Sign In

Thi hành án dân sự: Khó xác minh tài sản, án tồn đọng tăng

28/02/2020

Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là khâu quan trọng giúp chấp hành viên có cơ sở pháp lý để phân loại và tổ chức thi hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến lượng án tồn đọng gia tăng.
Thiếu thông tin xác minh

Để xác định được điều kiện thi hành án (THA), chấp hành viên cần thu thập nhiều thông tin, trong đó khó nhất là xác minh tài sản. Tài sản thường là có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng và không đăng ký quyền sở hữu, sử dụng. Thực tế, khi xác minh đất, tài sản gắn liền trên đất có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, một số chính quyền cấp xã, cơ quan đăng ký đất đai... cung cấp thiếu thông tin về số tờ, số thửa, diện tích hoặc chậm gửi công văn trả lời yêu cầu của cơ quan THA.

Được biết, năm 2019, Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin 490 việc liên quan đến tài sản của người phải THA. Đến nay, còn 40 việc Văn phòng vẫn chưa cung cấp, nhiều việc gửi văn bản trả lời quá hạn hoặc trả lời chưa đầy đủ. Ví như việc liên quan đến hai ông Nguyễn Ngọc Vũ và Đỗ Văn Hồng ở thôn Phúc Lâm, xã Hoàng Ninh (Việt Yên-Bắc Giang), chấp hành viên xác minh tại UBND xã Hoàng Ninh và biết được thông tin về số tờ, số thửa, số bản đồ, diện tích đất, năm cấp. 

Tuy nhiên Văn phòng đăng ký đất đai huyện Việt Yên lại cung cấp là chưa có thông tin về thửa đất. Tại Lục Nam (Bắc Giang), nhiều văn bản Văn phòng đăng ký đất đai huyện trả lời Chi cục THA dân sự huyện không tìm thấy hồ sơ đăng ký biến động giao dịch bảo đảm. Một số việc không tìm thấy hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc để sao chụp. 

Trong xác minh tài sản không đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, có trường hợp người phải THA trình bày tài sản tại gia đình mình do người khác gửi, không thành thật khai nhận. Ngoài ra, việc xác minh điều kiện THA còn gặp vướng mắc liên quan đến tài sản của doanh nghiệp, tổ chức; người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có vốn góp trong doanh nghiệp... Tổng hợp cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 5.200 việc chuyển kỳ sau, nhiều hơn 400 việc so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do khâu xác minh điều kiện thi hành án gặp nhiều vướng mắc.

Tăng cường phối hợp

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang nhận định, những khó khăn trên là tình trạng chung của toàn tỉnh. Để khắc phục, đơn vị đã chỉ đạo chấp hành viên nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức xác minh đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ. Chia sẻ kinh nghiệm của Chi cục THA dân sự huyện Lạng Giang (Bắc Giang), bà Nguyễn Thị Bốn, Chi cục trưởng cho hay, đối với những vụ việc kéo dài, tồn đọng, đơn vị thường xuyên gửi văn bản đề nghị các cơ quan liên quan trả lời, cho ý kiến xác minh. 

Tại các cuộc họp, lãnh đạo Chi cục chủ động tham mưu, đề xuất với Trưởng Ban chỉ đạo THA dân sự huyện về những khó khăn khi xác minh điều kiện THA nói riêng, công tác THA nói chung do thiếu sự hợp tác, phối hợp của các đơn vị trên địa bàn, từ đó người đứng đầu có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Thực tế, không ít vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng khi có chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo THA dân sự huyện, sau đó việc giải quyết thuận lợi.

Phần lớn việc xác minh điều kiện THA liên quan đến tài sản đều là đất đai. Trong khi đó các cơ quan đăng ký đất đai chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Trước thực trạng này, Cục THA dân sự tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, xã cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về điều kiện THA của người phải thi hành. 

Các cơ quan đăng ký đất đai nghiên cứu thêm biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ. Ngành công an và chính quyền địa phương siết chặt quản lý nhân khẩu. Các trại giam chủ động hơn trong việc phối hợp, cung cấp thông tin về điều kiện THA của người đang chấp hành hình phạt tù cho cơ quan THA.
 


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: