Không để dồn việc
Từ tháng 10/2020 đến nay, tổng số việc được thụ lý của Chi cục THA Dân sự TP Bắc Giang là hơn 1,1 nghìn việc. Trong đó, số việc có điều kiện giải quyết là 918 việc. Các việc phải thi hành tập trung nhiều ở án tranh chấp tài sản, vay nợ, thương mại...
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt tới các chấp hành viên nhanh chóng thi hành các hồ sơ khi đủ điều kiện, không để xảy ra tình trạng dồn ứ việc.
Với những án liên quan đến tín dụng ngân hàng, đơn vị chủ động phối hợp với các ngân hàng để làm việc với bên phải THA, động viên, thuyết phục, đồng thời đưa ra điều kiện thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành. Nếu cố ý lẩn tránh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản. Vụ việc của ông, bà Hà Văn T và Nguyễn Thị C ở khu phố Tiền, phường Thọ Xương là một ví dụ.
Theo bản án của TAND TP Bắc Giang, vào tháng 5/2020, ông bà T, C phải thi hành khoản tiền trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Chi nhánh Bắc Giang II số tiền hơn 300 triệu đồng và lãi suất. Để bảo đảm thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trước đó, đơn vị đã buộc phải cưỡng chế hơn 234 m2 đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất của ông bà T, C.
Mới đây, ngày 28/4, đơn vị cũng đã tiến hành việc cưỡng chế, giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá đối với đương sự là bà Thân Thị Thu H, ở đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Tài sản cưỡng chế là hơn 48 m2 đất và tài sản gắn liền với đất.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm, đến thời điểm này, Chi cục đã giải quyết xong 605/918 việc, đạt hơn 65%, số còn lại đang tập trung xác minh, kê biên tài sản. Các việc được thi hành đều bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Quan tâm tuyên truyền, vận động
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động THA Dân sự là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục để đương sự tự nguyện THA. Điều này vừa giúp mối quan hệ hai bên không căng thẳng, vừa giúp cơ quan chức năng giảm thời gian xác minh, kê biên, bán đấu giá.
Anh Lưu Ngọc Hùng, chấp hành viên Chi cục THA Dân sự TP Bắc Giang chia sẻ: Khi tiếp xúc với đương sự, chúng tôi luôn nói rõ quyền lợi và nghĩa vụ của họ, những thuận lợi khi tự nguyện THA cũng như thiệt thòi, bất lợi nếu phải tổ chức cưỡng chế, kê biên tài sản. Vụ việc của ông bà Nguyễn Văn H và Trần Thu V ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) là một ví dụ.
Theo quyết định THA, ông bà H, V phải thi hành hơn 130 triệu đồng cho một tổ chức tín dụng. Để vụ việc không phải cưỡng chế, cơ quan THA đã xác định hiện trạng, phân chia tài sản chung của gia đình. Bên cạnh tuyên truyền, thuyết phục đương sự, chấp hành viên còn nhiều lần tới nhà vận động các thành viên trong gia đình cùng tác động, khuyên nhủ. Sau một thời gian, các đương sự tự giác nộp tiền THA.
Theo ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự TP Bắc Giang: Kinh nghiệm để giải quyết hiệu quả các vụ việc, nhất là những án khó, án tồn đọng là chú trọng rà soát phân loại đúng vụ việc, đối tượng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban chuyên môn để tổ chức THA. Căn cứ vào danh sách đối tượng phải THA theo từng địa bàn, các chấp hành viên lập danh sách án còn phải thi hành ở từng nơi và phối hợp với UBND phường, xã để cùng tuyên truyền, thuyết phục đối tượng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Thời gian tới, Chi cục THA Dân sự TP Bắc Giang tiếp tục tập trung cao đối với nhóm việc theo đơn có số tiền thi hành lớn; với phương châm, nếu phải tổ chức cưỡng chế thì duy trì tuyên truyền, vận động để giảm căng thẳng khi thực hiện.
Đối với số vụ việc đã kê biên đang xử lý tài sản, lãnh đạo Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm thực hiện đúng thời hạn. Mặt khác, đơn vị tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tiền THA cho các đương sự đủ điều kiện. Bên cạnh đó, quan tâm làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THA dân sự.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn