Sign In

Bắc Giang: Tổng rà soát, quyết liệt trong thi hành án dân sự

07/04/2023

(BGĐT) - Tổng rà soát, kiểm tra các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết xong (từ hai năm trở lên), từ đó kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục là một trong những cách làm mới, hiệu quả của ngành Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bắc Giang.
Trong tháng 1 và 2/2023, Cục THADS tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra tất cả chi cục THADS cấp huyện nhằm tổng rà soát, kiểm tra những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết xong, kéo dài từ hai năm trở lên. Trong số 630 hồ sơ thuộc diện phải kiểm tra, Cục đã xem xét 316 hồ sơ có những vướng mắc, bất cập. Qua đó tập trung đánh giá việc ra quyết định thi hành án (THA); thực hiện trình tự, thủ tục; tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; phân phối tiền; sắp xếp hồ sơ; công tác phối hợp… Đối với từng vụ việc, đoàn kiểm tra đều đánh giá khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục kịp thời.
Chi cục THADS TP Bắc Giang có số lượng hồ sơ kiểm tra nhiều nhất (50/101 hồ sơ). Lý giải điều này do địa bàn TP sôi động, phức tạp, phát sinh nhiều vi phạm hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ còn tồn không nhiều so với tổng số khoảng 2 nghìn hồ sơ có điều kiện thi hành hằng năm. 
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho hay, liên quan đến 50 hồ sơ từ hai năm trở lên có điều kiện thi hành nhưng chưa giải quyết xong, trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đơn vị, trực tiếp là chấp hành viên phụ trách đã không kịp thời xác minh tài sản bảo đảm của đương sự; không tích cực đôn đốc cá nhân, tổ chức liên quan; vi phạm quy định về xác minh, thông báo THA; không thực hiện bán đấu giá tài sản theo quy định. 
Đơn cử như vụ việc liên quan đến bà N.T.B ở xã Song Mai kéo dài từ tháng 4/2016 đến nay. Bà B phải thi hành hơn 460 triệu đồng nhưng chưa thực hiện xong nghĩa vụ. Chấp hành viên xác định bà B có tài sản là quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, trên đất xây dựng một số công trình phụ. Trước đây, tài sản này của các hộ dân khác, bà B đã làm hợp đồng chuyển đổi, nhận chuyển nhượng nhưng chưa làm thủ tục sang tên. 
Thiếu sót trong vụ việc trên là chấp hành viên không xác minh cụ thể hiện trạng tài sản nhà đất bà B đang sử dụng, đề xuất đưa vào việc chưa có điều kiện thi hành. Sau khi kiểm tra, Cục đề nghị lãnh đạo Chi cục tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn chấp hành viên xác minh làm rõ tính hợp pháp của việc nhận chuyển nhượng tài sản để có phương án xử lý đất hoặc kiến nghị thu hồi. Đoàn kiểm tra cũng nhận định có những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ THA.
Được biết những năm qua, lượng việc và tiền tất cả các chi cục thụ lý đều tăng cao trong khi số lượng chấp hành viên ít. Một số vụ việc có tính chất phức tạp, đương sự phải thi hành số tiền nhỏ (từ 5-10 triệu đồng) nhưng tài sản bảo đảm lại liên quan đến hộ gia đình có giá trị lớn. 
Chấp hành viên khó áp dụng biện pháp cưỡng chế, thay vào đó là thuyết phục đương sự và các thành viên trong gia đình nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Việc xác minh thông tin quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại các cơ quan quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian, công sức. Hầu hết các huyện, TP đều xảy ra tình trạng văn phòng đăng ký đất đai không lưu trữ hồ sơ, có sự sai sót về thông tin dẫn đến chậm tiến độ giải quyết. 
Không ít vụ việc đương sự phải thi hành số tiền lớn, tài sản bảo đảm là dây chuyền, máy móc, quyền sử dụng đất. Chấp hành viên gặp khó khăn trong định giá, xác minh các hợp đồng chuyển nhượng. Vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Thương mại sản xuất Nhật Quang, trụ sở ở xã Nghĩa Trung (Việt Yên) là một ví dụ. Người đại diện công ty phải thi hành hơn 2 tỷ đồng từ tháng 5/2020. Chấp hành viên gặp khó khăn trong xác định giá trị tài sản (các loại máy móc, nhà xưởng); không rõ chiếc ô tô (tài sản bảo đảm) đang ở đâu, do ai quản lý, có được đăng ký quyền sở hữu hay không. 
Ông Đỗ Văn Ngà, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Việt Yên cho hay, sau đợt kiểm tra này, Chi cục yêu cầu chấp hành viên tập trung nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật; mạnh dạn tham mưu, đề xuất các giải pháp. Thực tế ngay sau khi đoàn kiểm tra đưa ra định hướng giải quyết, chấp hành viên tại nhiều đơn vị đã nhanh chóng khắc phục thiếu sót.
Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 12,5 nghìn việc có điều kiện thi hành án; đã thi hành xong hơn 10,6 nghìn việc, tương ứng với số tiền hơn 408 tỷ đồng. Trong đó số hồ sơ có điều kiện THA nhưng chưa thi hành xong và kéo dài hơn hai năm chiếm tỷ lệ nhỏ. Tuy nhiên, nếu không rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết sẽ dẫn đến gia tăng án tồn đọng. Vì thế, Cục THADS tỉnh xác định, hoạt động rà soát, kiểm tra là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Sau kiểm tra, Cục đã ban hành kết luận, tổng hợp những sai phạm phổ biến để gửi các chi cục làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm chung. Được biết, Cục THADS đã làm việc với Viện KSND, TAND tỉnh để tháo gỡ khó khăn liên quan đến THA tài sản hộ gia đình.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: