Năm 2022, toàn ngành phải thi hành 14.263 việc. Qua xác minh, 12.544 việc có điều kiện thi hành; đã giải quyết xong 10.696 việc (đạt 85,27%, tăng 2,45% so với năm 2021) tương ứng với số tiền gần 410 tỷ đồng.
Qua phân loại, các việc chủ yếu liên quan đến kê biên, xử lý tài sản chung hộ gia đình. Tính đến nay, toàn tỉnh tồn đọng gần 120 việc với số tiền gần 50 tỷ đồng thuộc trường hợp này.
Quá trình kê biên, xử lý tài sản để THA nằm trong khối tài sản chung của hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như một số thành viên của hộ gia đình đi nước ngoài, không rõ địa chỉ; khó xác định rõ công sức đóng góp của từng người; đương sự và người liên quan chống đối, không hợp tác. Nhiều trường hợp phải thi hành số tiền nhỏ trong khi cơ quan chức năng kê biên, xử lý tài sản (thường là quyền sử dụng đất) lại có giá trị lớn.
Như ông N.V.H ở xã Dương Đức (Lạng Giang) phải THA 5 triệu đồng. Chấp hành viên xác minh ông H có tài sản chung là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền của hộ gia đình gồm 4 thành viên nên tiếp tục vận động gia đình tự nguyện, tránh phải kê biên tài sản có giá trị lớn, song gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trường hợp của ông N.H.T (SN 1978) ở xã Khám Lạng (Lục Nam) cũng vậy. Theo các quyết định, ông T phải thi hành tổng số tiền 12 tỷ đồng. Chấp hành viên xác định ngoài tài sản cá nhân, ông T còn có 1/6 giá trị tài sản trong hộ gia đình gồm 6 thành viên do ông N.H.X là chủ hộ. Quá trình giải quyết, đương sự và những người liên quan thiếu hợp tác. Chấp hành viên đã vận động, tuyên truyền, ra thông báo nếu ông T cùng các thành viên trong hộ gia đình ông N.H.X không đồng ý với việc xác định phần tài sản của ông T trong khối tài sản chung thì có quyền khởi kiện yêu cầu TAND huyện Lục Nam phân chia theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thành Bắc, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh thông tin: Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 24, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý tài sản chung hộ gia đình, chấp hành viên thực hiện chia đều cho số lượng thành viên trong hộ tại thời điểm xác lập quyền sở hữu, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Sau đó thông báo kết quả xác định cho các thành viên trong hộ gia đình biết, thông báo quyền yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Thực tế, một số đương sự không hợp tác, khởi kiện lại sau khi kê biên gây khó khăn trong giải quyết và rủi ro cho chấp hành viên.
Trước những khó khăn trên, đại diện Cục THADS, TAND và Viện KSND tỉnh đã họp bàn, thống nhất phương án khắc phục. Cụ thể, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày được chấp hành viên thông báo hợp lệ mà không có người khởi kiện thì tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định. Trong quá trình kê biên, bán tài sản, nếu các thành viên hộ gia đình khởi kiện thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết đối với những vụ việc này.
Cục THADS tỉnh đang triển khai tới các chi cục để thống nhất cách làm. Cùng đó yêu cầu chấp hành viên phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với chính quyền cấp xã, cơ quan đăng ký đất đai để kê biên, xác minh đúng thực trạng tài sản của đương sự.
Cơ quan thi hành án tăng cường phối hợp với TAND hai cấp đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp, các vụ việc có liên quan đến xác định, phân chia, xử lý tài sản chung; chuyển giao bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn