Văn Thoải (Chi cục Việt Yên); vụ Hải Huệ, vụ Thanh Sen.. (Chi cục Tân Yên), vụ Chiến Thuần (Chi cục Hiệp Hòa)...; (iv) UBND các cấp, ngành tài nguyên, tài chính, kế hoạch, ngân hàng... đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công, phối hợp đồng bộ, có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức thi hành án. Đơn cử như, UBND cấp xã đã phối hợp cung cấp thông tin của người phải thi hành án; cơ quan tài nguyên môi trư­ờng, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đã phối hợp trong việc xác minh, xác định quyền sử dụng đất; ngành tài chính phối hợp trong xử lý tài sản sung công, tiêu hủy, thẩm định giá; ngành kế hoạch phối hợp cung cấp đăng ký kinh doanh; ngân hàng kịp thời cung cấp thông tin về tài khoản liên quan đến thi hành án khi được cơ quan thi hành án đề nghị....
Công tác THADS có sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Trước khi có Chỉ thị số 09, các cơ quan THADS tỉnh Bắc Giang nhiều năm không hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao: Năm 2015, năm 2016 còn thiếu lần lượt là 21% và 17,6% về tiền so với chỉ tiêu giao. Sau khi có Chỉ thị 09, công tác THADS có kết quả vượt trội, kết quả thi hành án năm sau luôn cao hơn năm trước, hàng năm đều vượt chỉ tiêu được giao: năm 2017 vượt 13% chỉ tiêu về việc, 07% về tiền; năm 2018 vượt 13,68% chỉ tiêu về việc, 6,39% về tiền; năm 2019 vượt 10,25% chỉ tiêu về việc, 4,61% về tiền; năm 2020 vượt 3,46% chỉ tiêu về việc, 3,42% về tiền. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đi vào nền nếp, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đều đạt trên 97%; Công tác tự kiểm tra, kiểm tra được tăng cường giúp kịp thời phát hiện sai phạm, thiếu sót để khắc phục và có biện pháp chấn chỉnh. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng thực hiện đã nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời tăng cường tính minh bạch, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân; Đội ngũ công chức THADS được củng cố, kiện toàn; Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương được tăng cường...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09 vẫn còn có nhiều khó khăn, vướng mắc. Điển hình: Công tác THADS cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, từ việc xác minh điều kiện thi hành án đến việc tổ chức cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản, chỉ một trong các chủ thể phối hợp chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả hoạt động THADS. Hầu hết các việc thi hành án khi xác minh điều kiện thi hành án đều phải xác minh thông tin về đất đai, tuy nhiên cơ sở dữ liệu, hồ sơ tài liệu về đất đai ở một số địa phương, đơn vị được lưu trữ không tốt, dẫn đến việc cung cấp thông tin mất nhiều thời gian, có trường hợp cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác hoặc không cung cấp được thông tin. Một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công tác THADS, chưa chấp hành nghiêm túc các quyết định về thi hành án, dẫn đến một số việc thi hành án bị kéo dài, không tổ chức dứt điểm. Trong năm 2020, 2021, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động tổ chức thi hành án không thực hiện được hoặc bị chậm tiến độ...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 09, ngành THADS xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan THADS hai cấp theo Chỉ thị số 09. Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS, tích cực chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS.
Hai là, tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ công chức thi hành án.
Ba là, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện các sai phạm để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS theo đúng quy định pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính về THADS, tăng cường hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, nghiệp vụ của các cơ quan THADS, tạo sự công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp đã ký kết. Tích cực tham mưu Ban chỉ đạo THADS trong chỉ đạo công tác phối hợp và tổ chức cưỡng chế thi hành án./.
Nguyễn Thị Hiên- Văn phòng Cục THADS tỉnh Bắc Giang

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: