Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo:
1. Các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW và nội dung của Kế hoạch số 23-KH/TU đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương.
2. Công an tỉnh chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, bên cạnh việc làm rõ hành vi phạm tội còn phải quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát như thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, truy nguyên, truy tìm dòng tiền, truy tìm tài sản bị tẩu tán, chuyển dịch, xác định cá nhân, tổ chức hưởng lợi cuối cùng, không để đối tượng vi phạm hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ liên quan, cất giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các vụ cưỡng chế thi hành án nhằm thu hồi tiền, tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan thi hành án phạt tù tăng cường công tác giáo dục phạm nhân tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
3. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, chấp hành viên và người có thẩm quyền khác khi thực hiện các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót theo quy định của pháp luật.
4. Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo khi xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế tích cực áp dụng biện pháp ngăn chặn, kê biên tài sản, bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; phân định trách nhiệm bồi thường của từng bị cáo và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan khi tuyên nghĩa vụ liên đới; chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án dân sự đúng quy định, kịp thời giải thích, đính chính bản án khi phát hiện có sai sót hoặc khi có yêu cầu; khẩn trương thụ lý, giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu phân chia tài sản chung trong quá trình tổ chức thi hành án.
5. Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, truy tìm tài sản; kiên quyết áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; khẩn trương xử lý tài sản đã được các cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
6. UBND tỉnh chỉ đạo:
- Thanh tra tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra; khi kết luận thanh tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy định; chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý về đất đai phục vụ cho việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
- Sở Tài chính, Sở Tư pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý sai phạm, đảm bảo công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án tuân thủ quy định của pháp luật.
- Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang chỉ đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án dân sự, kịp thời cung cấp thông tin về tài sản, tài khoản để áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong quá trình tiến hành tố tụng và thi hành án; thực hiện nghiêm các quyết định của cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản. Tăng cường công tác thẩm định giá tài sản bảo đảm cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
7. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, giúp nhân dân nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm.
8. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng góp ý, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, về công tác thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế; làm tốt công tác vận động nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục đổi mới, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay từ cơ sở.
Kế hoạch số 23-KH/TU được ban hành đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; góp phần từng bước đưa Chỉ thị số 04 vào cuộc sống; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về tham nhũng, đặc biệt là trong công tác thu hồi tài sản do tham nhũng mà có./.
Nguyễn Thị Hiên - Văn phòng Cục THADS tỉnh